VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử
Kính gửi: Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia
Trả lời Công văn số 475/NEAC-TĐPC của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Về điều kiện cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử
Theo quy định tại Dự thảo thì các tổ chức “cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử” phải đáp ứng điều kiện kinh doanh và phải được cấp phép mới được phép cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực này. Điều này là chưa phù hợp với Luật Đầu tư năm 2014 (sửa đổi Danh mục năm 2016) vì ngành nghề này không thuộc Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tờ trình cũng đề cập đến vấn đề này.
Về mặt nguyên tắc, những ngành nghề không thuộc Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sẽ được tự do kinh doanh và không bị ràng buộc bởi bất kì điều kiện kinh doanh nào. Vì vậy, để đảm bảo nguyên tắc hợp pháp và thống nhất pháp luật, cần phải sửa Luật Đầu tư để bổ sung ngành nghề này vào Phụ lục IV của Luật Đầu tư. Trường hợp chưa bổ sung được ngành nghề vào Luật Đầu tư, đề nghị Ban soạn thảo bỏ các quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử; trình tự thủ tục cấp phép, các vấn đề quản lý liên quan đến giấy phép của hoạt động này, tức là bỏ Chương II Dự thảo, từ Điều 15 đến Điều 22.
- Về tính chất của hoạt động “cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử”
Điểm a khoản 1 Điều 15 Dự thảo quy định chủ thể cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử là: cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Theo giải trình tại Tờ trình (trang 9) thì “các cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử đều phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ theo quy định” và “trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung dịch vụ định danh và xác thực điện tử vào Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện tại Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi để trình Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp sắp tới”.
Như vậy, “cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử” đang được xem là một ngành nghề kinh doanh. Với tính chất này thì đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:
- Chủ thể cung cấp dịch vụ: Cơ quan nhà nước không có chức năng kinh doanh, vì vậy tham gia vào dịch vụ này là chưa phù hợp;
- Về chi phí định danh và xác thực điện tử: Theo giải trình tại Tờ trình thì “người dân sẽ không phải trả phí sử dụng dịch vụ định danh và xác thực điện tử để thực hiện dịch vụ hành chính công”. Giải trình này đã được hiện thực hóa tại khoản 2 Điều 28 Dự thảo đối với trường hợp cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ này. Còn dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp, Dự thảo lại không có quy định nào liên quan đến chi phí sử dụng dịch vụ. Như vậy, với việc không quy định về vấn đề này trong trường hợp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thì chi phí cung cấp dịch vụ có thể do doanh nghiệp tự đặt ra. Điều này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các bên cung cấp dịch vụ.
Mặt khác, xét về tính hợp lý, lĩnh vực cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử được xác định là một ngành nghề kinh doanh, quan điểm doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này sẽ phải cung cấp miễn phí cho người sử dụng (và không có cơ chế Nhà nước hoàn trả cho chi phí này) là can thiệp vào quyền kinh doanh và ảnh hưởng đáng kể đến quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp (doanh nghiệp bỏ chi phí đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực để cung cấp dịch vụ nhưng lại không được thu phí người sử dụng. Điều này sẽ gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp).
Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo:
- Xác định lại chủ thể cung cấp dịch vụ (cần bỏ cơ quan nhà nước ra khỏi chủ thể cung cấp dịch vụ);
- Về chi phí định danh và xác thực điện tử: “dịch vụ định danh và xác thực điện tử” không thuộc danh mục phí và lệ phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí 2015 và không thuộc dịch vụ quản lý giá của Luật Giá 2012 vì vậy mức phí định danh và xác thực điện tử phải do các bên thỏa thuận.
- Về quy trình định danh điện tử và xác thực điện tử trong dịch vụ hành chính công trực tuyến
Điều 10 Dự thảo quy định về quy trình định danh điện tử và xác thực điện tử trong dịch vụ hành chính công trực tuyến, tuy nhiên quy trình này cần được xem xét ở các điểm sau:
- Thủ tục định danh điện tử: theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10 thì khi truy cập trang, cổng thông tin dịch vụ hành chính công trực tuyến, người sử dụng phải lựa chọn tổ chức cung cấp định danh điện tử trong danh sách do tổ chức cung cấp nên tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử cung cấp, để đăng nhập hoặc đăng ký.
Dự thảo không quy định thủ tục đăng ký hoặc đăng nhập của người sử dụng với tổ chức cung cấp định danh điện tử. Đây là thủ tục quan trọng, cung cấp thông tin định danh cho các tổ chức cung cấp định danh điện tử và tổ chức cung cấp chứng thư xác thực và từ các thông tin này để thực hiện các bước tiếp theo. Để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề này ngay tại Dự thảo.
- Mức độ bảo đảm của danh tính: Theo quy định tại Điều 6 Dự thảo có ba mức độ bảo đảm của danh tính điện tử. Trong quy trình định danh điện tử và xác thực điện tử trong dịch vụ hành chính công trực tuyến, quy định tại Dự thảo không rõ là “kết quả xác thực” của tổ chức chức cung cấp định danh điện tử là ở cấp độ mấy? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về vấn đề này.
- Mối quan hệ giữa người đăng ký sử dụng dịch vụ với tổ chức cung cấp định danh điện tử và tổ chức cung cấp chứng thư xác thực
Khoản 1 Điều 12 Dự thảo quy định tổ chức cung cấp định danh điện tử kiểm tra thông tin định danh của người (là cá nhân, tổ chức) đăng ký sử dụng dịch vụ, trong đó có “xác minh dựa trên bằng chứng mà cá nhân, tổ chức cung cấp”.
Khoản 1 Điều 13 Dự thảo quy định tổ chức cung cấp chứng thư xác thực kết hợp với tổ chức cung cấp định danh điện tử cấp chứng thư xác thực cho người sử dụng “sau khi kiểm tra thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp chứng thư xác thực của người sử dụng, bảo đảm là chính xác với thông tin trong giấy tờ nhân thân của người sử dụng”.
Theo các quy định trên thì:
- Người sử dụng thực hiện thủ tục đăng ký sử dụng dịch vụ với tổ chức cung cấp định danh điện tử để tạo lập thông tin định danh.
- Người sử dụng thực hiện thủ tục đề nghị cấp chứng thư xác thực với tổ chức cung cấp chứng thư xác thực.
Dự thảo chưa quy định rõ các điểm sau:
- Đối với hai thủ tục trên thì người sử dụng phải cung cấp các thông tin để định danh cho từng tổ chức hay là giữa hai tổ chức có sự trao đổi thông tin với nhau?
- Nếu ở trên là hai thủ tục riêng biệt thì trình tự thủ tục như thế nào? Hay là do theo quy trình riêng của mỗi tổ chức đặt ra?
Để đảm bảo tính minh bạch và thuận lợi trong quá trình triển khai, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên ngay tại Dự thảo.
- Một số góp ý khác
- Về tạm dừng, thu hồi chứng thư xác thực:
Theo quy định tại điểm a khoản 3, điểm a khoản 4 Điều 13 Dự thảo thì chứng thư xác thực bị tạm dừng, thu hồi trong trường hợp “khi có yêu cầu của cơ quan công an hoặc Bộ Thông tin và Truyền thông”. Quy định này là chưa đủ rõ ràng về trường hợp bị thu hồi, tạm dừng và sẽ có nguy cơ bị lạm dụng gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức;
- Về nghĩa vụ của tổ chức cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử
Điểm b khoản 1 Điều 24 Dự thảo quy định tổ chức cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử phải “báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Quy định này là chưa đủ rõ ràng về thời hạn báo cáo (định kỳ hàng năm, 06 tháng hay hàng quý?); trường hợp gửi báo cáo đột xuất; cơ quan nhà nước nào có quyền yêu cầu? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các vấn đề này theo hướng tinh giản thủ tục báo cáo.
Trên đây là một số ý kiến tổng hợp ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.