Kiến nghị liên quan đến thuế trong lĩnh vực chứng khoán, thuế thu nhập doanh nghiệp – Đặng Ni Sa Công ty AMIGO

Thứ Hai 09:10 14-03-2011

 Hội thảo về những vướng mắc về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Nghị định 123/2008/NĐ-CP và Nghị định 124/2008/NĐ-CP” ngày 11/3/2011 tại Tp.HCM do Bộ Tài Chính và VCCI phối hợp tổ chức .

 

KIẾN NGHỊ LIÊN QUAN ĐẾN THUẾ TRONG LĨNH VỰC CHỨNG KHOÁN

 

THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

Đặng Ni Sa

Công ty AMIGO

Lầu 8 số 8 Nguyễn Huệ

 

Hiện nay, theo quy định tại Thông tư số 72/2006/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 100/2004/TT-BTC hướng dẫn về thuế GTGT và thuế TNDN đối với lĩnh vực chứng khoán thì mức thuế suất đối với giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư tổ chức là 0,1% trên tổng giá trị giao dịch chứng khoán bán ra tại thời điểm chuyển nhượng, tương tự đối với lãi trái phiếu (chỉ trừ những trái phiếu thuộc diện miễn thuế).

Việc quy định mức thuế như trên là không hợp lý bởi vì nó không quan tâm tới lỗ lãi của nhà đầu tư mà chỉ tính trên giá trị giao dịch bán ra. Chính điều này đã ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư ngắn hạn bởi vì họ phải thường xuyên thực hiện giao dịch. Nếu áp dụng mức thuế khoán như vậy, nhà đầu tư sẽ tiết kiệm, dè chừng trong giao dịch vì cứ giao dịch là đánh thuế và tất yếu cổ phiếu sẽ kém thanh khoản, TTCK sẽ trở nên trầm lắng, doanh nghiệp sẽ không thuận lợi khi huy động vốn.

Một số kiến nghị:

Thứ nhất, TTCK Việt Nam hiện có quy mô còn rất nhỏ so với thế giới, số người tham gia đầu tư chứng khoán vẫn còn ít tuy có được tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây (khoảng 110.000 tài khoản), vậy muốn tăng số lượng người chơi cần có những chính sách hợp lý để khuyến khích. Sau này khi thị trường đã phát triển ổn định và mạnh mẽ (khoảng 5 năm nữa). Khi đó ta có thể áp dụng đánh thuế nhưng với mức thuế suất chỉ từ 5% - 10%.

Thứ hai, nếu có thực hiện đánh thuế thì nên áp dụng công thức sau:

Cách 1: Tính thuế theo từng giai đoạn thành công:

Chi phí hợp lý = Chi phí lương + Chi phí lãi vay + Chi phí dự phòng thua lỗ + Chi phí giao dịch (hai chiều).

Doanh thu chịu thuế = Tổng giá trị bán – Tổng giá trị mua.

Số thuế phải nộp = (Doanh thu chịu thuế - Chi phí hợp lý) x Thuế xuất.

Cách 2: Tính thuế theo một đơn vị thời gian nhất định (ví dụ 1 năm):

Số thuế phải nộp = (Tổng lãi trong năm – Tổng lỗ trong năm) x Thuế suất.

Ngoài ra, nếu có đánh thuế cơ quan quản lý cũng nên lập ra một quỹ hỗ trợ thua lỗ chứng khoán (trích một phần từ số thuế thu được) để đảm bảo một hành lang kinh doanh an toàn cho các nhà đầu tư.


THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

 

Vào ngày 08 tháng 12 năm 2008 chính phủ đã ban hành nghị định 123/2008/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của luật thuế giá trị gia tăng (GTGT). Theo đó, tại điểm b, khoản 4, điều 3 quy định các đối tượng không chịu thuế GTGT trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán gồm:

   1. Môi giới chứng khoán.
   2. Tự doanh chứng khoán.
   3. Bảo lãnh phát hành chứng khoán.
   4. Tư vấn đầu tư chứng khoán.
   5. Lưu ký chứng khoán.
   6. Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.
   7. Quản lý danh mục đầu tư chứng khoán.
   8. Dịch vụ tổ chức thị trường của các sở hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán.
   9. Và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Hiện tại, theo quy định của Quyết định 27/2007/QĐ-BTC thì lĩnh vực hoạt động của công ty chứng khoán gồm:

1.      Môi giới chứng khoán.

2.      Nghiệp vụ tự doanh chứng khoán.

3.      Nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán.

4.      Nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán:
    * Tư vấn chiến lược và kỹ thuật giao dịch.
    * Cung cấp kết quả phân tích chứng khoán và thị trường chứng khoán.

5.      Nghiệp vụ lưu ký chứng khoán:
    * Cung cấp dịch vụ lưu ký và thanh toán các giao dịch chứng khoán cho khách hàng.
    * Cung cấp dịch vụ đăng ký chứng khoán đối với các chứng khoán phát hành riêng lẻ.
    * Làm đại lý chuyển nhượng theo yêu cầu của tổ chức phát hành đối với các chứng khoán phát hành riêng lẻ.

6.      Nghiệp vụ tư vấn tài chính:
    * Tư vấn tái cơ cấu tài chính doanh nghiệp, thâu tóm, sáp nhập doanh nghiệp, tư vấn quản trị công ty cổ phần.
    * Tư vấn chào bán, niêm yết chứng khoán.
    * Tư vấn cổ phần hoá, xác định giá trị doanh nghiệp.
    * Tư vấn tài chính khác phù hợp với quy định pháp luật.

Và đối với Công ty quản lý quỹ theo Quyết định 35/2007/QĐ-BTC, nghiệp vụ kinh doanh gồm:
1. Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán.

2. Quản lý danh mục đầu tư chứng khoán.

Thực tế ngoài các lĩnh vực trên, công ty chứng khoán còn kinh doanh các nghiệp vụ phát sinh như:

   1. Cho vay ứng trước (Thanh toán trước cho nhà đầu tư khi bán chứng khoán mà không cần chờ đến ngày T+3).
   2. Repo chứng khoán.
   3. Đại lý đấu giá.
   4. Dịch vụ quản lý sổ cổ đông.
   5. Đại diện người sở hữu trái phiếu.
   6. Dịch vụ ủy thác đầu tư.
   7. Dịch vụ nhận ủy thác đấu giá.
   8. Dịch vụ tư vấn và tổ chức đại hội cổ đông.
   9. Tư vấn lựa chọn nhà đầu tư tiềm năng.

Như vậy, vấn đề đặt ra là liệu chính nghiệp vụ phát sinh nêu trên (và có thể nhiều hơn tùy công ty chứng khoán) có thuộc đối tượng điều chỉnh của đoạn cuối tại điểm b, khoản 4, điều 3, nghị định 123/2008/NĐ-CP là “Các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán”? Trả lời câu hỏi này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công ty chứng khoán vì trải qua các giai đoạn khác nhau, bộ tài chính có những quy định không đồng nhất. Chính điều này đã đẩy công ty chứng khoán vào thế bị động vì không biết thực chất lĩnh vực hoạt động cụ thể nào thuộc diện không chịu thuế GTGT.

Mặt khác một điều nữa cần xem xét là Tại điểm 1, Mục II, Thông tư 100/2004/TT-BTC quy định các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng, bao gồm:

   1. Môi giới chứng khoán.
   2. Tự doanh chứng khoán.
   3. Quản lý danh mục đầu tư chứng khoán.
   4. Bảo lãnh và đại lý phát hành chứng khoán.
   5. Tư vấn tài chính và tư vấn đầu tư chứng khoán do công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ cung cấp cho khách hàng trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán, tái cơ cấu tài chính, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát hành và niêm yết chứng khoán.
   6. Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.
   7. Giám sát Quỹ đầu tư chứng khoán.
   8. Lưu ký chứng khoán.
   9. Đại diện người sở hữu trái phiếu.
  10. Các hoạt động đầu tư của Quỹ đầu tư chứng khoán.

Nhưng đến ngày 09 tháng 4 năm 2007, tại điểm 1.7, tiết 1, mục II, phần A, thông tư 32/2007/TT-BTC quy định các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng, bao gồm:

   1. Môi giới.
   2. Tự doanh.
   3. Quản lý danh mục đầu tư.
   4. Bảo lãnh phát hành.
   5. Tư vấn đầu tư chứng khoán.

Nếu so với thông tư 100/2004/TT-BTC, thông tư 32/2007/TT-BTC đã loại khỏi danh sách thuộc diện không chịu thuế GTGT của năm nhóm đối tượng. Song vấn đề không ở chỗ giảm bớt mà là chính sự thiếu rõ ràng trong quy định của thông tư 32/2007/TT-BTC. Thông tư 32/2007/TT-BTC không trực tiếp hủy bỏ hiệu lực (hay một phần hiệu lực liên quan đến thuế GTGT trong lĩnh vực chứng khoán) của thông tư 100/2004/TT-BTC mà tại đoạn 3, mục II, phần H quy định “ Bãi bỏ các nội dung hướng dẫn về thuế GTGT do bộ tài chính ban hành trước ngày thông tư này có hiệu lực thi hành không phù hợp với hướng dẫn tại thông tư này”. Chính quy định này mà đa phần các công ty chứng khoán hiện nay vẫn hiểu thuế GTGT trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán vẫn chịu sự điều chỉnh của Thông tư 100/2004/TT-BTC.

Sự hiểu nhầm nêu trên không phải các công ty chứng khoán không nắm được quy định của thông tư 32/2007/TT-BTC mà vì kể cả trong thời gian này, kinh doanh chứng khoán vẫn còn xem là một ngành đặc thù và cần có những văn bản cá biệt điều chỉnh. Ví dụ quyết định số 15/2007/QĐ-BTC ngày 19 tháng 3 năm 2007 về điều lệ mẫu của công ty niêm yết, dù có rất nhiều quy định trái ngược và mâu thuẫn với luật doanh nghiệp nhưng vẫn được áp dụng vì lý do đặc thù.

Ở một khía cạnh khác, sự vận dụng thiếu chính xác của cơ quan quản lý khi hiểu về nội hàm của các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán. Ví dụ, theo công văn số 12420/CT-TTHT ngày 07 tháng 10 năm 2008, Cục thuế Tp.HCM xác định nghiệp vụ “dịch vụ cung cấp thông tin khách hàng” thuộc diện chịu thuế. Nhưng nếu căn cứ vào khoản 1, điều 37, Quyết định 27/QĐ-BTC thì nghiệp vụ này nằm trong nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán – thuộc diện không chịu thuế GTGT.

Ngoài ra, tại Công văn số 2721/TCT-CS ngày 17 tháng 7 năm 2008 của tổng cục thuế cũng không phân biệt hay giải thích rõ mà viện dẫn vào thông tư 32/2007/TT-BTC trừ năm loại nghiệp vụ miễn thuế còn lại phải chịu mức thuế suất 10%.

Việc thay đổi chính sách của cơ quan quản lý nhà nước qua các thời kỳ cho phù hợp với tình hình kinh tế xã hội là điều không thể tránh khỏi. Việc ra đời của thông tư 32/2007/TT-BTC và các công văn hướng dẫn theo xu thế “tận thu” đối với các công ty chứng khoán vì thời điểm 2007 thị trường chứng khoán đang phát triển quá nhanh, doanh thu của các công ty chứng khoán quá cao. Nhưng đến thời điểm này, nếu chính sách không kịp thời thay đổi sẽ góp phần gây khó khăn cho công ty chứng khoán.


Các văn bản liên quan