Góp ý của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VietcomBank)

Thứ Tư 16:54 29-06-2011

NGÂN HÀNG TH ƯƠNG MẠI CỔ PHẦN                               CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM                                                             Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 889/VCB.PC                                                                                                                                      

V/V Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung

Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm                                                                                                

                                                                                                                                              Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2011

 

Kính gửi : PHÒNG THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Theo đề nghị tại Công văn số 1324/PTM-PC ngày 14/06/2011 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam có một số ý kiến góp ý như sau:

1. Khoản 1 Điều 1 Dự thảo.

1.1 Về khái niệm "Bên bảo đảm". Nội dung điều khoản này quy định "Bên bảo đảm là bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự …bao gồm…bên bảo lãnh và tổ chức chính trị-xã hội tại cơ sở trong trường hợp tín chấp". Về nghị xem lại quy định tại điều khoản này. Tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở trong trường hợp tín chấp thì không dùng tài sản của mình để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự.

1.2 Về khái nhiệm "Hàng hóa luân chuyển". Đề nghị giải thích khái niệm "Hàng hóa luân chuyển" chính là nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào của quá trình sản xuất kinh doanh". Vì nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào của quá trình sản xuất kinh doanh về mặt bản chất là một loại hàng hóa thường xuyên luân chuyển trong quá trình sản xuất, trên thực tế, các Ngân hàng thương mại (NHTM) thường xuyên nhận thế chấp đối với loại hàng hóa này.

2. Khoản 4 Điều 1 dự thảo . Nội dung điều khoản này quy định về giao dịch bảo đảm trong trường hợp tài sản bảo đảm là phương tiện giao thông cơ giới.

Đề nghị làm rõ khái niệm "phương tiện giao thông cơ giới". Hiện tại chưa có văn bản pháp luật nào đưa ra định nghĩa về "phương tiện giao thông cơ giới".

Đề nghị quy định rõ trách nhiệm của "cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký lưu hành phương tiện giao thông cơ giới" trong việc thế chấp tài sản bảo đảm là phương tiện giao thông cơ giới theo quy định tại điều khoản này.

Đề nghị xem lại quy định "nếu chủ sở hữu phương tiện…yêu cầu cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký…thì phải xuất trình Văn bản chứng nhận kết quả xóa đăng ký giao dịch bảo đảm…". Trên thực tế, có thể trong quá trình thực hiện hợp đòng bảo đảm, Giáy chứng nhận đăng ký lưu hành phương tiện giao thông có thể bị cũ, nát, và/hoặc bị mất cần được cấp lại, cấp đổi. Do đó, đề nghị sửa đổi quy định nêu trên theo hướng chỉ cần xuất trình "văn bản chấp thuận của bên bảo đảm" khi yêu cầu cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành phương tiện giao thông.

3. Khoản 12 Điều 1 Dự thảo . Nội dung điều khoản này quy định về xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp tài sản thế chấp đang bị cầm giữ. Đề nghị xem lại quy định này. Trong trường hợp Bên nhận thế chấp đã hoàn thành nghĩa vụ tài sản thay cho bên có nghĩa vụ thì việc Bên thế chấp nhận lại tài sản thế chấp để xử lý từ bên cầm giữ là việc đương nhiên, không cần thiết phải quy định tại điều khoản này. Vì vậy đề nghị sửa lại quy định này theo hướng xác định rõ quyền ưu tiên được xử lý và nhận thanh toán từ việc xử lý tài sản thế chấp giữa Bên nhận thế chấp và Bên cầm giữ.

4. Khoản 15 Điều 1 Dự thảo . Nội dung điều khoản có quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán giữa bên nhận bảo lãnh và bên nhận thế chấp, cầm cố. Theo đó quy định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa bên bảo lãnh, bên nhận thế chấp, cầm cố là phụ thuộc vào thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm. Đề nghị xem lại quy định này vì quan hệ bảo lãnh là quan hệ đối nhân, trogn khi đó quan hệ về thế chấp, cầm cố là quan hệ đối vật.

5. Khoản 16 Điều 1 Dự thảo . Đề nghị sửa đổi cụm từ "…thực hiện chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm cho người mua, người nhận chính tài sản bảo đảm thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm đối với mình" thành "…thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm đối với những người này".

6. Khoản 17 Điều 1 Dự thảo

(i) Điều 71.b khoản 2 sử dụng khái niệm "pháp luật của nước nơi có động sản chuyển đến" là khó xác định vì lý do: Bảo đảm là thế chấp hay cầm có phụ thuộc vào việc chuyển giao hay không chuyển giao tài sản bảo đảm. Nếu có chuyển giao cho bên nhận bảo đảm thì phải là "pháp luật của nước nơi tài sản bảo đảm được chuyển giao cho bên nhận bảo đảm" chứ không phải là chuyển đến. Còn trường hợp không có chuyển giao (tức là thế chấp) thì không thể có khái niệm "nơi có động sản chuyển đến". Hơn nữa, trong cả hai trường hợp trên, động sản (là tài sản bảo đảm) là hàng hóa cơ thể được vận chuyển, lưu thông khắp thế giới thì khó xác định quốc gia nào là nơi chuyển đến.

(ii) Điều 71.b khoản 3: Đề nghị quy định không chỉ là tàu bay, tàu biển mà còn có các động sản khác có đăng ký quyền sở hữu cũng có thể cho phép áp dụng pháp luật nước nơi động sản đó được đăng ký.

7 . Đề nghị bổ sung điều khoản quy định về nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm là vật chứng trong các vụ án hình sự, hành chính hoặc tài sản đang bị kê biên trong vụ án hình sự để có cơ sở xây dựng quy định chi tiết tại Thông tư hướng dẫn.

Trên đây là một số ý kiến góp ý của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam, kính chuyển Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tham khảo.

Trân trọng.


Nơi nhận:

- Như trên.

- P.TGĐ Đào Minh Tuấn (để báo cáo).

- Lưu PC, VP ./ .

 

T/L TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG TMCP NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM

TRƯỞNG PHÒNG PHÁP CHẾ

Lê Thu Hiền


 

Các văn bản liên quan