Góp ý của ông Nguyễn Danh Hưng – Vụ Kinh tế tổng hợp – Văn Phòng Chính phủ

Thứ Ba 14:41 07-06-2011

MỘT SỐ NỘI DUNG CẦN TRAO TRONG

DỰ THẢO LUẬT GIÁ

I. VỀ SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT GIÁ

Để khắc phục những tồn tại, bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành về giá; tạo khung pháp lý thống nhất, đồng bộ trong quản lý giá; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp, bình ổn giá, khuyến khích cạnh tranh; góp phần hoàn thiện cơ chế, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với thông lệ quốc tế, tôi cho rằng việc sửa và nâng Pháp lệnh Giá lên thành Luật giá là cần thiết trong thực tế hiện nay.

II. VỀ NỘI DUNG CỦA DỰ THẢO LUẬT GIÁ

Tôi xin trao đổi về một số nội dung còn có những ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Giá mà Bộ Tài chính đề cập tại điểm 2 và điểm 3 Mục IV dự thảo Tờ trình Chính phủ đó là: Về thẩm định giá nhà nước và về Thanh tra giá.

1. Về thẩm định giá nhà nước

Về vấn đề này, theo tôi cần làm rõ những nội dung sau: Quy định pháp lý hiện hành về vấn đề này như thế nào và những vấn đề gì nảy sinh trong thực tiễn thực hiện cần phải khắc phục? Từ đó vấn đề đặt ra có cần phải có thẩm định giá nhà nước hay không? nếu không có thẩm định giá nhà nước thì sẽ gặp những khó khăn, vướng mắc gì? nếu cần có thẩm định giá nhà nước thì làm rõ tổ chức như thế nào? phạm vi thẩm định giá nhà nước đến đâu?

Điều 14 Pháp lệnh giá và Điều 25 Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 03/8/2005 của Chính phủ về thẩm định giá đã quy định việc thành lập doanh nghiệp thẩm định giá để thực hiện thẩm định giá các loại tài sản của nhà nước phải thẩm định giá và tài sản khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có nhu cầu thẩm định giá. Theo đó, các tổ chức sự nghiệp về giá đã được thành lập trước đây như các Trung tâm thẩm định giá của Bộ Tài chính, Sở Tài chính đã được chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Với quy định này đã tách bạch rõ ràng giữa hoạt động quản lý nhà nước về giá và hoạt động tư vấn, dịch vụ về giá tức là Nhà nước không thực hiện việc thẩm định giá tài sản, kể cả các tài sản của Nhà nước phải thẩm định giá mà để các doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện.

Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết như báo cáo của Bộ Tài chính có trên 88% doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá đều nằm ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, tp Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa không có các doanh nghiệp hoặc chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá đóng trên địa bàn lại xa các trung tâm nên gặp khó khăn lớn trong việc thẩm định giá như chi phí thẩm định cao, không kịp thời các tài sản nhà nước, nhất là khi mua sắm các tài sản nhà nước ( cần cụ thể hóa những địa phương nào chưa có các doanh nghiệp, chi nhánh thẩm định giá).

Vậy vấn đề đặt ra ai, cơ quan, tổ chức nào thực hiện việc thẩm định giá đối với tài sản nhà nước? nhất là khi mua sắm tài sản nhà nước ở các địa bàn không có doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá?

Để khắc phục tình trạng bất cập này tôi cho rằng việc đề cập chức năng thẩm định giá nhà nước trong dự thảo Luật là cần thiết. Tuy nhiên, việc quy định như thế nào để thực hiện chức năng thẩm định giá nhà nước cần phải được làm rõ.

Thứ nhất: Nếu thành lập lại tổ chức thẩm định giá của nhà nước (như quy định tại khoản 2 Điều 38 và khoản 2 Điều 45 dự thảo luật) tức là quay trở lại như trước đây đã thành lập các trung tâm thẩm định giá thuộc Bộ Tài chính, sở tài chính theo tôi không phù hợp với chủ trương khuyến khích việc xã hội hóa các hoạt động dịch vụ, nhà nước không làm, hạn chế làm những công việc mà xã hội đã làm được; mặt khác việc thành lập tổ chức sự nghiệp của nhà nước thẩm định giá không phù hợp với Chương trình cải cách thủ tục hành chính cũng như bộ máy hành chính là giảm bớt các thủ tục và đầu mối (số lượng) các đơn vị sự nghiệp trong cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ hai: Nếu giao cho cơ quan quản lý nhà nước về giá ở Trung ương và địa phương thẩm định giá đối với tất cả các tài sản nhà nước phải thẩm định giá thì những vấn đề đặt ra cần phải làm rõ:

- Với đội ngũ cán bộ, công chức như hiện nay thì có thể đáp ứng được nhu cầu thẩm định giá của tất cả các cơ quan, tổ chức có tài sản nhà nước phải thẩm định giá không?

- Nếu phải bổ sung thêm biên chế cho đội ngũ công chức làm công tác thẩm định giá, điều này có phù hợp với yêu cầu cắt giảm biên chế và tinh gọn bộ máy nhà nước hiện nay không?

Xuất phát từ những lý do trên, theo tôi:

(1) Dự thảo Luật Giá không nên đề cập việc thành lập Tổ chức thẩm định giá nhà nước như quy định tại khoản 2 Điều 38 và khoản 2 Điều 45 dự thảo luật.

(2) Đối với các địa phương chưa có doanh nghiệp (chi nhánh) thẩm định giá hoạt động hoặc việc thuê thẩm định giá gặp khó khăn do chi phí thẩm định cao, không kịp thời như báo cáo của Bộ Tài chính thì trong dự thảo Luật quy định giao cho cơ quan Tài chính địa phương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện chức năng thẩm định giá đối với những tài sản nhà nước phải thẩm định giá.

(3) Đối với các tỉnh, thành phố lớn, các địa phương đã có các doanh nghiệp thẩm định giá hoạt động thì dự thảo luật nên quy định giới hạn phạm vi những tài sản nhà nước nào?( những tài sản doanh nghiệp thẩm định giá không làm, những tài sản doanh nghiệp thẩm định giá không có khả năng làm, những tài sản có giá trị lớn..) thì do cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ thực hiện thẩm định giá , không nên quy định thẩm định giá nhà nước đối với tất cả các tài sản nhà nước phải thẩm định giá như quy định tại khoản 2 Điều 45 dự thảo luật.

2. Về thanh tra giá

Tại nội dung thứ sáu, điểm 1.2 Mục I dự thảo Tờ trình Chính phủ và Điều 56 và Điều 57 dự thảo Luật Giá có đề cập đến việc cần xây dựng một mô hình tổ chức kiểm tra, thanh tra giá.

Theo tôi, dự thảo Luật giá không nên đề cập đến việc thành lập tổ chức thanh tra giá bởi vì:

- Tại khoản 1 Điều 30 Luật Thanh tra đã quy định rõ “ Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành không thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành độc lập”.

- Điều 29 Luật Thanh tra quy định: “Việc giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực do Chính phủ quy định theo đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ sau khi đã thống nhất với Bộ trưởng”.

Vì vậy, vấn đề thanh tra chuyên ngành giá Luật quy định theo hướng giao Chính phủ quy định phù hợp với pháp luật về thanh tra.

Hà nội, ngày tháng 5 năm 2011

Nguyễn Danh Hưng

Vụ Kinh tế tổng hợp- VPCP

Các văn bản liên quan