VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định thực hiện kết nối một cửa quốc gia
Kính gửi: Cục Công nghệ Thông tin và Thống kê,
Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 15266/BTC-TCHQ của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin theo cơ chế một cửa quốc gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có một số ý kiến ban đầu như sau:
Việc xây dựng Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin theo cơ chế một cửa quốc gia với mục đích tạo “cơ sở pháp lý ràng buộc, minh bạch cho việc tổ chức, kết nối, chia sẻ, thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình hoạt động quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh” là cần thiết, dự báo sẽ là bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, góp phần tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh và đánh giá cao mục tiêu chính sách khi soạn thảo Nghị định này.
Tuy nhiên, để các chính sách thực sự đạt được mục tiêu trên và tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:
- Về các chính sách được đề xuất xây dựng
- Giải pháp cho các chính sách đề xuất
Theo nội dung tại Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động (sau đây gọi tắt là Dự thảo Báo cáo) và Dự thảo Tờ trình thì có hai chính sách được đề xuất soạn thảo liên quan đến kết nối, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia giữa các chủ thể có liên quan, cụ thể:
- Chính sách 1: kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước với nhau
- Chính sách 2: kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước
Dự thảo Báo cáo đưa ra hai giải pháp cho mỗi chính sách, cụ thể:
- Giải pháp 1: giữ nguyên như quy định hiện hành
- Giải pháp 2: quy định về nội dung, phương thức, trách nhiệm kết nối, chia sẻ thông tin giữa các chủ thể trên
Các nội dung phân tích ưu nhược điểm của mỗi giải pháp tại Dự thảo Báo cáo cần được xem xét ở các điểm sau:
- Dự thảo Báo cáo cho rằng, giải pháp 2 “chi phí thực hiện chính sách: không làm phát sinh các chi phí trực tiếp”. Nhận định này là chưa thực sự đủ rõ ràng: như thế nào được cho là “chi phí trực tiếp”; nếu không phát sinh chi phí trực tiếp thì sẽ phát sinh “chi phí gián tiếp” và chi phí này được tính như thế nào? Con số chi phí là bao nhiêu? Do đối tượng nào phải chịu?
- Dự thảo Báo cáo đưa ra hai giải pháp cho mỗi đề xuất chính sách, tuy nhiên còn một giải pháp nữa cần phải được đánh giá, đó là: các quy định hiện tại đã quy định về việc kết nối dữ liệu này không? Những hạn chế về việc kết nối, chia sẻ thông tin có thể khắc phục bằng cách sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành thay vì ban hành một văn bản mới hoàn toàn?
Để đánh giá một cách toàn diện các đề xuất chính sách, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các nội dung để làm rõ các vấn đề được nêu ở trên.
- Các thủ tục hành chính
Theo giải trình tại Dự thảo Báo cáo thì giải pháp 2 trong mỗi đề xuất sẽ không phát sinh thủ tục hành chính. Điều này chưa thực sự chính xác vì có những chính sách có thể phát sinh thủ tục hành chính, ví dụ:
- Hoạt động cung cấp thông tin của tổ chức, doanh nghiệp cho cơ quan nhà nước
- Hoạt động tiếp nhận thông tin từ cơ quan nhà nước của các tổ chức, doanh nghiệp (doanh nghiệp, tổ chức muốn tiếp cận các thông tin trên Cổng thông tin một cửa quốc gia có thể yêu cầu đơn vị quản lý không? Việc cung cấp thông tin, chia sẻ thông tin trong trường hợp gặp sự cố thì phải thực hiện bằng giấy hoặc theo cơ chế trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin của cơ quan có thông tin, …).
Đề nghị Ban soạn thảo giải trình vấn đề trên để đảm bảo các thông tin về đánh giá chính sách đảm bảo chính xác và toàn diện.
- Đề cương Dự thảo Nghị định quy định thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin theo cơ chế một cửa quốc gia (sau đây gọi tắt là Đề cương Dự thảo)
- Về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện kết nối, cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu (Điều 7)
Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Đề cương Dự thảo thì “Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện kết nối, cung cấp chia sẻ thông tin thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại”. Quy định này cần được cân nhắc, xem xét ở điểm sau:
Điểm b khoản 2 Điều 8 Dự thảo quy định các thông tin thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại được cung cấp, chia sẻ thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia giữa các cơ quan nhà nước. VCCI sẽ không có các thông tin từ b.2 đến b.8 vì không phải là cơ quan trực tiếp cấp phép, ban hành các quy chuẩn, kỹ thuật hay danh mục hàng hóa được cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do. VCCI với tư cách là đơn vị được Nhà nước ủy quyền cung cấp dịch vụ công (cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa), chỉ có thông tin về “văn bản, chứng từ về chứng nhận, tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu; mẫu chứng nhận xuất xứ hàng hóa”. Do đó, yêu cầu VCCI phải cung cấp tất cả các thông tin quy định tại điểm này là chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của VCCI.
Từ những phân tích trên, để đảm bảo tính phù hợp, đề nghị Ban soạn thảo:
- Sửa đổi tiêu đề của Điều 7 theo hướng: trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đơn vị được nhà nước ủy quyền cung cấp dịch vụ công trong việc thực hiện kết nối, cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu;
- Tách khoản 2 Điều 7 thành 2 khoản: một khoản quy định trách nhiệm của Bộ Công Thương tổ chức thực hiện kết nối, cung cấp, chia sẻ thông tin thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại; một khoản quy định trách nhiệm của VCCI trong việc cung cấp thông tin về văn bản, chứng từ về chứng nhận, tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu; mẫu chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
- Phân loại, nội dung thông tin dữ liệu cung cấp, chia sẻ thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia (Điều 8)
- Về thông tin quản lý chung (khoản 1 Điều 8): đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các thông tin về cam kết của Việt Nam trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, vì đây là thông tin quan trọng tác động đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu;
Góp ý tương tự đối với khoản 1 Điều 16 Đề cương Dự thảo.
- Về thông tin thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại (điểm b khoản 2 Điều 8)
Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các thông tin: i) Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành; ii) Danh sách cập nhật các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định ngay sau khi ban hành văn bản chỉ định. Bởi vì, trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại cũng có các hàng hóa nhóm 2, thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành, tương tự như các lĩnh vực khác quy định tại khoản 2 Điều 8 Đề cương Dự thảo.
Góp ý tương tự đối với điểm b khoản 2 Điều 16 Đề cương Dự thảo.
- Phối hợp kết nối, cung cấp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp trong nước (Điều 15)
Điều 15 Dự thảo quy định cơ quan nhà nước và tổ chức, doanh nghiệp trong nước sẽ phối hợp kết nối, cung cấp, chia sẻ thông tin như sau:
- (1) Ưu tiên kết nối, chia sẻ thông tin với các tổ chức, doanh nghiệp trực tiếp liên quan đến chỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải; gồm các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực: hàng hải, hàng không, logistic, bảo hiểm, ngân hàng, kiểm soát trị giá, chống rửa tiền;
- (2) Việc kết nối, cung cấp, chia sẻ thông tin giữa cơ quan nhà nước với tổ chức doanh nghiệp trong nước thực hiện theo nguyên tắc có đi, có lại trên cơ sở ký kết thỏa thuận kết nối, cung cấp, chia sẻ thông tin giữa cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp trong nước.
Quy định trên chưa thực sự rõ ràng ở các điểm:
- Các thông tin trong Danh mục thông tin, dữ liệu cung cấp, chia sẻ, khai thác sử dụng có được cung cấp, chia sẻ với các tổ chức, doanh nghiệp không có hoạt động liên quan đến những lĩnh vực được ưu tiên trong nội dung (1) trên không? Những đối tượng không thuộc trường hợp được ưu tiên (1) sẽ được cung cấp như thế nào? Nếu không được tiếp cận thì lý do tại sao?
- Theo nội dung (2) thì cơ quan nhà nước chỉ cung cấp, chia sẻ thông tin với những doanh nghiệp có thông tin mà Nhà nước cần (vì nguyên tắc chia sẻ là “có đi, có lại”), như vậy thì những doanh nghiệp không thuộc đối tượng có thông tin thì sẽ không được Nhà nước cung cấp? Nếu có được cung cấp thì cơ chế cung cấp là gì?
Các thông tin trong Danh mục rất quan trọng và hữu ích trong hoạt động kinh doanh, nghiên cứu của tổ chức, doanh nghiệp và đây cũng không phải là các thông tin bí mật nhà nước hay bí mật của cá nhân, tổ chức, vì vậy cần được thiết kế để các đối tượng khác nhau có thể tiếp cận. Để đảm bảo tính hợp lý và minh bạch về chính sách, đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ những vấn đề trên.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin theo cơ chế một cửa quốc gia. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.