Góp ý của luật sư Trần Xoa – Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Hai 13:36 14-03-2011

Góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008

1. Điểm e, khoản 2 (thu nhập khác), Điều 3 (Thu nhập chịu thuế) đã quy định:

“e) Hoàn nhập các khoản dự phòng, các khoản trích trước vào chi phí nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hết theo kỳ hạn trích lập;”

Đề nghị bỏ đoạn “Hoàn nhập các khoản dự phòng” vì hiện nay Thông tư 228/2009/TT-BTC ngày 07/12/2009 của BTC đã quy định hoàn nhập không tính vào Thu nhập khác từ năm 2009.

2. Chênh lệch do đánh giá lại TSCĐ khi góp vốn:

Điểm g, khoản 3, Điều 6 (Xác định thu nhập tính thuế) đã quy định:

g) Chênh lệch do đánh giá lại tài sản cố định khi góp vốn là phần chênh lệch giữa giá trị đánh giá lại với giá trị còn lại của tài sản cố định, được phân bổ theo số năm còn được trích khấu hao của tài sản cố định đánh giá lại tại doanh nghiệp góp vốn….

Trong khi đó, Thông tư 40/2010/TT-BTC ngày 23/3/2010 của BTC “hướng dẫn xác định thu nhập chịu thuế đối với khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản” đã hướng dẫn:

“- Chênh lệch do đánh giá lại TSCĐ để góp vốn được phân bổ dần vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN tại doanh nghiệp có tài sản đánh giá lại đem góp vốn. Việc phân bổ dần khoản chênh lệch do đánh giá lại TSCĐ vào thu nhập khác của doanh nghiệp có tài sản đánh giá lại đem góp vốn được tính theo số năm còn lại được trích khấu hao của TSCĐ tại doanh nghiệpnhận vốn góp.”

Đề nghị sửa đổi Nghị định: thay cụm từ “doanh nghiệp góp vốn” bằng cụm từ “doanh nghiệp nhận vốn góp”.

3. Điểm b, khoản 1 Điều 9 quy định:

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

Đối với các trường hợp: mua hàng hoá là nông, lâm, thuỷ sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra; mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công trực tiếp bán ra; mua đất, đá, cát, sỏi của người dân tự khai thác trực tiếp bán ra; mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt, mua đồ dùng, tài sản của hộ gia đình, cá nhân đã qua sử dụng trực tiếp bán ra và dịch vụ mua của cá nhân không kinh doanhphải có chứng từ thanh toán chi trả tiền cho người bán và Bảng kê thu mua hàng hoá, dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp kinh doanh ký và chịu trách nhiệm.

Tại sao phải có chứng từ thanh toán chi trả tiền cho người bán mới được vào chi phí? Từ nhiều năm nay Thông tư hướng dẫn của BTC cũng không buộc điều kiện này. Đề nghị bỏ cụm từ chứng từ thanh toán chi trả tiền cho người bán và .

Bảng kê thu mua hàng hoá, dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp kinh doanh ký và chịu trách nhiệm. ”. Tại sao không phải là Giám đốc doanh nghiệp ký mà phải là người đại diện theo pháp luật ký? Biểu mẫu do BTC ban hành kèm theo Thông tư 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 và mới đây là Thông tư 18/2011/TT-BTC ngày 10/02/2011 cũng ghi người ký là Giám đốc doanh nghiệp. Đề nghị thay cụm từ “người đại diện theo pháp luật” bằng cụm từ “giám đốc doanh nghiệp”.

4. Điểm a, khoản 2 Điều 9 quy định:

“a) Các khoản chi không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, trừ phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường;

Phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường được xác định bằng tổng giá trị tổn thất trừ (-) phần giá trị doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức, cá nhân khác phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”

Đề nghị bổ sung trường hợp “hàng hoá bị hư hỏng do hết hạn sử dụng, bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hoá tự nhiên” là trường hợp bất khả kháng, được tính vào chi phí:

“a) Các khoản chi không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, trừ phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn, hàng hoá bị hư hỏng do hết hạn sử dụng, bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hoá tự nhiên và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường;

Phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn, hàng hoá bị hư hỏng do hết hạn sử dụng, bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hoá tự nhiên và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường được xác định bằng tổng giá trị tổn thất trừ (-) phần giá trị doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức, cá nhân khác phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”

5. Điểm c, khoản 2 Điều 9 quy định:

“c) Phần chi vượt mức theo quy định về trích lập dự phòng;”

Lúc trích lập dự phòng thì chưa chi nên không có phần chi vượt mức. Đề nghị sửa lại là: “Khoản trích lập dự phòng vượt mức theo quy định”.

6 . Điểm l, khoản 2 Điều 9 quy định:

“l) Chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ tính thuế; chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản.”

Thông tư 18/2011/TT-BTC ngày 10/02/2011 của BTC đã sửa đổi khoản mục “Chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ tính thuế; chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản”. Để phù hợp với tinh thần mới, đề nghị sửa lại như sau:

“l) Chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư cuối năm là: tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển, các khoản nợ phải thu có gốc ngoại tệ ; chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản để hình thành TSCĐ mà TSCĐ này chưa đưa vào sản xuất kinh doanh (không phân biệt doanh nghiệp chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh hay đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh) .”

7. Khoản 1 Điều 18 quy định:

1. Doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam được trích tối đa 10% trên thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Hàng năm, doanh nghiệp tự quyết định mức trích lập Quỹ phát triển khoa học theo quy định trên đây và lập Báo cáo trích, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ cùng tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

Mẫu Báo cáo trích lập, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp do Bộ Tài chính quy định.”.

BTC đã ban hành Thông tư 15/2011/TT-BTC ngày 09/02/2011 “hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp”. Tại Thông tư này BTC đã quy định tại Điều 1:

“Đối tượng được thành lập Quỹ theo quy định tại Thông tư này là các doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp (sau đây gọi chung là doanh nghiệp).”

Và tại Điều 5:

“Hàng năm doanh nghiệp phải lập báo cáo trích, sử dụng Quỹ và kê khai số liệu về mức trích lập, số tiền trích lập vào tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Báo cáo việc trích, sử dụng Quỹ được gửi đến cho cơ quan thuế nơi doanh nghiệp đăng ký nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, Sở Khoa học và công nghệ và Sở Tài chính. Thời hạn nộp cùng thời điểm nộp báo cáo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.”

BTC quy định chỉ có doanh nghiệp thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp mới được thành lập Quỹ này, các doanh nghiệp khác không được trích lập Quỹ từ thu nhập tính thuế; báo cáo trích lập và sử dụng Quỹ ngoài gửi cho cơ quan thuế còn gửi cho Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Tài chính.

Do vậy, nếu phải thực hiện theo hướng dẫn của BTC, đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 18:

“ 1. Doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp được trích tối đa 10% trên thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Hàng năm, doanh nghiệp tự quyết định mức trích lập Quỹ phát triển khoa học theo quy định trên đây và lập Báo cáo trích, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ cùng tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Báo cáo việc trích, sử dụng Quỹ được gửi đến cho cơ quan thuế nơi doanh nghiệp đăng ký nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, Sở Khoa học và công nghệ và Sở Tài chính. Thời hạn nộp cùng thời điểm nộp báo cáo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

Mẫu Báo cáo trích lập, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp do Bộ Tài chính quy định.”.

8. Đề nghị BTC khi ban hành Thông tư hướng dẫn Luật Thuế TNDN và Nghị định không được đưa thêm điều kiện trái Luật vào Thông tư:

Ví dụ:

- Luật thuế TNDN chỉ quy định không tính vào chi phí: “k) Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân;...”, không có dòng nào về đối tượng “ chủ công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (do một cá nhân làm chủ) ”. Thông tư 130/2008/TT-BTC quy định không được tính vào chi phí: d) Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (do một cá nhân làm chủ); .

- Thông tư 130/2008/TT-BTC quy định: Phần chi trang phục bằng hiện vật cho người lao động không có hoá đơn; phần chi trang phục bằng hiện vật cho người lao động vượt quá 1.500.000 đồng/người/năm; phần chi trang phục bằng tiền cho người lao động vượt quá 1.000.000 đồng/người/năm.

Quy định này không đúng Luật thuế TNDN và Nghị định 124/2008/NĐ-CP vì Luật và Nghị định không khống chế. Luật và Nghị định không khống chế bởi vì: Trước ngày 3/6/2008 (ngày Quốc hội biểu quyết thông qua Luật thuế TNDN) thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo số 131/BC-UBTVQH12 ngày 31/5/2008 gửi các đại biểu Quốc hội “Giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự án Luật thuế TNDN” đã trình: “để thể hiện rõ hơn nữa trong Luật về chính sách đối với người lao động, UBTVQH xin tiếp thu ý kiến ĐBQH và bỏ quy định về khống chế mức tiền ăn giữa ca và tiền trang phục tại điểm đ khoản 2 Điều 10 của Dự thảo Luật đã trình Quốc hội, nay là Điều 9 của Dự thảo Luật mới . Đây là vấn đề đã được Quốc hội thảo luận và quyết định không khống chế, không phải là quy định thiếu.


 

Góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008

1. Bổ sung thuốc chữa bệnh và phẩu thuật để chữa bệnh vào nhóm hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế GTGT

Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 của CP thì «Dịch vụ khám, chữa bệnh quy định tại khoản 9 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng bao gồm cả vận chuyển, xét nghiệm, chiếu, chụp, máu và chế phẩm máu dùng cho người bệnh” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Theo quy định tại điểm l khoản 2 Điều 8 Luật thuế GTGT thì thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo thuế suất 5%.

Theo quy định của Luật Khám chữa bệnh đã được Quốc hội thông qua năm 2009 thì: “Chữa bệnh là việc sử dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật đã được công nhận và thuốc đã được phép lưu hành để cấp cứu, đi u trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh.”

Đề nghị dịch vụ khám chữa bệnh nếu có cung cấp thuốc kèm theo thì toàn bộ dịch vụ này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Đề nghị sửa khoản 5 Điều 3 Nghị định 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 của CP như sau: “5. Dịch vụ khám, chữa bệnh quy định tại khoản 9 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng bao gồm cả thuốc chữa bệnh, vận chuyển, xét nghiệm, chiếu, chụp, máu và chế phẩm máu dùng cho người bệnh, phẩu thuật để chữa bệnh.”

2. Phương pháp tính thuế GTGT đối với hoạt động chế tác vàng, bạc, đá quý

- Luật Thuế GTGT quy định: Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng áp dụng đối với trường hợp:

“b) Hoạt động mua, bán vàng, bạc, đá quý.”

- Điểm c khoản 2 Điều 8 Nghị định 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 của Chính phủ hướng dẫn: Đối tượng áp dụng phương pháp tính thuế trực tiếp trên giá trị gia tăng:

“c) Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý.

Trường hợp cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế có hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý và hoạt động chế tác sản phẩm vàng, bạc, đá quý thì phải hạch toán riêng được hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý để áp dụng theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng.”

Từ quy định này của Nghị định 123/2008/NĐ-CP, Cơ quan thuế quận M đã xử lý như sau:

Mua, bán thuần tuý (hoạt động thương mại) vàng, bạc, đá quý thì áp dụng phương pháp tính trực tiếp trên GTGT, còn hoạt động chế tác vàng, bạc, đá quý thì áp dụng phương pháp khấu trừ. Trường hợp cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế có hoạt động mua, bán vàng, bạc, đá quý và hoạt động chế tác sản phẩm vàng, bạc, đá quý thì phải hạch toán riêng được hoạt động mua, bán vàng, bạc, đá quý để áp dụng theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng, còn hoạt động chế tác sản phẩm vàng, bạc, đá quý áp dụng phương pháp khấu trừ.

Từ đó Cơ quan thuế quận đưa ra quyết định xử lý truy thu thuế và phạt Công ty K vì đã khai thuế hoạt động chế tác vàng theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT năm 2008 và 2009. Công ty khiếu nại và khiếu nại bị Cơ quan thuế quận và Cục thuế bác nên đã khởi kiện ra Toà án nhân dân yêu cầu huỷ quyết định xử lý của Cơ quan thuế. Cả 2 bản án xử vụ kiện 2008 và vụ kiện 2009 Toà đều tuyên chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện và huỷ bỏ quyết định xử phạt về thuế của Cơ quan thuế.

Như vậy hoạt động chế tác vàng áp dụng phương pháp khai thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT hay theo phương pháp khấu trừ? Theo chúng tôi, phải áp dụng phương pháp tính trực tiếp trên GTGT. Vì những lý do sau:

Ø Nghị định 174/1999/NĐ-CP ngày 09/12/1999 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định:

“1. "Hoạt động kinh doanh vàng" là hoạt động sản xuất, gia công các sản phẩm bằng vàng; mua bán; xuất khẩu, nhập khẩu vàng theo quy định của pháp luật.

4. "Vàng miếng" là vàng đã được dập thành miếng dưới các hình dạng khác nhau, có đóng chữ số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của nhà sản xuất.”

Như vậy, hoạt động kinh doanh vàng bao gồm hoạt động sản xuất vàng miếng, chế tác vàng nữ trang.

Ø Thông tư 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của BTC hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế và hướng dẫn Nghị định 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của CP tại điểm 4.1, mục II Phần B quy định:

4. Khai thuế giá trị gia tăng tính theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng:

4.1. Hộ gia đình, cá nhân kinh doanh và người nộp thuế kinh doanh vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ lưu giữ được đầy đủ hoá đơn mua vào, hoá đơn bán ra để xác định được giá trị gia tăng thìáp dụng khai thuế giá trị gia tăng tính theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng.”

Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 60/2007/TT-BTC cũng không thay đổi đoạn này.

Ø Thông tư 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ cũng quy định:

Trường hợp tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế nhưng có hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì sử dụng hóa đơn bán hàng cho hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ.”.

Ø Vàng, bạc, đá quý áp dụng theo phương pháp trực tiếp vì đặc điểm của hàng hoá:

- Vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ là các loại hàng hoá có giá trị rất lớn,

- Nhưng chênh lệch mua bán so với giá vốn lại rất nhỏ,

- Và thường các cơ sở kinh doanh mua bán với các đối tượng tiêu dùng trực tiếp không đảm bảo được về hoá đơn, chứng từ, không khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Ø Cần xem xét việc khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ đối với hoạt động chế tác vàng, bạc, đá quý có thể thực hiện được không trong thực tế qua các ví dụ cụ thể sau đây:

Thí dụ : Giả sử vàng thời điểm ổn định, giá niêm yết vàng vào ngày 17/5/2010 như sau: (Đơn vị tính: đồng/lượng)

Loại vàng

Giá mua vào

Giá bán ra

999,9

28.000.000

28.050.000

Công ty có mua của khách hàng A: 1 lượng vàng nguyên liệu, kiểm định chất lượng đạt hàm lượng vàng là 999,9 với giá mua vào là 28.000.000 đồng/lượng.

+ Trường hợp 1: Công ty bán ra cho khách hàng B: 1 lượng vàng vừa mua trên với giá bán ra là 28.050.000 đồng/lượng.

Chênh lệch: 28.050.000 - 28.000.000 = + 50.000 đồng, thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp phát sinh là: 50.000 x 10% = 5.000 đồng.

Lãi gộp bán hàng: 50.000 – 5.000 = 45.000 đồng; tỷ lệ lãi gộp bán hàng là: 0,16%.

+ Trường hợp 2: Công ty xuất 1 lượng vàng vừa mua nêu trên, giao cho xưởng sản xuất nữ trang, đặt yêu cầu chế tác một chiếc kiềng cổ chất lượng 999,9 có chạm trổ và gắn đá, với chi phí chế tác tiêu hao là: 200.000 đồng (gồm lương công nhân, khấu hao máy móc thiết bị, vật liệu và dịch vụ mua ngoài khác, hao hụt vàng…), sản phẩm hoàn thành nhập về kho Công ty với giá hạch toán nhập kho chiếc kiềng cổ này là: 28.200.000 đồng.

Sau đó Công ty bán ra cho khách hàng C sản phẩm kiềng cổ nêu trên với tổng giá trị thanh toán là: 28.300.000 đồng, gồm có giá bán ra vàng 999,9 của chiếc kiềng cổ là 28.000.000 đồng + tiền công và gắn đá là 200.000 đồng.

Chênh lệch: 28.300.000 - 28.200.000 = + 100.000 đồng, thuế GTGT phương pháp trực tiếp phát sinh là: 100.000 đồng x 10% = 10.000 đồng.

Lãi gộp bán hàng: 100.000 – 10.000 = 90.000 đồng; tỷ lệ lãi gộp bán hàng là: 0,32%.

+ Trường hợp 3: Trong trường hợp này, nếu tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì tiền thuế GTGT đầu ra sẽ là: 28.300.000 x 10% = 2.830.000 đồng, và nếu như Công ty không được cho khấu trừ giá trị vàng nguyên liệu mua vào đưa qua khâu chế tác và chi phí chế tác, thì Công ty sẽ bị lỗ nặng: -2.730.000 đồng(=2.830.000 GTGT đầu ra – 100.000 lãi gộp), tỷ lệ lỗ gộp trên giá vốn là 9,68%.

Nếu giá bán trên là giá chưa có thuế GTGT, giá thanh toán phải cộng thêm 10% thuế GTGT đầu ra, giá bán sẽ là 31.130.000 đồng (= 28.300.000 đồng + 2.830.000 đồng thuế GTGT) thì thị trường sẽ không chấp nhận vì tổng giá trị thanh toán quá cao, bất hợp lý, không bao giờ có thể bán được trong thực tế và như vậy, việc thu thuế cũng sẽ không thể thực hiện được.

Ø Các công ty vàng bạc lớn và các ngân hàng có hoạt động chế tác vàng miếng đều là hoạt động sản xuất, nếu tính thuế theo phương pháp khấu trừ thì đều lỗ cực lớn. Theo thông tin nội bộ thì nhiều năm vừa qua, tất cả các đơn vị trên đều khai và nộp thuế GTGT hoạt động chế tác vàng theo phương pháp trực tiếp.

Đề nghị sửa điểm c khoản 2 Điều 8 Nghị định 123/2008/NĐ-CP như sau:

“c) Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý.

Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý bao gồm hoạt động chế tác sản phẩm vàng, bạc, đá quý.”.

TP. Hồ Chí Minh, ngày 11/03/2011

LS Trần Xoa



 

Các văn bản liên quan