VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 261/2016/TT-BTC và Thông tư sửa đổi Thông tư 263/2016/TT-BTC
Kính gửi: Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 11592/BTC-CST của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 261/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải và Thông tư số 17/2017/TT-BTC ngày 28/02/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí hàng hải (sau đây gọi tắt là Dự thảo 1) và Công văn số 12181/BTC-CST của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 263/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp (sau đây gọi tắt là Dự thảo 2), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Về việc thay đổi tỷ lệ % số tiền phí thu được để lại cho đơn vị thu
Theo quy định tại hai Dự thảo thì tỷ lệ % số tiền phí thu được để lại cho tổ chức thu phí được điều chỉnh giảm so với quy định hiện hành.
Hiện tại, Bộ Tài chính đang chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 120/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí trong đó điều chỉnh lại việc để lại tiền phí cho các tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước theo hướng, phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách nhà nước trừ cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Như vậy, theo định hướng sửa tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 120 thì 100% tiền phí do cơ quan nhà nước thu (trừ cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) sẽ nộp vào ngân sách nhà nước. Nghị định này dự định có hiệu lực từ 01/01/2021.
Như vậy, các điều khoản về tỷ lệ % tiền phí thu được trích nộp vào ngân sách nhà nước ở các Dự thảo sẽ chỉ có hiệu lực trong khoảng thời gian từ khi có Thông tư này dự định có hiệu lực cho đến 31/12/2020, tức là khoảng 01 năm. Việc sửa đổi liên tục các Thông tư về phí sẽ làm cho chính sách pháp luật trở nên thiếu ổn định và gây khó khăn cho các đối tượng áp dụng trong việc tìm kiếm và tra cứu.
Để đảm bảo tính minh bạch và ổn định trong chính sách, đề nghị Ban soạn thảo giải trình thêm về việc tại sao lại điều chỉnh tỷ lệ % tiền phí của các cơ quan nhà nước thu được để lại và nộp vào ngân sách nhà nước trong thời điểm này, trong khi một thời gian ngắn nữa sẽ lại phải điều chỉnh để phù hợp với Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 120/2016/NĐ-CP.
- Góp ý Dự thảo 1
Khoản 9 Điều 1 Dự thảo 1 bổ sung khoản 7 Điều 14 Thông tư 261/TT-BTC về việc “Tàu thuyền mang cấp đăng kiểm VRH-III có tổng dung tích dưới 500 GT vào, rời khu vực hàng hải không phải nộp phí bảo đảm hàng hải đến hết ngày 31/12/2024. Từ ngày 01/01/2025 áp dụng mức thu phí bảo đảm hàng hải theo quy định tại khoản 1 Điều này”.
Điều 14 Thông tư 261/2016/TT-BTC quy định về phí sử dụng neo, đậu tại khu nước, vùng nước, không hiểu tại sao lại bổ sung quy định liên quan đến việc nộp phí bảo đảm hàng hải, trong khi nội dung này đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 1 Dự thảo? Đề nghị Ban soạn thảo giải trình về vấn đề này, nếu là lỗi kỹ thuật soạn thảo văn bản, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại để đảm bảo thống nhất với nội dung của Điều 14 Thông tư 261/2016/TT-BTC.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 261/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải và Thông tư số 17/2017/TT-BTC ngày 28/02/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí hàng hải và Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 263/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.