Góp ý của TS. Vũ Đình Ánh – Viện Nghiên cứu thị trường giá cả

Thứ Ba 14:40 07-06-2011

GÓP Ý VỀ DỰ THẢO LUẬT GIÁ

 

TS. Vũ Đình Ánh

 

Về Dự thảo Luật Giá tôi có một số ý kiến đóng góp như sau:

1.      Tên của Luật: Đề nghị là: “Luật Giá cả” vì nếu là Luật Giá thì chữ “giá” trong tiếng Việt còn có nhiều nghĩa khác nhau. Tất cả các chữ giá trong Luật nên được thay bằng giá cả để tránh diễn đạt nôm na trong văn bản pháp luật.

2.      Sự cần thiết ban hành Luật:

a.       Tạo khuôn khổ pháp lý cho việc quyết định giá cả của Nhà nước, doanh nghiệp và dân cư trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam;

b.      Tạo khuôn khổ pháp lý cho sự can thiệp của Nhà nước (chính quyền TW và địa phương) vào các quyết định giá cả.

c.       Dự thảo Luật đặt ra mục tiêu là “tạo ra cơ chế để giá hàng hóa, dịch vụ được hình thành và vận động theo các qui luật kinh tế khách quan” song nội dung dự thảo chưa đạt mục tiêu này.

3.      Chuẩn hóa và làm rõ nội hàm các khái niệm:

a.       Đề nghị xem lại định nghĩa “giá thị trường” (điều 4), làm rõ “giá thị trường” và “giá trị thị trường”, “giao dịch khách quan”, “không có quan hệ liên kết”, “giá … định là mức giá … qui định theo qui định của Luật này” (khoản 3 điều 4); “khối lượng lớn để đưa vào sản xuất hoặc đem đi bán lại” (khoản 4 điều 4); “một mức giá để chiếm lĩnh thị trường, gây thiệt hại” (khoản 7 điều 4); “niêm yết giá… tại nơi giao dịch”? Phân biệt giá và mức giá, giá chuẩn? “giá biến động bất thường… trong trường hợp bất thường” (khoản 16 điều 4) vậy có thể có giá biến động bất thường trong trường hợp bình thường không?

b.      Hàng hóa dịch vụ quan trọng, thiết yếu, độc quyền (căn cứ và tiêu chí xác định là gì? Thẩm quyền xác định?); “lạm dụng vị thế độc quyền” (điều 12)?

c.       Biện pháp kinh tế vĩ mô (gồm những gì và tác động trực tiếp/gián tiếp đến giá cả như thế nào?). Chính sách tài khóa là “những quyết sách của Nhà nước sử dụng thuế và chi tiêu công cộng để điều tiết mức chi tiêu chung của nền kinh tế”; Chính sách tiền tệ “chủ yếu là sử dụng 2 công cụ: Lượng cung tiền và lãi suất… tùy thuộc vào trạng thái của nền kinh tế mà áp dụng chính sách tiền tệ thích hợp”.

d.      Bình ổn giá (thế nào là bình ổn? bình ổn để làm gì (để giá không quá biến động = bình thường hay bình thường hóa mức giá bất thường = mặt bằng giá mới)? căn cứ và tiêu chí xác định bình ổn hay không bình ổn? vĩ mô hay vi mô?) khi định nghĩa “bình ổn giá là sự điều tiết của Nhà nước … để tác động vào sự hình thành và vận động của giá cả, không để giá … tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý” (khoản 13 điều 4)

e.       Chức năng của giá cả (có phải là hiệu quả, công bằng và ổn định?)

f.        Phân biệt các khái niệm “Điều hành giá”; “điều hành giá của Nhà nước”; “Quản lý nhà nước về giá”; “quản lý giá”; “điều tiết giá”? Điều hành/điều tiết giá có thuộc phạm vi quản lý nhà nước về giá?

g.       Bản chất của Cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước?

h.       Các hành vi bị cấm như “sai lệch giá so với giá thị trường,… quá thấp bất hợp lý so với giá thành toàn bộ;… tăng quá cao hoặc giảm giá quá thấp bất hợp lý;… phân biệt giá… phân hóa giá… đầu cơ găm giữ… ép giá” (điều 10) cần hiểu như thế nào?

i.         Công khai thông tin về giá (điều 31 và cả mục 6) có nội dung về thông tin quản lý nhà nước về giá chứ không phải là thông tin về giá nói chung. Công khai thông tin về giá có bao gồm cả đăng ký, kê khai, niêm yết giá?

j.        Thẩm định giá và Định giá? Đề nghị thống nhất một khái niệm là định giá vì thực chất thẩm định giá gồm cả định giá (lại) và khi kết quả định giá được công nhận áp dụng thì gọi là quyết định giá. Theo đó, các công ty thẩm định giá nên gọi là các công ty định giá. “định giá… được pháp luật cho phépqui định giá” (khoản 8 điều 4) hay “thẩm định giá là … xác định giá trị của tài sản phù hợp với giá thị trường” (khoản 15 điều 4)?

k.      “cơ quan quản lý nhà nước về tài chính, giá cả”, “công tác giá” được hiểu như thế nào và tại sao lại tương đương với “tổ chức thẩm định giá” trong qui định về điều kiện thi lấy thẻ thẩm định viên về giá (Điều 46, 47 và 49).

4.      Trong 3 Nguyên tắc quản lý điều hành giá (Điều 5) thì nguyên tắc 1 (cơ chế giá thị trường) là bao trùm và 2 nguyên tắc sau chỉ là giải thích nguyên tắc 1.

5.      Căn cứ định giá (điều 6) bao gồm cả “quan hệ cung cầu… giá thị trường trong nước, thế giới và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp/của hàng hóa dịch vụ, căn cứ vào quan hệ cung cầu… và sức mua của đồng tiền Việt Nam; sức mua có khả năng thanh toán; mức lợi nhuận dự kiến phù hợp với mặt bằng giá thị trường; chính sách phát triển kinh tế xã hội, chính sách tài khoá tiền tệ của Nhà nước nói chung…” cần được hiểu như thế nào? Định giá là hành động chủ quan chịu tác động của các yếu tố khách quan.

6.      Sắp xếp, phân nhóm và làm rõ nội hàm của những biện pháp bình ổn giá (điều 13) chẳng hạn “điều chỉnh cung cầu”, “tổ chức lưu thông hàng hóa”, “kiểm soát kiểm tra”, “qui định giá”, “hỗ trợ về  giá”, “biện phá về tài chính tiền tệ phù hợp”, v.v. Luận giải về sự cần thiết của “quĩ bình ổn giá”?

7.      Về thẩm quyền quyết định giá đưa ra 4 cấp hành chính gồm Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng và UBND tỉnh là không tương đương và không phải cấp hành chính. Bộ Tài chính quản lý giá còn Bộ Công thương quản lý thị trường và cạnh tranh chống độc quyền là chưa hợp lý nên đề nghị thống nhất một đầu mối và luật hóa cơ quan quản lý nhà nước về giá trong Luật này (điều 55), có thể không thuộc Bộ Tài chính, theo đó điều chỉnh nhất quán thẩm quyền của Bộ Tài chính, Sở Tài chính trong bình ổn giá, định giá, hiệp thương giá, kiểm soát giá, kiểm soát giá độc quyền, thanh tra giá…

8.      Giải thích tại sao 3 nguyên tắc định giá của nhà nước (điều 16) lại khác 6 căn cứ định giá (điều 6)? Cần thống nhất nguyên tắc và căn cứ định giá.

9.      Cân nhắc về đối tượng định giá là các “tài sản tài chính” vì đây là lĩnh vực thị trường đặc thù, rất phức tạp và công ty định giá khó có thể đảm đương được.

10.  Nội dung điều 30 về quyền nghĩa vụ khi kiểm soát giá độc quyền; điều 32 về hoạt động thẩm định giá; khoản 1 điều 36 về kết quả thẩm định giá; điều 38 về loại hình tổ chức thẩm định giá, điều 39 về doanh nghiệp thẩm định giá; điều 50 về điều kiện hành nghề không rõ và không cần thiết.

11.  Nguyên tắc hoạt động thẩm định  giá (điều 33) thực chất là nghĩa vụ của doanh nghiệp định giá/thẩm định giá.

12.   Nên luật hóa điều kiện thành lập/hoạt động doanh nghiệp thẩm định giá rõ ràng về số người có thẻ thẩm định, chủ sở hữu doanh nghiệp và người chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của doanh nghiệp. Phân biệt rõ quyền/nghĩa vụ với tác nghiệp của doanh nghiệp thẩm định giá.

13.  Cân nhắc về sự cần thiết của tổ chức thẩm định giá của Nhà nước vì cơ quan nhà nước có thể thuê công ty thẩm định giá khi cần thiết, tránh sự phân biệt giá đối với cùng loại hàng hóa dịch vụ và chia cắt thị trường dịch vụ định giá, theo đó là sự phân biệt về tiêu chuẩn thẩm định định viên về giá. Nếu vẫn cần tổ chức này thì đề nghị qui định rõ ngay trong Luật này.

14.  Điều 53 về nội dung quản lý nhà nước về giá thực chất là chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về gái hiện nay là Cục Quản lý giá. Hơn nữa, qui định “thu thập, phân tích và thông báo thông tin, dự báo giá thị trường” và nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, đào tạo bồi dưỡng” thuộc nội dung quản lý Nhà nước về giá có thể gây ngộ nhận là chỉ cơ quan quản lý Nhà nước về giá mới được làm, các tổ chức cá nhân khác thì không được làm? Ngoài ra, tại sao lại tách quản lý nhà nước về giá với thẩm định giá (điều 53-54)

15.  Thế nào là “quá cao hoặc quá thấp so với kết quả thẩm định giá lại cuối cùng” (khoản 7 điều 61 về vi phạm trong thẩm định giá).

16.  Bổ sung làm rõ cơ chế xử lý những tranh chấp về giá cả?

Tóm lại, dự thảo Luật Giá cần tiếp tục chỉnh sửa bổ sung trước khi trình Chính phủ và Quốc hội. Trọng tâm cần làm rõ là: (i) nguyên tắc/căn cứ định giá; (ii) mục tiêu, biện pháp can thiệp/quản lý của Nhà nước vào giá cả và thị trường; (iii) tổ chức quản lý nhà nước về giá cả và thị trường./.

Các văn bản liên quan