Góp ý của Ngân hàng hàng hải

Thứ Tư 15:36 08-06-2011
 Theo đề nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Công văn số 1059/PTM-PC ngày 13-5-2011, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) xin tham gia đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Nghị định về quản lý vay, trả nợ nước ngoài không có bảo lãnh Chính phủ như sau:

1. Về Tên Nghị định:

Đề nghị sửa tên Nghị định thành “Nghị định Quản lý hoạt động tự vay và trả nợ nước ngoài”, đồng thời sử dụng cụm từ “tự vay, trả nợ nước ngoài” trong Nghị định thay cho các cụm từ “vay, trả nợ nước ngoài không có bảo lãnh Chính phủ” và “vay nước ngoài tự vay, tự trả”.

2. Về Giải thích từ ngữ (Điều 2):

a) Đề nghị giải thích cụm từ “công cụ nợ” (khoản 1) vì khái niệm này chỉ mới được nhắc đến trong Luật Các công cụ chuyển nhượng, nhưng chưa được giải thích trong văn bản quy phạm pháp luật nào.

b) Liên quan đến các “Thỏa thuận vay nước ngoài”, đề nghị chỉ rõ có bao gồm “Hợp đồng mua hàng trả chậm” theo như giải thích tại khoản 3, Mục I, Thông tư số 09/2004/TT-NHNN ngày 21-12-2004 Hướng dẫn việc vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp hay không .

c) Về khái niệm “Khoản vay nước ngoài ngắn hạn” và “Khoản vay nước ngoài trung, dài hạn” (khoản 3, khoản 4): Đề nghị quy định tương tự như khoản 2, Điều 2, Quy chế Quản lý vay và trả nợ nước ngoài, ban hành kèm theo Nghị định số 134/2005/NĐ-CP ngày 01-11-2005 là: Các khoản vay ngắn hạn có thời hạn vay đến 1 năm, trung và dài hạn có thời hạn vay trên 1 năm. Như vậy cũngthống nhất với cách phân loại thời hạn của các khoản vay vốn trong nước và thời hạn mở L/C theo các quy định hiện hành.

d) Đề nghị bỏ việc giải thích cụm từ “Nợ nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả” (khoản 5), vì không được sử dụng trong Nghị định.

3. Về Nguyên tắc quản lý (Điều 4):

a) Đề nghị xem lại quy định tại khoản 4, “các khoản vay ngắn hạn của Bên tự vay tự trả không phải đăng ký tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”... để thống nhất với quy định tại khoản 3, Điều 21, Nghị định số 160/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ngoại hối 2005 là: Các khoản vay nước ngoài của người cư trú là tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận đăng ký, không phân biệt là khoản vay ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn. Nếu vấn giữ nguyên như dự thảo, thì đề nghị huỷ bỏ nội dung này trong Nghị định số số 160/2006/NĐ-CP.

b) Đề nghị xem lại quy định “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận đăng ký khoản vay trung dài hạn nước ngoài của Bên đi vay trong phạm vi hạn mức vay nước ngoài tự vay, tự trả được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm thực hiện” theo khoản 5, Điều 4, vì việc tự vay, tự trả nợ của doanh nghiệp không phải là nợ công, không được Chính phủ bảo lãnh, nên hạn mức này chỉ có tính chất tương đối để điều hành chính sách kinh tế vĩ mô. Nếu bắt buộc việc đi vay phải nằm trong hạn mức thì sẽ không bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp, nhất là những trường hợp chỉ vay số tiền nhỏ. Hơn nữa bản chất của việc quản lý này chỉ là đăng ký chứ không phải là cấp phép vay nợ. Như vậy, việc được hay không được đăng ký do vượt hạn mức quốc gia chỉ là thứ tự thời gian chứ không phụ thuộc vào bản chất đặc điểm của giao dịch.

4. Về Tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài của quốc gia (Điều 5):

a) Đề nghị sửa từ “hàng năm” thành “hằng năm” trong khoản 1.

b) Đề nghị sửa tương tự như trên tại khoản 1, khoản 7 Điều 10; Điều 16; khoản 1, Điều 18,...

5. Về Điều kiện vay nước ngoài (Điều 14):

a) Đề nghị sửa khoản 1 thành: “1. Bên đi vay nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện cơ bản sau:”, để bảo đảm sự lô-gic bố cục của Điều.

b) Điểm a, khoản 1: Đề nghị sửa cụm từ “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” thành “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” cho phù hợp với quy định tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15-4-2010 của Chính phủ về Đăng ký doanh nghiệp.

c) Điểm b, khoản 2: Đề nghị sửa cụm từ “doanh nghiệp nhà nước” thành “công ty nhà nước” cho thống nhất với tên gọi của đối tượng được đề cập đến.

6. Về Mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài (Điều 20):

Đề nghị làm rõ “Trường hợp cần thiết, Bên đi vay được mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để thực hiện khoản vay nước ngoài khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép” là những trường hợp nào?

7. Về xử lý vi phạm (Điều 26):

Đề nghị sửa cụm từ “xử lý hành chính” thành “xử phạt vi phạm hành chính” và thay chữ “hoặc” bằng dấu phẩy trong câu sau: “Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật liên quan, tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.”

Vậy, kính đề nghị Quý cơ quan nghiên cứu, xem xét.

Nơi nhận:

- Như Kính gửi;

- TGĐ (để b/c);

- Lưu PC; VT.

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC

Phó Tổng Giám đốc


TRƯƠNG THANH ĐỨC

Các văn bản liên quan