Góp ý của Ths. Cao Đăng Vinh – Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế – Bộ Tư pháp

Thứ Ba 14:42 07-06-2011

Góp ý dự thảo Luật Giá

Ths. Cao Đăng Vinh

Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp

 

Nhất trí sự cần thiết xây dựng Luật Giá trên cơ sở kế thừa các quy định của Pháp lệnh Giá năm 2002, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong pháp luật giá hiện hành, thực hiện nhất quán chủ trương quản lý nhà nước về giá theo cơ chế thị trường, có sự điều hành một cách thích hợp của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Về cơ bản, dự thảo Luật đã được nghiên cứu, soạn thảo công phu trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Pháp lệnh giá năm 2002, có nhiều quy định mới đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về giá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật vẫn còn có những quy định chưa rõ ràng, không phù hợp cần nghiên cứu chỉnh sửa, cụ thể:

1. Điều 6 dự thảo Luật có quy định về các căn cứ định giá nhưng không làm rõ khi định giá thì phải dựa vào một số hay tất cả các căn cứ đó là không phù hợp. Mặt khác, đối với những loại hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá và những loại hàng hoá, dịch vụ do các tổ chức, cá nhân được quyền tự do định giá theo nguyên tắc cạnh tranh của thị trường thì căn cứ định giá là rất khác nhau. Vì vậy, quy định như dự thảo Luật là cứng nhắc, cần thể hiện lại cho phù hợp với từng loại hàng hoá, dịch vụ.

2. Tại khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật có quy định về quyền trong lĩnh vực giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, trong đó có quyền “định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ của mình (trừ hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá) theo quy định tại Luật này và các Luật khác có liên quan”. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 15 dự thảo Luật thì Nhà nước có thể định giá hàng hoá, dịch vụ bằng hình thức quy định mức giá cụ thể hoặc mức giá chuẩn nhưng cũng có thể chỉ quy định giá tối đa hoặc giá tối thiểu, khung giá. Như vậy, trong phạm vi  giá tối đa hoặc giá tối thiểu, khung giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vẫn có quyền định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ của mình. Do đó, đề nghị chỉnh sửa lại quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 6 Điều 8 dự thảo Luật cho phù hợp.

3. Tại chương III có quy định về điều hành giá của Nhà nước, trong đó có quy định các biện pháp điều hành giá nhưng không phân biệt rõ các biện pháp thực hiện thường xuyên và các biện pháp thực hiện trong trường hợp giá thị trường có biến động bất thường. Chẳng hạn, tại Điều 13 Mục I dự thảo Luật có quy định, theo đó, các biện pháp bình ổn giá như đăng ký giá, kê khai giá, công khai thông tin về giá, kiểm soát các yếu tố hình thành giá ... được áp dụng khi giá cả hàng hóa, dịch vụ cụ thể hoặc khi toàn bộ mặt bằng giá có biến động bất thường. Trong khi đó, theo thiết kế của dự thảo Luật thì các biện pháp này cũng được áp dụng trong điều kiện bình thường, không có biến động bất thường về giá. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để làm rõ có gì khác nhau khi áp dụng các biện pháp này.

Việc thành lập Quỹ bình ổn giá chỉ nên thành lập hạn chế đối với một số hàng hoá, dịch vụ thiết yếu đối với sản xuất và tiêu dùng quy định tại khoản 1 Điều 12 dự thảo Luật.

4. Biện pháp kiểm soát các yếu tố hình thành giá mới chỉ nêu những hàng hoá, dịch vụ thuộc diện thực hiện biện pháp này và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý giá, chưa quy định những trường hợp nào cần áp dụng biện pháp này và nội dung của biện pháp này để các cơ quan nhà nước quản lý về giá có căn cứ thực hiện. Liệu các biện pháp về đăng ký giá, kê khai giá, công khai thông tin về giá … có được hiểu là biện pháp kiểm soát các yếu tố hình thành giá hay không? cần quy định cụ thể hơn.

5. Đề nghị xem lại quan hệ giữa biện pháp kiểm soát các yếu tố hình thành giá (Mục IV) với biện pháp kiểm soát giá độc quyền (Mục V) để bảo đảm tính rõ ràng, tránh trùng lặp. Tại khoản 3 Điều 23 dự thảo Luật đã quy định áp dụng biện pháp kiểm soát các yếu tố hình thành giá đối với “Hàng hoá, dịch vụ có dấu hiệu liên kết độc quyền về giá; hàng hoá có vị trí thống lĩnh thị trường theo quy định của pháp luật về cạnh tranh”. Vì vậy, cần làm rõ nội dung biện pháp kiểm soát giá độc quyền khác gì với biện pháp kiểm soát các yếu tố hình thành giá khi cùng áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ có dấu hiệu liên kết độc quyền về giá; hàng hoá có vị trí thống lĩnh thị trường. Vì vậy, nên lồng ghép nội dung Mục IV và Mục V, trong đó làm rõ biện pháp kiểm soát giá độc quyền là một trường hợp cụ thể của việc áp dụng biện pháp kiểm soát các yếu tố hình thành giá thì hợp lý hơn.

6. Tại khoản 1 Điều 39 dự thảo Luật có quy định d oanh nghiệp thẩm định giá được thành lập theo các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh quy định tại pháp luật về doanh nghiệp, tức là không hạn chế loại hình doanh nghiệp được phép thành lập để kinh doanh dịch vụ thẩm định giá . Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều này lại quy định “ Chính phủ quy định cụ thể loại hình doanh nghiệp thẩm định giá ”. Với các quy định như vậy thì không rõ sau khi Luật Giá được ban hành thì Chính phủ hướng dẫn nội dung gì. Nếu Chính phủ hướng dẫn theo hướng hạn chế về loại hình doanh nghiệp thẩm định giá thì không phù hợp và cũng trái với quy định của Luật. Theo tôi, Chính phủ chỉ hướng dẫn tổ chức và hoạt động, điều kiện hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp.

7. Tại Điều 45 dự thảo Luật có quy định “Tổ chức thẩm định giá của nhà nước được cơ quan quản lý nhà nước về tài chính, giá cả ở trung ương và địa phương giao nhiệm vụ thẩm định giá” nhưng không làm rõ tính chất của tổ chức thẩm định giá của Nhà nước là gì, là doanh nghiệp hay là đơn vị sự nghiệp công lập. Thẩm định giá là một ngành nghề kinh doanh, do đó, khi Nhà nước muốn tham gia vào hoạt động thẩm định giá thì nên thành lập dưới hình thức là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối, không nên để các cơ quan quản lý nhà nước về giá tiến hành hoạt động thẩm định giá, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” (khoản 1 Điều 49 dự thảo Luật).

8. Tại khoản 3 Điều 41 dự thảo Luật có quy định Bộ Tài chính chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát điều kiện thành lập và điều kiện hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá và thông báo doanh nghiệp có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá. Theo chúng tôi, việc q uy định “được Bộ Tài chính thông báo có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá” là không rõ ràng, minh bạch, vì vậy, không làm rõ tính chất của Thông báo này. Liệu đây có phải là một loại giấy phép không? Đ ể đảm bảo tính minh bạch của pháp luật, đề nghị quy định dịch vụ thẩm định giá là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện và cần phải được cấp phép. Doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá sẽ được cấp Giấy chứng chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá. Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm giám sát, kiểm tra điều kiện hành nghề và chỉ thu hồi giấy chứng nhận khi doanh nghiệp không đủ điều kiện hành nghề.

9. Theo quy định tại khoản 2 Điều 50 dự thảo Luật thì thẩm định viên về giá không được quyền hành nghề độc lập mà phải đăng ký hành nghề thẩm định giá tại một doanh nghiệp thẩm định giá. Tuy nhiên, trong quy định tại Điều 52 dự thảo Luật về quyền và nghĩa vụ của thẩm định viên về giá lại có những quy định dễ gây hiểu nhầm về việc thẩm định viên về giá được quyền hành nghề độc lập như: yêu cầu khách hàng cung cấp hồ sơ, các tài liệu có liên quan đến tài sản thẩm định giá (nếu có); thực hiện đúng các điều khoản của hợp đồng thẩm định giá … Với tư cách là người hành nghề trong doanh nghiệp thẩm định giá thì thẩm định viên về giá thực hiện các quyền, nghĩa vụ nêu trên nhân danh doanh nghiệp thẩm định giá, không phải với tư cách độc lập. Vì vậy, đề nghị thể hiện lại để tránh hiểu nhầm.

10. Tại khoản 2 Điều 52 dự thảo Luật có quy định thẩm định viên về giá có trách nhiệm giải trình hoặc bảo vệ kết quả thẩm định giá trước bên thứ ba liên quan sử dụng kết quả thẩm định giá không phải là khách hàng thẩm định giá khi có yêu cầu. Theo tôi, hợp đồng thẩm định giá là sự thoả thuận giữa doanh nghiệp thẩm định giá và khách hàng thẩm định giá, bên thứ ba không có quyền đối với doanh nghiệp thẩm định giá, vì vậy, bên thứ ba này không có quyền yêu cầu doanh nghiệp thẩm định giá phải giải trình rõ về mức giá mà doanh nghiệp đã thẩm định nếu trong hợp đồng không có quy định về vấn đề này. Việc doanh nghiệp thẩm định giá hoặc thẩm định giá viên phải giải trình cho bên thứ ba sẽ dẫn đến nhiều chi phí mà doanh nghiệp thẩm định giá không được thanh toán, ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp thẩm định giá.

Hà Nội, tháng 6 năm 2011

 

Các văn bản liên quan