Góp ý của ông Vũ Xuân Tiền – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam

Thứ Ba 14:35 07-06-2011

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN TRAO ĐỔI, NGHIÊN CỨU THÊM

TRONG DỰ THẢO LUẬT GIÁ.

----------------------------

Luật gia Vũ Xuân Tiền

Ủy viên BCH Hội Luật gia Hà Nội

Chủ tịch Hội đồng thành viên

Công ty tư vấn VFAM Việt Nam  

Sau khi nghiên cứu toàn văn Tờ trình Chính phủ của Bộ Tài chính về Luật Giá và Dự thảo Luật Giá, với tư cách cá nhân, một Luật gia, đại diện theo pháp luật của một công ty tư vấn, xin được nêu một vài ý kiến nhằm góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng và tính khả thi của Luật khi được Quốc hội thông qua.

Trước hết, việc ban hành Luật Giá thay cho Pháp lệnh Giá năm 2002 là cần thiết khách quan như phân tích của Bộ Tài chính trong Tờ trình Chính phủ. Tuy nhiên, để có thể trao đổi, nghiên cứu thêm, xin được nêu những vấn đề sau đây:

I-Những vấn đề chung

Thuộc nhóm những vấn đề chung, xin có 06 ý kiến sau:

Về tên gọi của Luật:

Xin đề nghị giữ nguyên tên gọi trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 đã được Quốc hội thông qua là Luật quản lý giá. Đề xuất trên vì những lý do sau:

-Toàn bộ nội dung của Luật Giá là những vấn đề thuộc về quản lý gía, những vấn đề sâu hơn như những nhân tố hình thành giá cả, sự hình thành giá cả trên thị trường, về chi phí sản xuất, chi phí lưu thông...không được đề cập. Do đó, nếu đặt tên là Luật Giá thì nội dung không phù hợp với hình thức thể hiện và rất khó nhận xét, đánh giá về sự hoàn thiện của dự thảo Luật;

-Cho rằng từ Luật đã bao hàm nội dung quản lý là đúng nhưng cần làm rõ phạm vi quản lý. Nếu gọi là Luật Giá thì phạm vi quản lý là quá rộng, có những vấn đề không thể quy định trong kinh tế thị trường;

-Chúng ta không nên ngại cụm từ "quản lý" vìthường bị các tổ chức nước ngoài cho là nhà nước Việt Nam chưa thực hiện giá thị trường, do Nhà nước vẫn còn quản lý nên nền kinh tế chưa có cạnh tranh thực sự về giá. Vấn đề quan trọng là nội dung của Luật có thực sự tôn trọng các quy luật khách quan của kinh tế thị trường hay không. Trên thực tế chúng ta đã có những luật có cụm từ quản lý như: Luật quản lý thuế, Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; Luật quản lý nợ công, v.v...

Về các biện pháp bình ổn giá (Điều 1 3 ) .

Dự thảo Luật đưa ra ba nhóm biện pháp trong đó có Nhóm thứ hai Sử dụng các công cụ tài chính, tiền tệ để tác động vào giá cả gồm: Sử dụng chính sách tài khoá và sử dụng chính sách tiền tệ. Chúng tôi cho rằng, cần cân nhắc để không chồng chéo vì những công cụ nêu trên thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công (đang soạn thảo) và Luật Ngân hàng Nhà nước.

Về thẩm định giá

Ban soạn thảo cho rằng, Thẩm định giá là một công v iệc chuyên môn có tính chuyên nghiệp cao nhằm tư vấn hoặc tham mưu cho người có thẩm quyền (đối với tài sản nhà nước) hoặc cho các chủ nhân của các tài sản quyết định mức giá tài sản của mình khi tham gia một giao dịch nào đó; vì vậy, nguyên tắc hoạt động thẩm định giá được quy định theo quy định chung về nguyên tắc hoạt động tư vấn.

Xin đề nghị nghiên cứu lại. Chúng tôi cho rằng, thẩm định giá không phải là hoạt động tư vấn hay nói chính xác hơn, hàm lượng tư vấn trong việc thẩm định giá rất mờ nhạt. Khoản 1 Điều 5 Nghị định 87/NĐ-CP ngày 5/11/2001 quy định: " Hoạt động tư vấnlà hoạt động thu thập, xử lý thông tin, vận dụng kiến thức chuyên môn, phát hiện vấn đề, đề xuất giải pháp, phương án, lập dự án và giám sát, đánh giá do các tổ chức chuyên môn, cá nhân Việt Nam thực hiện độc lập, khách quan theo yêu cầu của người sử dụng tư vấn " . Trong khi đó, theo dự thảo Luật, "Thẩm định giá là việc tính toán để xác định giá trị của tài sản phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho một mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá...".

Do đó, thẩm định giá là hoạt động cung ứng dịch vụ pháp lý về giá thì đúng hơn là hoạt động tư vấn. Hợp đồng về thẩm định giá thực hiện theo những quy định về hợp đồng dịch vụ tại mục 7, Chương XIII từ Điều 518 đến điều 526 Bộ Luật Dân sự năm 2005.

Từ vấn đề trên, cho rằng, kết quả thẩm định giá được sử dụng để tham khảo (tư vấn) cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân quyết định giá tài sản của mình khi tham gia vào một giao dịch nhất định trên thị trường cũng cần xem lại. Vì chứng thư thẩm định giá có giá trị pháp luật, có thể coi nó tương tự như việc công chứng của Công chứng viên, Báo cáo Kiểm toán của Kiểm toán viên.

Về tổ chức thẩm định giá

Dự thảo Luật quy định tổ chức thẩm định giá bao gồm các doanh nghiệp thẩm định giá và tổ chức thẩm định giá của Nhà nước. Về vấn đề này cần làm rõ:

Tổ chức thẩm định giá của Nhà nước là loại hình gì? Một bộ phận thuộc cơ quan quản lý Nhà nước do Ngân sách Nhà nước bảo đảm các khoản chi hay một đơn vị sự nghiệp có thu? Một doanh nghiệp Nhà nước? Khi chưa thống nhất được những vấn đề trên sẽ khó có thể quy định cụ thể về tổ chức thẩm định giá của Nhà nước.

Việc quy định có tổ chức thẩm định giá của Nhà nước là một điểm mới so với Pháp lệnh giá nhưng là một bước tiến hay bước lùi? Bởi lẽ, trước đây, các Trung tâm thẩm định giá - Những đơn vị sự nghiệp có thu - đều thuộc Bộ Tài chính, sau đó, theo NĐ101/2005/ NĐ-CP, các Trung tâm này đã chuyển thành doanh nghiệp. Đến nay lại "phục hồi" trở lại có phải là "lối cũ ta về" và đi ngược lại với chủ trương tăng cường xã hội hóa đối với những dịch vụ công được phép xã hội hóa?

Về yêu cầu cụ thể của Luật

Dự thảo Luật chỉ có 6 Chương, 64 Điều nhưng cụm từ "Chính phủ quy định cụ thể", " theo quy định của Chính phủ"....đã xuất hiện tới 14 lần. Điều đó có nghĩa là, những vấn đề được "chuyển" cho Chính phủ là quá nhiều, trong đó, có những vấn đề không nên và cũng không buộc phải chuyển.

Về đánh giá tác động

Theo quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, các dự thảo Luật phải có Báo cáo đánh giá tác động (RIA). Theo Tờ trình của Bộ Tài chính, Ban soạn thảo đã hoàn thành báo cáo này. Đề nghị công bố cho những người quan tâm về báo cáo này để các góp ý thực tế, đúng hơn.

II-Những vấn đề cụ thể trong từng điều, khoản của dự thảo Luật.

Theo từng điều, khoản của dự thảo Luật, xin có 27 ý kiến sau:

Về phạm vi điều chỉnh:

Điều 1 Dự thảo Luật quy định: "Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ trong lĩnh vực giá hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân); hoạt động điều tiết giá hàng hóa, dịch vụ của Nhà nước; hoạt động thẩm định giá tài sản; quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá".

Đề nghị cho biết: Xác định giá trị doanh nghiệp khi CPH, khi sát nhập, hợp nhất có bao gồm trong "hoạt động thẩm định giá tài sản" của Luật này không?

2. Về áp dụng luật:

Khoản 2, Điều 3 Dự thảo Luật quy định: "2. Trường hợp các luật chuyên ngành có quy định về giá và quản lý giá đối với hàng hoá, dịch vụ chuyên ngành cụ thể hoặc có quy định cụ thể về thẩm định giá không trái với các nguyên tắc quy định của Luật này thì áp dụng quy định của luật chuyên ngành đó. Trường hợp có sự khác nhau giữa các quy định của Luật chuyên ngành về giá, thẩm định giá và Luật này thì áp dụng quy định của Luật này".

Đề nghị có thống kê, chỉ rõ những quy định nào và ở các Luật chuyên ngành nào sẽ hết hiệu lực khi Luật này được ban hành?

3. Về giải thích khái niệm giá thị trường:

Theo Khoản 1, Điều 4 dự thảo luật: 1.Giá thị trường là số tiền tính bằng đồng Việt Nam hình thành trên cơ sở giá trị thị trường của một hàng hoá, dịch vụ tính cho một đơn vị sản phẩm tại một thời điểm, địa điểm nhất định theo thỏa thuận trong giao dịch khách quan trên thị trường giữa các bên không có quan hệ liên kết (các bên độc lập).

Đề nghị:

-Giải thích thế nào là " Giá trị thị trường" ?

-Sử dụng một trong hai cụm từ " Các bên không có quan hệ liên kết" hoặc " các bên độc lập", không sử dụng cách đóng, mở ngoặc trong văn bản quy phạm pháp luật.

4 . Giải thích về giá bán buôn:

Theo khoản 4, Điều 4 dự thảo Luật, " 4. Giá bán buôn là mức giá của hàng hóa, dịch vụ tính bằng đồng Việt Nam cho một đơn vị sản phẩm được hình thành và thực hiện do cơ quan có thẩm quyền quy định hoặc do sự thỏa thuận giữa người bán và người mua với khối lượng lớn để đưa vào sản xuất hoặc đem đi bán lại (bán lẻ)".

Đề nghị sửa lại định nghĩa này:

-Bỏ đoạn: "được hình thành và thực hiện do cơ quan có thẩm quyền quy định hoặc do sự thỏa thuận giữa người bán và người mua" vì không liên quan đến nội dung cần giải thích.

-Bỏ cụm từ "Khối lượng lớn" vì không rõ bao nhiêu thì được gọi là "khối lượng lớn" và trong thực tế, không nhất thiết phải có khối lượng lớn mới là bán buôn.

-Bỏ cụm từ " bán lẻ" trong dấu ngoặc vì không phải người mua mua vào rồi bán lẻ ngay mới là bán buôn mà có thể mua buôn, bán buôn, tương tự như thương nghiệp cấp I, thương nghiệp cấp II của Nhà nước trước đây.

Từ những đề nghị trên, xin đề nghị viết lại định nghĩa về giá bán buôn như sau: "Giá bán buôn là mức giá của hàng hóa, dịch vụ mà người mua mua để đưa vào sản xuất hoặc để bán tiếp".

5 .Giải thích về Hiệp thương giá:

Theo Khoản 10, Điều 4 dự thảo Luật," 10. Hiệp thương giá là sự thương lượng về mức giá mua, bán hàng hoá, dịch vụ có tính độc quyền song phương do một cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tổ chức và làm trung gian....".

Đề nghị viết lại là " Hiệp thương giá là sự thương lượng song phương về mức giá mua, bán hàng hoá, dịch vụ có tính độc quyền..." vì viết như dự thảo có thể hiểu là "có tính độc quyền song phương" và điều đó là vô nghĩa.

6 . Về giải thích khái niệm Đăng ký giá, kê khai giá:

Theo khoản 11, Điều 4 dự thảo Luật, "11. Đăng ký giá là hình thức...." các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ phải đăng ký mức giá hàng hoá, dịch vụ dự kiến bán hoặc mua với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật này".

Theo khoản 12, Điều 4 dự thảo Luật, "Kê khai giá là hình thức các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo mức giá hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ phải kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật này".

Đề nghị:

-Bỏ cụm từ " hình thức" trong hai đoạn trên vì đăng ký giá, kê khai giá là những hành vi cụ thể, không chỉ là hình thức mà bao hàm cả nội dung, thay cụm từ " hình thức" bằng từ "việc".

-Bỏ từ "phải" trong cả hai đoạn trên vì thực hiện theo Luật này tức là bắt buộc.

-Đề nghị làm rõ: Những trường hợp nào phải đăng ký giá bán hoặc giá mua, phải đăng ký cả giá bán và giá mua?

7 . Giải thích về khái niệm bình ổn giá:

Giải thích khái niệm bình ổn giá tại khoản 13 Điều 4 là dài dòng, có những nội dung không cần thiết. Đề nghị sửa lại như sau: "Bình ổn giá là sự điều tiết của Nhà nước thông qua việc áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm đảm bảo cho giá cả hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu không tăng quá cao hoặc giảm quá thấp".

8. Giải thích khái niệm mặt bằng giá:

Theo khoản 14, Điều 4 dự thảo Luật, "Mặt bằng giá là mức giá trung bình của đại đa số các hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế ứng với không gian, thời gian nhất định và thường được đo lường thông qua chỉ số giá".

Đề nghị làm rõ:

-Thế nào là mức giá trung bình?

-Ngoài chỉ số giá, mặt bằng giá còn được đo lường thông qua chỉ tiêu nào?

9 . Giải thích khái niệm thẩm định giá:

Giải thích khái niệm thẩm định giá tại khoản 15 Điều 4 là dài dòng, có nội dung không cần thiết. Đề nghị sửa lại như sau: "Thẩm định giá là việc tính toán hoặc kiểm tra việc tính toán để xác định giá trị của tài sản phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho một mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá được lựa chọn".

10 . Về căn cứ định giá

Khoản 4 Điều 6 dự thảo Luật quy định: "4. Mức lợi nhuận dự kiến phù hợp với mặt bằng giá thị trường".

Đề nghị làm rõ: Thế nào là lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường? Tiêu chí nào để xác định chỉ tiêu này?

11 . Về quyền trong lĩnh vực giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh

Khoản 6 Điều 8 dự thảo luật quy định một trong những quyền của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh là" 6. Hạ giá bán hàng hoá, dịch vụ và thực hiện niêm yết công khai, rõ ràng tại cửa hàng, nơi giao dịch về mức giá cũ, mức giá mới, thời gian hạ giá đối với các trường hợp đặc thù theo quy định của pháp luật".

Đề nghị bổ sung " hoặc tăng giá bán" vì khi chi phí sản xuất, kinh doanh tăng, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh cũng có quyền tăng giá bán. Hơn nữa, theo dự thảo luật, việc niêm yết giá là bắt buộc trong mọi trường hợp, do đó, không chỉ " đối với các trường hợp đặc thù theo quy định của pháp luật". Vì vậy, khoản 6 Điều 8 đề nghị sửa lại như sau:

"Hạ hoặc tăng giá bán hàng hoá, dịch vụ và thực hiện niêm yết công khai, rõ ràng tại cửa hàng, nơi giao dịch về mức giá cũ, mức giá mới, thời gian hạ hoặc tăng giá đối với từng hàng hóa, dịch vụ".

12 . Về nghĩa vụ trong lĩnh vực giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh

a. Về kê khai giá:

Khoản 5 Điều 9 dự thảo luật quy định: "5. Kê khai giá bán (hoặc mua)thuộc quyền quyết định giá của mình đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục phải kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về tính chính xác của mức giá đã kê khai theo quy định của pháp luật".

Đề nghị làm rõ: Trong những trưởng hợp nào phải kê khai giá bán, giá mua, cả giá bán và giá mua?

b. Về niêm yết giá:

Tiết a, khoản 6 Điều 9 quy định: "a.Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại cửa hàng, nơi giao dịch mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ. Việc niêm yết giá phải rõ ràng, công khai, không gây nhầm lẫn cho khách hàng". Đề nghị bổ sung thêm đoạn: và phải bán đúng giá niêm yết.

13 . Về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Điều 10 dự thảo Luật.

a. Đề nghị bổ sung một hành vi: "Chào giá hoặc áp dụng giá bán hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng quá cao, bất hợp lý khi người tiêu dùng không có phương án lựa chọn nào khác". Đây là hành vi thường xẩy ra như trường hợp tăng giá điện, giá xăng, dầu và trong nhiều trường hợp cụ thể khác.

b. Đề nghị bỏ nội dung tại khoản 6:"Áp dụng phân biệt về giá (bao gồm phân biệt cả về giá bán buôn hoặc giá bán lẻ) khi cung cấp cùng một loại hàng hoá hoặc dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân khác nhau", vì điều cấm này không thực tế, mức giá bán của cùng một hàng hóa, dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân khác nhau sẽ khác nhau do số lượng hàng mua khác nhau, thời hạn thanh toán khác nhau, cự ly vận chuyển khác nhau, sự tín nhiệm trong quan hệ thương mại giữa bên mua và bên bán khác nhau...Nếu coi hành vi trên là bị cấm thì sẽ có hàng loạt doanh nghiệp vi phạm.

14 . Về nguyên tắc định giá của Nhà nước tại Điều 16.

Điều 16 đưa ra ba nguyên tắc:

1. Bù đắp giá thành toàn bộ thực tế hợp lý.

2. Phù hợp với quan hệ cung cầu trên thị trường của hàng hoá, dịch vụ.

3. Phù hợp giá thị trường trong nước và thế giới.

Xin đề nghị:

-Bổ sung vào điều 4 về giải thích từ ngữ nội dung giải thích về "Giá thành toàn bộ thực tế hợp lý"?

-Bổ sung thêm một nguyên tắc: Phù hợp với khả năng thanh toán của nhân dân trong nước.

15 . Về Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quy định giá tại Điều 17

Đề nghị quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá trong phần phụ lục của Luật, không chuyển cho Chính phủ vấn đề này.

16 . Về điều chỉnh mức giá do Nhà nước quy định giá

Điều 19 quy định: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá kịp thời điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá trong các trường hợp:

1. Thực hiện mục tiêu chính sách giá của Nhà nước;

2. Khi giá các yếu tố hình thành giá thay đổi ảnh hưởng bất lợi đến lợi ích của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.

Đề nghị bổ sung thêm trường hợp thứ ba:

3. Khi giá các yếu tố hình thành giá thay đổi ảnh hưởng bất lợi đến đời sống của nhân dân lao động.

17 . Về Điều kiện tổ chức hiệp thương giá tại Điều 20

- Đề nghị bỏ đoạn:

"Việc tổ chức hiệp thương giá do cơ quan quản lý nhà nước về giá có thẩm quyền thực hiện khi có yêu cầu hiệp thương giá của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khi có đề nghị của một trong hai bên mua, bán trong trường hợp các bên không thoả thuận được giá mua, giá bán đối với hàng hoá, dịch vụ" vì trùng với khoản 10, Điều 4.

- Sửa lại Điều 20 như sau: Việc hiệp thương giá được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Hàng hoá, dịch vụ không thuộc danh mục do Nhà nước định giá;

2. Hàng hoá, dịch vụ quan trọng được sản xuất, cung ứng trong điều kiện đặc thù, có tính chất độc quyền mua, độc quyền bán và các bên mua, bán phụ thuộc lẫn nhau không thể thay thế được, thị trường cạnh tranh hạn chế;

- Thay cụm từ " có tính chất" bằng cụm từ "có yếu tố", vì khó xác định trường hợp nào là "có tính chất".

18 . Về kết quả hiệp thương giá tại Điều 22

Khoản 2 Điều 22 quy định: "2. Trường hợp đã tổ chức hiệp thương giá quy định tại Luật này mà các bên vẫn chưa thoả thuận được mức giá thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá quyết định giá tạm thời để các bên thi hành cho đến khi các bên thoả thuận được mức giá nhằm kịp thời phục vụ sản xuất, kinh doanh".

Đề nghị quy định rõ hơn:

-Giá tạm thời có ý nghĩa như thế nào? Được sử dụng trong thời hạn nào? Khi đã thỏa thuận được giá, các bên có phải quyết toán tài chính phần chênh lệch giữa giá tạm thời và giá thỏa thuận không?

-Sau khi cơ quan có thẩm quyền quyết định giá tạm thời, các bên vẫn không thể thỏa thuận được giá thì giải quyết như thế nào?

19 . Về Nhà nước kiểm soát giá độc quyền tại Điều 26

Đề nghị quy định cụ thể về cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm soát giá độc quyền trong Luật tránh tình trạng " Vừa đá bóng, vừa thổi còi" như giao cho Bộ chủ quản kiểm soát giá độc quyền của doanh nghiệp do Bộ quản lý.

20 . Về Công khai thông tin về giá tại Điều 31

Điều 31 quy định:

1. Cơ quan có thẩm quyền quản lý Nhà nước về giá có trách nhiệm công khai những thông tin về giá, bao gồm:

a) Các chủ trương, chính sách, biện pháp quản lý giá của Nhà nước;

b) Các quyết định giá của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

c) Các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về giá đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về giá và pháp luật khác có liên quan.

Những quy định công khai thông tin về giá không áp dụng đối với những thông tin không được phép công khai theo quy định của pháp luật.

Quy định về công khai giá như trên quá chung chung, không có nhiều ý nghĩa để đảm bảo sự minh bạch và tạo điều kiện cho dân biết, dân kiểm tra. Đề nghị bổ sung thêm hai nội dung cần công khai:

- Giá thành toàn bộ thực tế hợp lý của hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quy định giá;

- Mức hoặc tỷ suất lợi nhuận/ giá thành của hàng hóa dịch vụ do Nhà nước quy định giá.

21 . Về đối tượng thẩm định giá tại Điều 35

Đề nghị quy định ngay trong Luật về giá trị tài sản của Nhà nước phải thẩm định giá và quy định các loại hình tổ chức, doanh nghiệp được phép thẩm định giá tài sản của Nhà nước, không chuyển cho Chính phủ vấn đề này.

22 . Về doanh nghiệp thẩm định giá tại Điều 39.

Đề nghị quy định cụ thể về loại hình doanh nghiệp thẩm định giá ngay trong Luật, không chuyển cho Chính phủ vấn đề này.

23 . Về đ iều kiện hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp tại Điều 41.

a. Đề nghị sửa " Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh" thành " Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp" cho phù hợp với Nghị định 43/ 2010/NĐ-CP'.

b. Khoản 3 quy định: "3. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát điều kiện thành lập và điều kiện hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá và thông báo doanh nghiệp có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá". Đề nghị quy định rõ: Bộ Tài chính sẽ làm gì để thực hiện trách nhiệm này? Có loại " Giấy phép con" nào ra đời không?

24 . Về đ iều kiện thi lấy Thẻ thẩm định viên về giá tại Điều 47

Khoản 1 Điều 47 quy định: "1. Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành thẩm định giá, kinh tế và các chuyên ngành khác liên quan đến thẩm định giá .

Đề nghị nghiên cứu thêm:

- Có nhất thiết phải tốt nghiệp đại học không? Nếu trình độ Trung cấp, Cao đẳng nhưng đã có thời gian công tác đúng chuyên ngành trên ba năm có được thi không?

- Các chuyên ngành khác là những chuyên ngành nào?

25 . Về thẩm định viên về giá hành nghề tại Điều 48

Đề nghị bỏ điều này vì là thẩm định viên về giá, làm nghề thẩm định giá tức là hành nghề dù ở bất cứ đâu.

26 . Về Thẩm định viên về giá của Nhà nước tại Điều 49

Đề nghị bỏ điều này vì sự phân biệt giữa thẩm định viên về giá hành nghề và thẩm định viên về giá của Nhà nước là không có căn cứ khoa học.

-Người đã được cấp Thẻ thẩm định viên về giá là Thẩm định viên về giá.

-Thẩm định viên về giá làm việc ở đâu thì áp dụng theo quy định của pháp luật đối với lĩnh vực đó. Chẳng hạn, Thẩm định viên về giá làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính, giá cả thì theo Luật Công chức, làm việc ở doanh nghiệp thẩm định giá thì theo Luật Doanh nghiệp, Bộ Luật Lao động.

-Không nên tự đặt ra những "danh hiệu" mới vì nếu theo cách phân loại này ta sẽ có Công nhân nhà nước/ Công nhân hành nghề; Giáo viên Nhà nước/ Giáo viên hành nghề; Bác sĩ Nhà nước/ Bác sĩ hành nghề....Điều đó không hợp lý.

27 . Về Thanh tra chuyên ngành về giá tại Điều 56

Đề nghị làm rõ:

-Có tổ chức thanh tra chuyên ngành này không? Cục Quản lý giá hiện nay thuộc Bộ Tài chính, vậy Thanh tra của Bộ Tài chính có thể thực hiện nhiệm vụ thanh tra giá không?

-Nếu đặt thêm tổ chức Thanh tra chuyên ngành về giá liệu bộ máy quản lý Nhà nước sẽ tăng thêm bao nhiêu? Ngân sách Nhà nước phải chi thêm bao nhiêu tiền trong một năm? Lợi ích của xã hội là bao nhiêu?

-----------------------------------

Các văn bản liên quan