Góp ý của Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội

Thứ Ba 09:36 12-07-2011

NGÂN HÀNG TMCP NHÀ HÀ NỘI                                                   CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

CÔNG TY CHỨNG KHOÁN HABUBANK                                                                Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 303/2011/CV-PC.HBBS                                                                                                                                      

(Vv: Góp ý dự thảo Nghị định                                                 Hà Nội, ngày 8 tháng 7 năm 2011                                           

hướng dẫn Luật Chứng khoán)                                                                                                                                                 

 

Kính gửi: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội ("HBBS") đã nhận được Công văn số 1395/PTM-PC ngày 24/06/2011 của Quý cơ quan về việc đóng góp ý kiến cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán (sau đây gọi tắt là "Dự thảo Nghị định"). Về cơ bản, HBBS hoàn toàn nhất trí các điều khoản của Dự thảo Nghị định . Nhằm đảm bảo tính phù hợp với thực tiễn, tính khoa học và tính khả thi của Dự thảo Nghị định , HBBS có một số ý kiến sau đây để xây dựng Dự thảo hoàn thiện hơn.

Thứ nhất, về việc cần thiết phải bổ sung chủ thể của Hợp đồng quản lý đầu tư (khoản 4 Điều 2)

Theo quy định tại Điều 60.3 Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2010 thì ngoài nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán đã được quy định từ trước tới nay, Công ty chứng khoán còn được nhận ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân, cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác theo quy định của Bộ tài chính.

Như vậy, Luật Chứng khoán sửa đổi đã thừa nhận và cho phép Công ty chứng khoán được thực hiện nghiệp vụ nhận ủy thác cho các nhà đầu tư cá nhân. Do đó, tại Điều 2.4 của Dự thảo Nghị định cũng cần thiết phải bao hàm cả chủ thể là Công ty chứng khoán được ký kết hợp đồng quản lý đầu tư với khách hàng, đảm bảo phù hợp với điều luật sửa đổi nói trên cũng như là có thêm sự hướng dẫn thực hiện cho các Công ty chứng khoán.

Thứ hai, về cơ quan nhà nước quản lý chào bán cổ phần riêng lẻ (Điều 7)

Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Dự thảo Nghị định thì UBCKNN sẽ quản lý việc chào bán cổ phần riêng lẻ đối với trường hợp tổ chức chào bán là công ty cổ phần chứng khoán, công ty cổ phần quản lý quỹ, công ty đại chúng. Như vậy có nghĩa là Công ty trách nhiệm hữu hạn chứng khoán khi chào cổ phần riêng lẻ để chuyển đổi lên cổ phần sẽ thuộc sự quản lý của các cơ quan tại khoản 3 Điều 7. Điều này theo chúng tôi là không thống nhất và bất cập cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý, bởi lẽ hiện nay việc quản lý các Công ty chứng khoán đều tập trung một mối về UBCKNN, hồ sơ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán đều được UBCKNN theo dõi và nắm rõ nhất. Do đó, chúng tôi kiến nghị nên để UBCKNN quản lý cả các công ty trách nhiệm hữu hạn chứng khoán để đảm bảo tính đồng nhất và hiệu quả hoạt động của các bên liên quan.

Thứ ba, quy định về giới hạn mức vốn và cổ đông của công ty chứng khoán (khoản 5 Điều 51)

Tại khoản 5 Điều 51 của Dự thảo Nghị định quy định về trường hợp nếu tổ chức kinh doanh chứng khoán dự kiến thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thì chủ sở hữu phải là doanh nghiệp bảo hiểm hoạt ngân hàng thương mại hoặc công ty tài chính, như vậy có nghĩa chủ sở hữu của Công ty TNHH một thành viên trong trường hợp này là doanh nghiệp bảo hiểm hoặc ngân hàng thương mại hoặc công ty tài chính sẽ sở hữu 100% vốn điều lệ (do là chủ sở hữu duy nhất).

Nhưng theo quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (hiệu lực thi hành từ nàm 2011) thì giới hạn mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại và các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó vào một doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực Bảo hiểm, chứng khoán, kiều hối, kinh doanh ngoại hối, vàng…không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính và các công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính vào một doanh nghiệp, quỹ đầu tư không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp (quy định tại khoản 1 điều 129 Luật Các tổ chức tín dụng 2010) và giới hạn mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính và các công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính vào một doanh nghiệp, quỹ đầu tư không được vượt quá 11% vốn điều lệ doanh nghiệp nhận vốn góp (khoản 3 Điều 129).

Như vậy, Dự thảo Nghị định đã mâu thuẫn với Luật Các tổ chức tín dụng 2010 về giới hạn mức góp vốn của các ngân hàng thương mại, công ty tài chính vào các công ty chứng khoán.

Trên đây là một số ý kiến của HBBS về Dự thảo Nghị định. Chúng tôi hy vọng Nghị định này sẽ là cơ sở pháp lý hoàn chỉnh để tiến hành các hoạt động kinh doanh và quản lý trong lĩnh vực chứng khoán, góp phần thúc đẩy thị trường phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Trân trọng

 

T/M CÔNG TY CHỨNG KHOÁN NGÂN HÀNG

TMCP NHÀ HÀ NỘI

PHÓ GIÁM ĐỐC

DƯƠNG XUÂN PHƯƠNG

 

Các văn bản liên quan