Ý kiến của Giáo sư TSKH Đặng Hùng Võ

Thứ Hai 10:10 25-04-2011

GS. TS Đặng Hùng Võ

Chúng ta đã biết Luật Khoáng sản mới cũng như Nghị định hướng dẫn Luật này đã có những bước phát triển rất tốt trong quá trình làm rõ ranh giới nhạy cảm giữa thẩm quyền của trung ương và thẩm quyền của tỉnh, rồi đấu giá và không đấu giá. Hai điểm này rất được Quốc hội quan tâm, là trọng tâm của hai Nghị định này.

- Tôi cho rằng điểm cơ bản của việc chuẩn bị hai Nghi định này thì tôi rất là tán thành. Chỉ có một ý kiến ở đây thôi: một số điểm cần thiết phải được cụ thể hóa thêm nữa. Vì khi quy định càng cụ thể thì thực hiện pháp luật càng dễ. Còn nếu thiếu cụ thể mà lại gắn với một thẩm quyền quyết định nào đấy thì rất khó trong quá trình thực hiện và có thể dễ vướng tới chuyện nguy cơ tham nhũng có thể xảy ra. Tốt nhất là khi pháp luật đã đi vào những điều rất cụ thể rồi thì việc thực thi pháp luật là đơn giản hơn rất nhiều.

Trên tinh thần đó, những tiêu chí về đấu giá hoặc là không đấu giá, tiêu chí về thẩm quyền thì cũng đã được chuẩn bị khá tốt. Còn những cái có thể cụ thể hơn nữa thì chúng ta cố gắng càng cụ thể càng tốt, tạo thuận lợi cho quá trình thực thi pháp luật.

- Tôi xin góp thêm một ý này: sự thực là vấn đề quản lý đối với khai thác khoáng sản, theo tôi là có nhiều điểm nữa mà trong Nghị định cần phải đưa vào:

+ Điểm thứ nhất, trong quá trình vừa rồi, chúng ta thấy rằng việc cấp phép khai thác khoáng sản giữa trung ương và địa phương, nhất là cấp phép ở địa phương gây ra rất nhiều bức xúc đối với người dân ở địa phương, với các doanh nghiệp ở tính bình đẳng giữa các doanh nghiệp, cấp phép thủ tục này, thủ tục khác có sự thiếu bình đẳng. Một trong những nhược điểm của chúng ta là hệ thống kiểm tra và giám sát việc thực thi pháp luật là rất yếu. Đây là vấn đề chúng ta cần chú ý. Chúng ta có thể hoàn thiện pháp luật nhưng lại không có công cụ để kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật thì gần như là mất đi một nửa hiệu lực pháp lý của các văn bản. Nếu chúng ta không có cơ chế bảo đảm quyền thực thi pháp luật đúng mà vốn ở Việt Nam thì vấn đề kiểm tra và giám sát là rất yếu. Tất nhiên, kiểm tra là quá trình thực hiện của cơ quan hành chính cấp trên với cấp dưới, giám sát là quá trình cơ quan khác "nhòm vào" của cơ quan hành chính, của Hội đồng nhân dân, các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp của người dân. Tôi cho rằng hàm lượng nhất định của những quy định nhất định của quá trình kiểm tra giám sát cần được đưa vào.

+ Điểm thứ hai, cả hai Nghị định đều nói tới yếu tố tài chính, đã nâng lên mức khá mạnh, đáp ứng được nhu cầu hiện nay trong nền kinh tế thị trường. Nhưng tôi cho rằng một trong những cơ chế quan trọng thế giới rất quan tâm và được nhiều nước hưởng ứng là "minh bạch nguồn thu từ khai thác khoáng sản" mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có công rất lớn trong việc tổ chức các hội thảo xem xét vấn đề này và kiến nghị Chính phủ Việt Nam nên tham gia Hiệp hội các nước ủng hộ xu hướng minh bạch hóa nguồn thu từ khai thác khoáng sản. Có thể Việt Nam chưa tham gia nhưng ý tưởng, cơ chế hình thành nên hoạt động minh bạch nguồn thu từ khai thác khoáng sản là chúng ta có thể đưa vào Nghị định sao cho giám sát được, sao cho người khai thác minh bạch được toàn bộ nguồn thu và từ đó kiểm soát được: nguồn thu được dùng vào việc gì? bao nhiêu % vào việc gì?

+ Trong nguồn thu này thì chúng ta hiện nay chưa có cơ chế bồi thường cho người dân địa phương những thiệt hại do việc khai thác khoáng sản gây ra. Chúng ta mới chỉ có bồi thường về đất thôi còn bồi thường thiệt hại do việc khai thác khoáng sản gây ra chưa được xem xét. Trong nguồn thu về phân phối, tài chính trong việc khai thác khoáng sản nên có. Có thể không phải là chia tiền cho từng người dân nhưng trách nhiệm của các nhà khai thác, không phải chỉ với môi trường đâu mà còn đối với việc nâng cấp hệ thống hạ tầng ở địa phương, bảo đảm quyền lợi cho người dân ở địa phương, cộng đồng có gắn với những thiệt hại do khai thác khoáng sản gây nên.

- Một điểm thứ ba tôi muốn nói đến là vấn đề môi trường. Trong Nghị định này gần như không đề cập gì đến môi trường. Mà hiện nay, ở các nước cũng như vậy và ở Việt Nam còn nhiều hơn là tổn hại môi trường từ việc khai thác khoáng sản. Chúng ta cũng đã đưa vào quy định của luật pháp: những người khai thác có trách nhiệm hoàn trả lại môi trường như trước khi khai thác. Đó là khẩu hiệu chung thôi, chứ còn hoàn trả như thế nào thì Nghị định phải có. Trách nhiệm đến đâu? Bởi vì hiện nay chúng ta đang có tình trạng khai thác khoáng sản mang lại lợi ích khá lớn cho nhà đầu tư, người khai thác. Lợi ích khá lớn đó thì có đến 80% chúng ta đang vay của môi trường. Nếu chúng ta không trả ngay lúc khai thác thì con cháu chúng ta phải trả. Khối lượng trả sau này có khi gấp hàng trăm lần so với nhà đầu tư phải trả hiện nay. Tôi cho rằng đây là yếu tố rất quan trọng, là một bi kịch trong khai thác khoáng sản ở Việt Nam hiện nay. Nếu chúng ta chịu khó đi các nơi đang khai thác khoáng sản thì sẽ thấy rõ như ban ngày, chúng ta "ăn quịt" của môi trường lớn như thế nào. Nếu chúng ta không có những quy định chặt chẽ của việc chúng ta hoàn trả cho môi trường những gì, trách nhiệm đến đâu, chi tiết ra làm sao? thì chắc chắn là các nhà đầu tư lấy của môi trường và bắt con cháu của chúng ta phải trả lại những khoản lớn hơn rất nhiều lần so với những cái mà nhà khai thác khoáng sản hiện nay đang vay của môi trường. Sự thực là vay, không thể không trả. Chỉ có vấn đề là trả vào lúc nào, và trả lại theo cơ chế nào? Đây là điều tôi cho rằng trong Nghị định rất cần chi tiết mà hiện nay lại chưa thấy.

- Đối với Nghị định đấu giá thì tôi cho rằng đây là nỗ lực rất lớn với ý tưởng đã cập nhật được với quy định hiện nay về đấu giá nói chung. Ở đây tôi chỉ có một góp ý thôi, thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước chọn lọc những người được tham gia đấu giá. Tốt nhất là chúng ta quy định tiêu chí của những người được tham gia đấu giá một cách cụ thể và không có chuyện "chọn lọc". Chỉ trừ trường hợp phát hiện những người không đủ tiêu chuẩn đó thì yêu cầu không được tham gia. Chứ không nên quy định chọn lọc những người được tham gia đấu giá. Chỉ sợ rằng sau này sẽ bị lợi dụng, sẽ bị biến đổi thành thẩm quyền "cho". Ở đây, chúng ta cũng muốn tạo ra công bằng thì nên có quy định về chọn lọc ngay trong luật pháp chứ không nên có thẩm quyền "cho người này, cho người kia".

Tôi xin phép có bốn ý kiến như trên. Xin cảm ơn!

Các văn bản liên quan