VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 44/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loạt tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 261/2016/TT-BTC và Thông tư sửa đổi Thông tư 263/2016/TT-BTC
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan
Kính gửi: Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 6320/TCHQ-PC của Tổng cục Hải quan về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến ban đầunhư sau:
- Vi phạm quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan, nộp hồ sơ thuế (Điều 7)
Khoản 3 Điều 7 Dự thảo quy định xử phạt hai hành vi “không thông báo” và “thông báo không đúng thời hạn”[1]vào một khung xử phạt là chưa hợp lý, bởi vì tính chất của hai hành vi vi phạm này khác nhau (“không thông báo” là hoàn toàn không thực hiện nghĩa vụ, “thông báo không đúng thời hạn” là có thực hiện nghĩa vụ nhưng chưa đúng), do đó mức xử phạt phải khác nhau.
Để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảoquy định hai hành vi “không thông báo”, “thông báo không đúng thời hạn” ở hai khung xử phạt khác nhau.
Góp ý tương tự đối với các hành vi “không cung cấp”, “cung cấp không đầy đủ, đúng thời hạn” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 11.
- Vi phạm quy định về khai hải quan (Điều 8)
- Khoản 4 Điều 8 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “khai khống về tên hàng, số lượng, …”. Khái niệm “khai khống” là chưa rõ, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về giải thích cụm từ này;
- Khoản 5 Điều 8 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “vi phạm chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”. Quy định này có phạm vi quá rộng và chung chung. Điều này có thể tạo ra rủi ro cho các doanh nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm bất kì lúc nào, vì lý do khá mơ hồ này. Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảoquy định cụ thể các chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Góp ý tương tự đối với điểm a khoản 1 Điều 11 Dự thảo.
- Vi phạm quy định về khai hải quan của người xuất cảnh, nhập cảnh đối với ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, công cụ chuyển nhượng, vàng, kim loại quý, đá quý (Điều 10)
Khoản 1, 2 Điều 10 Dự thảo quy định về hành vi vi phạm khi kê khai số ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh. Quy định này được hiểu sẽ áp dụng chung cho tất cả các trường hợp xuất cảnh, nhập cảnh.
Khoản 4 Điều 10 Dự thảo quy định xử phạt đối với “người xuất cảnh, nhập cảnh bằng giấy thông hành hoặc giấy chứng minh thư biên giới mang theongoại tệ tiền mặt thuộc diện không được mang theo”. Hành vi này đã nằm trong các hành vi quy định tại khoản 1, 2. Điều này có thể khiến cho một hành vi có thể bị xử phạt ở hai khung khác nhau.
Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảosửa đổi quy định tại khoản 1, 2 Điều 10 theo hướng ngoại trừ hành vi quy định tại khoản 4 Điều 10.
- Miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, trình tự thủ tục và thẩm quyền miễn, giảm tiền phạt (Điều 27)
- Về hồ sơ miễn, giảm
Theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Dự thảo thì trong hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính phải có:
- (1) Bản sao có xác nhận công chứng về bồi thường thiệt hại, về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh của cơ quan bảo hiểm trường hợp thiệt hại về tài sản, chữa bệnh được cơ quan bảo hiểm bồi thường (điểm b khoản 3);
- (2) Xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc nơi có tài sản bị thiệt hại. Trường hợp cá nhân bị bệnh hiểm nghèo phải có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh; chi phí khám, chữa bệnh có đầy đủ chứng từ quy định (điểm c khoản 3).
Quy định trên cần được xem xét ở một số điểm sau:
- Việc yêu cầu cùng một lúc hai loại tài liệu (1), (2) là chưa hợp lý và chưa rõ ràng, bởi vì chi phí khám, chữa bệnh có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh là chi phí thực tế mà người bệnh phải chi trả. Chi phí này trong nhiều trường hợp lớn hơn chi phí do cơ quan bảo hiểm chi trả (tùy thuộc vào giá trị bảo hiểm và thỏa thuận của các bên về phạm vi, trách nhiệm bảo hiểm). Việc yêu cầu cả hailoại tài liệu này để xác định chi phí chữa bệnh khiến cho quy định trở nên thiếu rõ ràng, cơ quan nhà nước sẽ căn cứ vào tài liệu do cơ quan bảo hiểm chi trả hay là chi phí thực tế mà người bệnh phải chi trả?
Hơn nữa, việc đề nghị miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính phải dựa trên mức độ khó khăn, thiệt hại của người đề nghị, tức là phải dựa trên các chi phí thiệt hại thực tế. Tài liệu chi trả của cơ quan bảo hiểm không phản ánh được chi phí này, vì vậy yêu cầu phải có tài liệu này là chưa hợp lý, tạo gánh nặng về thủ tục cho người đề nghị.
- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú và nơi có tài sản bị thiệt hại sẽ xác nhận về vấn đề gì? Xác nhận có sự thiệt hại về tài sản hay là xác nhận về giá trị tài sản bị thiệt hại?
Để đảm bảo tính minh bạch và hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo:
- Bỏ quy định tại điểm b khoản 3 Điều 27
- Quy định rõ về nội dung Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận
- Về trường hợp không miễn, giảm
Khoản 5 Điều 27 Dự thảo quy định “Không miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp đã thực hiện xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan”.
Quy định này là chưa hợp lý, bởi vì mục tiêu của quy định miễn, giảm tiền phạt xuất phát từ yếu tố nhân đạo khi người được miễn, giảm gặp hoàn cảnh khó khăn do thiệt hại về tài sản, hàng hóa, chi phí chữa bệnh. Việc họ đã thực hiện xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính không có nghĩa họ không bị thiệt hại về tài sản hay sức khỏe và sử dụng căn cứ này để không cho họ được miễn, giảm tiền phạt dường như đi ngược lại mục tiêu của quy định này.
Để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảocân nhắc bỏ quy định trên và chỉ giữ lại trường hợp không được miễn giảm khi đã hết thời hiệu giải quyết khiếu nại.
- Thủ tục thực hiện biện pháp kê biên tài sản (Điều 54)
Khoản 5 Điều 54 Dự thảo quy định “Chỉ kê biên những tài sản thuộc sở hữu chung của cá nhân bị cưỡng chế với người khác nếu cá nhân bị cưỡng chế không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thi hành quyết định cưỡng chế. Trường hợp tài sản có tranh chấp thì vẫn tiến hành kê biên và giải thích cho những người cùng sở hữu tài sản kê biên về quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự”.
Quy định này cần được xem xét ở một số điểm sau:
- Quy định này ảnh hưởng đáng kể đến quyền sở hữu của những người sở hữu chung tài sản với người bị kê biên tài sản. Xét bản chất, thì cơ quan nhà nước chỉ được kê biên phần giá trị tài sản thuộc sở hữu của người bị cưỡng chế, còn phần giá trị tài sản thuộc những người sở hữu chung khác không được quyền can thiệp. Dự thảo không có quy định nào xử lý để đảm bảo quyền lợi của những người sở hữu chung khác (ví dụ: sau khi tài sản chung bị kê biên, bán đấu giá thì giá trị sau khi bán của tài sản thuộc phần sở hữu chung của các chủ sở hữu khác phải được hoàn trả lại).
- Quy định “trường hợp tài sản có tranh chấp thì vẫn tiến hành kê biên và giải thích cho người cùng sở hữu tài sản kê biên về quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự” là chưa hợp lý. Bởi vì, có trường hợp tài sản đang tranh chấp và chưa xác định được quyền sở hữu thuộc ai. Việc vẫn kê biên tài sản này sẽ xảy ra trường hợp cơ quan nhà nước sẽ kê biên không đúng đối tượng, gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của người không vi phạm.
Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của những chủ sở hữu chung tài sản bị kê biên, đề nghị Ban soạn thảo:
- Quy định xử lý trường hợp hoàn trả phần giá trị tài sản bị kê biên của các người sở hữu chung khác
- Không kê biên tài sản trong trường hợp tài sản đang tranh chấp về quyền sở hữu.
- Một số góp ý khác
- Về xử phạt đối với tổ chức tín dụng và tổ chức, cá nhân liên quan (Điều 18):quy định này thiếu biện pháp khắc phục hậu quả, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung;
- Về các biện pháp cưỡng chế:Theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 30 Dự thảo thì “thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” là một trong các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế. Tuy nhiên theo quy định tại Điều 211 Luật Doanh nghiệp thì không đóng tiền phạt vi phạm về quản lý thuế không phải là một trong các trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đề nghị Ban soạn thảoxem xét vấn đề này để đảm bảo tính thống nhất;
- Thủ tục gửi văn bản yêu cầu, thông báo, quyết định cưỡng chế đến đối tượng bị cưỡng chế, tổ chức, cá nhân có liên quan (Điều 37):Khoản 2 Điều 37 Dự thảo chưa quy định về thời điểm nào được cho là nhận được thông báo, quyết định cưỡng chế khi thực hiện gửi bằng thư bảo đảm qua dịch vụ bưu chính. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1]“Không thông báo bổ sung, thông báo bổ sung không đúng thời hạn quy định thông tin khi có sự thay đổi cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu; nơi lưu giữ nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, sản phẩm xuất khẩu”; “không thông báo, thông báo không đúng thời hạn quy định về định mức thực tế của lượng sản phẩm đã sản xuất”