VCCI tổng hợp ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch

Thứ Tư 10:08 03-08-2011

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

------------------------------

Số:   1782  /PTM-PC

V/v: góp ý Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

-----------------------------------

Hà Nội, ngày  02 tháng 08 năm 2011

 

Kính gửi: BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

Phúc đáp Công văn số 2127/BVHTTDL-TTr của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 149/2007/NĐ-CP ngày 09/10/2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị định), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:

Về cơ bản, các quy định trong Dự thảo Nghị định là hợp lý, thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan như Luật Du lịch (năm 2005), Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2008) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, để hoàn thiện, đề nghị Dự thảo Nghị định xem xét, cân nhắc các vấn đề sau:

  1. Về Phạm vi điều chỉnh

Dự thảo Nghị định nên bổ sung quy định nguyên tắc tại Chương I, những quy định liên quan đến du lịch thì áp dụng theo quy định tại Nghị định này; trường hợp chưa được quy định tại Nghị định này thì sẽ áp dụng theo quy định tại Nghị định khác có liên quan để bảo đảm các quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến du lịch được tập trung quy định tại Nghị định này, tránh bỏ sót những hành vi vi phạm về du lịch, khắc phục sự trùng lặp, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.

  1. Về các hành vi vi phạm hành chính

Về nguyên tắc, các hành vi quy định tại Dự thảo Nghị định này phải phù hợp, thống nhất với các quy định (đặc biệt là các quyền, nghĩa vụ mà các doanh nghiệp phải tuân thủ) tại Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, một số quy định tại Dự thảo Nghị định chưa đáp ứng được nguyên tắc trên:

-         Một trong những hành vi vi phạm quy định về thông báo hoạt động kinh doanh lữ hành bị xử phạt là “không thông báo bằng văn bản về việc thay đổi người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày doanh nghiệp thay đổi người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành” (khoản 3 Điều 4 Dự thảo Nghị định). Tuy nhiên, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 13 Nghị định 92/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch (sau đây gọi tắt là Nghị định 92) thì doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế mới có nghĩa vụ này, còn doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa lại không thấy có quy định. Để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản, đề nghị Dự thảo Nghị định quy định rõ đối tượng bị xử phạt đối với hành vi vi phạm này;

-         Khoản 4 Điều 4 Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm quy định về thông báo hoạt động kinh doanh lữ hành đối với hành vi “không thông báo bằng văn bản về việc thành lập, thời điểm bắt đầu hoạt động của chi nhánh, …. trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày chi nhánh, văn phòng đại diện thành lập chính thức hoạt động”. Theo quy định tại khoản 2 Điều 27, khoản 2 Điều 28 Nghị định 92 thì trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập, chi nhánh, văn phòng đại diện phải chính thức hoạt động và thông báo tới cơ quan nhà nước về du lịch nơi chi nhánh, văn phòng đại diện đặt trụ sở. Như vậy, theo quy định tại Nghị định 92 thì thời điểm chi nhánh, văn phòng đại diện phải thông báo là không cần phải cụ thể, chỉ cần thực hiện nghĩa vụ này trong khoảng thời gian 45 ngày kể từ ngày cấp Giấy phép thành lập. Do đó, quy định tại khoản 4 Điều 4 Dự thảo Nghị định là chưa phù hợp; Góp ý tương tự về thời hạn đối với quy định tại khoản 5 Điều 4 Dự thảo Nghị định không phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 27 và khoản 2 Điều 28 Nghị định 92;

-         Điều 5 Dự thảo Nghị định quy định một số hành vi bị xử phạt trong hoạt động kinh doanh lữ hành, tuy nhiên, một số hành vi trong quy định tại Điều này lại chưa thống nhất với Luật Du lịch, Nghị định 92. Ví dụ: Một trong những hành vi bị xử phạt về kinh doanh lữ hành là “không có chương trình du lịch bằng văn bản do khách du lịch hoặc đại diện nhóm khách du lịch” (điểm b khoản 3 Điều 5), nhưng tại khoản 4 Điều 40 Luật Du lịch lại quy định, doanh nghiệp kinh doanh du lịch có nghĩa vụ “thông tin rõ ràng, công khai, trung thực số lượng, chất lượng, giá cả các dịch vụ hàng hóa cung cấp cho khách du lịch; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết với khách du lịch; bồi thường thiệt hại cho khách du lịch do lỗi của mình gây ra” mà không quy định cụ thể các thông tin này phải lập bằng “văn bản”.

-         Khoản 1 Điều 5 Dự thảo Nghị định quy định: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Sử dụng người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa không đủ ba năm làm việc trong lĩnh vực lữ hành; b) Sử dụng người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế không đủ bốn năm làm việc trong lĩnh vực lữ hành; c) Người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa không đủ ba năm, người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế không đủ bốn năm làm việc trong lĩnh vực lữ hành; …”. Quy định này là chưa rõ ràng. Quy định này được hiểu, doanh nghiệp sử dụng người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa không đủ ba năm làm việc trong lĩnh vực lữ hành hoặc sử dụng người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế không đủ ba năm làm việc trong lĩnh vực lữ hành hoặc sử dụng người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế không đủ số năm kinh nghiệm thì sẽ bị xử phạt theo khung hình phạt này? Nếu như vậy thì việc thiết kế khoản này chưa hợp lý, nên bỏ điểm a, b mà chỉ quy định điểm c. Nếu quy định này được hiểu là hành vi vi phạm tại điểm a, b áp dụng cho doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, còn điểm c lại áp dụng cho người điều hành của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành thì quy định này không tách bạch đối tượng bị xử phạt và chưa phù hợp nếu đưa điểm c vào;

-         Về hành vi vi phạm quy định về hướng dẫn du lịch: Dự thảo Nghị định quy định hành vi “không mang theo hợp đồng lao động hoặc giấy tờ phân công nhiệm vu của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong khi hành nghề hướng dẫn” (điểm a khoản 3 Điều 7). Nhưng Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn lại không có quy định về nghĩa vụ này đối với hướng dẫn du lịch. Như vậy, giữa Dự thảo Nghị định và Luật Du lịch đã không có sự thống nhất trong cùng một quy định;

-         Mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh đại lý lữ hành khá thấp (Điều 6 Dự thảo Nghị định) (mức thấp nhất là 500.000 đồng). Đề nghị Dự thảo Nghị định nâng mức tiền xử phạt lên để đảm bảo tính giáo dục.

  1. Về Hình thức xử phạt bổ sung

-         Điểm b khoản 10 Điều 5 Dự thảo Nghị định quy định, hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi “hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế mà không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế” là “tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế không thời hạn”. Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế không thời hạn đối với hình thức này là chưa phù hợp và hiệu quả bởi, bản thân doanh nghiệp vi phạm đã không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt không thể tước giấy phép của doanh nghiệp được;

-         Theo quy định tại khoản 7 Điều 7 Dự thảo Nghị định thì hành vi “sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch, giấy chứng nhận thuyết minh viên của người khác để hành nghề” phải chịu đến 2 hình thức xử phạt bổ sung là “tước quyền sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch đến 12 tháng” và “tước quyền sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch không thời hạn”. Quy định này là chưa phù hợp, đề nghị Dự thảo Nghị định điều chỉnh;

  1. Về thẩm quyền xử phạt

Theo quy định của Luật Thanh tra thì Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, nhưng mức xử phạt  cụ thể đối với hành  vi vi phạm hành chính do các chức danh trên thực hiện lại chưa được quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ban hành năm 2008.

Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành như Tổng cục trưởng, Cục trưởng, … cũng như Chánh Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là những người giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ  quản lý nhà nước ở lĩnh vực chuyên ngành. Do đó, về địa vị pháp lý những chức danh này có thể là tương đương. Theo cách lập luận trên đây, thì thẩm quyền xử phạt của Tổng cục trưởng, Cục trưởng, cũng nên quy định như thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Bộ. Đối với công chức, được giao nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính, thì địa vị pháp lý cũng tương đương như Thanh tra viên. Vì vậy, đề nghị Dự thảo Nghị định khi quy định thẩm quyền xử phạt đối với Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tương đương với Chánh Thanh tra Bộ; công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tương đương với Thanh tra viên chuyên ngành hoặc quy định mang tính nguyên tắc như sau: thẩm xử phạt vi phạm hành chính của 2 chức danh trên là theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với các Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 149/2007/NĐ-CP ngày 09/10/2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Rất mong cơ quan soạn thảo lưu ý xem xét, cân nhắc để hoàn thiện các Dự thảo Nghị định.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 

 

Nơi nhận:

-         Như trên;

-         Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp

-         Lưu VT , PC

 

T/L. CHỦ TỊCH

TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ

 

 

 

 

TRẦN HỮU HUỲNH

 

 

Các văn bản liên quan