Góp ý của Ông Nguyễn Thành Đạt – Hội Địa chất Kinh tế

Thứ Tư 17:24 27-04-2011

Ông Nguyễn Thành Đạt - Hội Địa chất Kinh tế

Chúng tôi đánh giá tốt tinh thần chung của Dự thảo theo hướng bám sát những quy định của Luật Khoáng sản hiện tại. Chúng tôi chỉ đề nghị Ban Soạn thảo cố gắng rà soát để nâng cao hơn nữa tính minh bạch, tính bình đẳng của các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực khoáng sản. Đặc biệt quan tâm đến các quy định liên quan đến cải cách thủ tục hành chính.

Sở dĩ tôi nêu lên như vậy là vì trong Dự thảo này có nhiều vấn đề mà chúng tôi muốn nêu ý kiến cụ thể sau đây:

* Dự thảo quy định chi tiết Luật Khoáng sản

- Về vấn đề hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất: tinh thần chung Luật đã quy định phải hoàn trả. Nhưng chúng tôi đề nghị mục a, khoản 2 Điều 3 nên đi thẳng vào quy định phải hoàn chi phí đầu tư đã được xác định trong báo cáo đánh giá khoáng sản hoặc báo cáo thăm dò khoáng sản đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, có tính đến hệ số trượt giá tại thời điểm quy định để giám định chi phí. Không nên để tinh thần tính lại trên cơ sở đơn giá định mức do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành. Vì trên thực tế thủ tục hành chính, tất cả các báo cáo này thuộc sở hữu nhà nước, đều được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong đó có phê duyệt về chi phí đầu tư thực hiện không việc gì phải tính lại con số này cho rắc rối và phức tạp.

Mặt khác, mục b về trường hợp chủ sở hữu là cá nhân: chúng tôi đề nghị điều chỉnh mối quan hệ giải quyết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép. Đây là một kiểu can thiệp hành chính vào một quan hệ dân sự. Chúng tôi đề nghị chuyển phương thức can thiệp sang kiểu quan hệ dân sự theo Bộ luật Dân sự.

- Về Điều 4: thăm dò, khai thác khoáng sản bằng nguồn vốn NSNN: trong Luật Khoáng sản không giao cho Chính phủ quy định chi tiết hay hướng dẫn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng ủng hộ phương hướng Chỉnh phủ chi tiết và hướng dẫn thực hiện bởi vì trong Luật Khoáng sản cũng cho phép điều này. Cụ thể hơn đề nghị không nên đặt vấn đề NSNN phục vụ đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với một số loại khoáng sản có quy mô lớn, giá trị cao, vì mấy lý do:

+ Thứ nhất, bỏ NSNN ra để thăm dò, phục vụ đấu giá này về mặt bản chất là làm nặng nề thêm nguồn ngân sách vốn đã quá eo hẹp. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên Môi trường thì vốn ngân sách chi cho điều tra cơ bản địa chất khoáng sản không bao giờ đáp ứng được quy hoạch. Trên thực tế quy hoạch điều tra cơ bản 116 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã có dấu hiệu phá sản. Chúng tôi thấy việc sử dụng vốn ngân sách để thăm dò phục vụ đấu giá quyền khai thác khoáng sản không nên thực hiện.

+ Thứ hai, việc thăm dò khai thác khoáng sản một số loại quan trọng phục vụ cho mục đích an ninh quốc phòng hoặc nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà việc thu hút đầu tư từ nguồn vốn khác không thể thực hiện được. Trong tình hình đầu tư như hiện nay chắc có lẽ không có đối tượng khoáng sản nào không kêu gọi được đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các nhà đầu tư đều có đủ năng lực để tham gia thăm dò khai thác được nếu Nhà nước cho phép. Chúng tôi đề nghị nên cụ thể hóa theo hướng khác. Chính phủ xác định loại khoáng sản nào là loại khoáng sản quan trọng và đối với một số khu vực nào, trong tình huống sự kiện, sự cố kinh tế - xã hội nào thì Nhà nước có thể can thiệp bằng việc bỏ tiền ra để thăm dò hay khai thác một số loại khoáng sản. với tinh thần Điều 4 này, chúng tôi cũng có ý kiến tham gia hơi ngược với xu thế chung của quốc tế, tức là: Nhà nước phải giảm thiểu đến mức tối đa việc sử dụng vốn ngân sách để cho các doanh nghiệp có thể làm việc họ đủ năng lực làm.

- Về đầu tư điều tra cơ bản địa chất, chúng tôi xin có ý kiến: làm thế nào minh bạch hóa thêm bằng cách quy định quy trình cơ bản lựa chọn tổ chức, cá nhân điều tra đầu tư cơ bản địa chất. Trong Dự thảo này có dự kiến Bộ Tài nguyên Môi trường quy định việc lựa chọn. Nên chăng Chính phủ nên quy định một nguyên tắc: việc lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia phải được thực hiện công khai. Ngay cả những điều quy định việc lựa chọn tổ chức thăm dò cũng vậy. Cần phải công khai, có như vậy mới cụ thể hóa được.

+ Về vấn đề quy chế khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, chúng tôi rất tán đồng Dự thảo tại Điều 13. Ở đây, chúng tôi góp ý thêm: cân nhắc khoản 4 về phần khu vực khoáng sản thuộc vùng vành đai biên giới quốc gia. Riêng "khu vực chiến lược về quốc phòng an ninh" là một khái niệm rất là định tính, được hiểu rất là trừu tượng. Cho nên, đây là một trong những thứ thiếu cụ thể hoá. Đề nghị xem xét thêm.

- Về khoản 9: chúng tôi tán thành ý kiến của Dự thảo này. Khu vực hoạt động khoáng sản đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, chế tác, khai thác khoáng sản trước 1/7/2011. Đây là một tư tưởng rất là tốt, đáp ứng được nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn rằng để tạo đúng ngữ nghĩa Việt Nam: dấu phẩy được để sau "giấy phép thăm dò khoáng sản," có thể được hiểu theo hai nghĩa: thứ nhất, khu vực đó đã được cơ quan quản lý Nhà nước cấp "Giấy phép thăm dò, Giấy phép khai thác". Nghĩa là được cấp cả hai Giấy phép chứ không phải là được cấp một trong hai Giấy phép này. Chỗ này chúng tôi đề nghị có thể thay dấu phẩy bằng chữ "hoặc" để hiểu một cách cụ thể: chỉ cần có một trong hai loại Giấy này thôi.

Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn

Các văn bản liên quan