VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư công bố hợp quy đới với sản phẩm CNTT và TT
Kính gửi: Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông
Trả lời Công văn số 4071/CV1-TT1 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Tổ chức thử nghiệm phục vụ chứng nhận và công bố hợp quy
Quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Dự thảo chưa thống nhất ở điểm:
Theo quy định tại khoản 1, “tổ chức thử nghiệm phục vụ hoạt động chứng nhận hợp quy là tổ chức thử nghiệm được chỉ định hoặc thừa nhận” trong khi đó theo quy định tại khoản 2 thì tổ chức thử nghiệm đã đăng ký hoạt động thử nghiệm theo Nghị định 107/2016/NĐ- CP cũng được thực hiện hoạt động chứng nhận hợp quy.
Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 1 Điều 4 Dự thảo.
- Quy trình, thủ tục đối với hàng hóa sản xuất, nhập khẩu để sử dụng
- Thủ tục đối với hàng hóa nhập khẩu để kinh doanh
Theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Dự thảo thì cơ chế quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu là: thông quan trước, kiểm tra chất lượng hàng hóa sau (trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày thông quan, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải nộp bản đánh giá sự phù hợp cho cơ quan có thẩm quyền). Quy định này dự đoán sẽ tạo thuận lợi về thủ tục nhập khẩu cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Dự thảo chưa có quy định để dự liệu cho trường hợp, nếu sau khi được thông quan doanh nghiệp không gửi bản đánh giá sự phù hợp cho cơ quan có thẩm quyền thì giải quyết như thế nào? Để đảm bảo thuận lợi và minh bạch trong quá trình thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ trường hợp này.
- Thủ tục đối với hàng hóa nhập khẩu để sử dụng
Theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Dự thảo thì đối với sản phẩm, hàng hóa không phải là thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện nhập khẩu để chính tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sử dụng thì phải thực hiện thủ tục:
- Xác nhận đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu trên bản đăng ký;
- Thông báo về mục đích sử dụng.
Cả hai thủ tục này đều thuộc thẩm quyền xử lý của Cục Viễn thông. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo nhập hai thủ tục này làm một, có thể theo hướng: tại thời điểm thực hiện thủ tục xác nhận đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu doanh nghiệp gửi kèm thông tin về mục đích sử dụng.
- Hồ sơ công bố hợp quy và địa điểm tiếp nhận hồ sơ
Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Dự thảo thì trường hợp sản phẩm sản xuất trong nước hoặc hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục nêu tại điểm b khoản 1 Điều 5 thì trong hồ sơ công bố hợp quy phải có:
- Bản tự đánh giá của nhà sản xuất hoặc đại diện được ủy quyền của nhà sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân nhập khẩu
- Kết quả đo kiểm sản phẩm của tổ chức thử nghiệm
Yêu cầu phải có cả hai loại tài liệu này là chưa phù hợp, bởi vì theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Dự thảo thì đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc danh mục nêu tại điểm b khoản 1 Điều 5, “tổ chức cá nhân thực hiện công bố hợp quy dựa trên: kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân hoặc kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận hợp quy hoặc tổ chức chứng nhận được thừa nhận”.
Để đảm bảo tính thống nhất trong chính Dự thảo, đề nghị Ban soạn thảo bỏ yêu cầu phải có “kết quả đo kiểm sản phẩm của tổ chức thử nghiệm”.
Trên đây là một số ý kiến tổng hợp ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.