Mức khởi điểm chịu thuế TNCN bằng 10 lần lương tối thiểu

Thứ Hai 16:50 24-01-2011

Theo Bộ Tài chính, từ nay đến hết quý I.2011, Vụ Chính sách thuế tập trung lấy ý kiến đóng góp liên quan đến mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) để có những chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tế. Bởi theo tính toán, với mức trượt giá hằng năm như hiện nay (năm 2009 là 6,88%, năm 2010 là 11,75%) thì mức khởi điểm chịu thuế 4 triệu đồng/tháng hay mức giảm trừ cho người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng được áp dụng từ năm 2009 không còn phù hợp. Cũng theo Bộ Tài chính, đại bộ phận cán bộ công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước và người làm công ăn lương tại doanh nghiệp (DN) trong nước phải nộp thuế không nhiều. Nguồn thu lớn nhất tập trung ở bộ phận người nước ngoài làm việc ở Việt Nam, người Việt Nam làm việc tại DN nước ngoài (chủ yếu ở vị trí quản lý) và nhóm một số ngành đặc thù như dầu khí, ngân hàng... Nguồn thu từ đối tượng là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam chiếm 70%, từ đối tượng làm công ăn lương chiếm 20%, còn lại là hộ kinh doanh (tại nhiều địa phương, đối tượng này chỉ chiếm 5%-6% tổng thu thuế TNCN). Những người hành nghề tự do như ca sỹ, nghệ sỹ, mặc dù có những ngôi sao nộp thuế vài trăm triệu đồng/năm nhưng tính chung, khu vực này có mức nộp thuế TNCN không đáng kể.

Cùng với việc điều chỉnh mức khởi điểm chịu thuế, ngưỡng giảm trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng/người phụ thuộc/tháng có thể xem xét để sửa đổi theo hướng nâng lên tương ứng với 3 lần lương tối thiểu...

Đóng góp cho việc sửa đổi luật thuế mới, một số chuyên gia cho rằng, trong năm 2011, lương tối thiểu được điều chỉnh từ 730 ngàn đồng/tháng lên 830 ngàn đồng, do đó, mức giảm trừ gia cảnh phải trên 6,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, một số nội dung liên quan đến các khoản trợ cấp cho những người làm công tại khối doanh nghiệp như trợ cấp ốm đau cho người thân, trợ cấp đi học nghiệp vụ đã được Bộ Tài chính gửi văn bản xin ý kiến các cơ quan có liên quan là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ LĐ-TB và XH nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Theo thống kê từ Tổng cục Thuế, tính đến tháng 12.2010, cả nước có trên 11 triệu tổ chức, cá nhân đăng ký, kê khai nộp thuế. Trong đó, cá nhân nằm trong diện chịu thuế thu nhập cá nhân vào khoảng 7,2 triệu. Năm 2010, có khoảng 3 triệu mã số thuế được cấp cho các cá nhân, đơn vị nằm trong diện nộp thuế, với mã số thuế thu nhập cá nhân chiếm khoảng 90,5%.  Cũng tính đến cuối tháng 12.2010, có khoảng hơn 65,9 nghìn người nằm trong diện đóng thuế tạm dừng kinh doanh; số khác ngừng hoạt động vào khoảng 1,27 triệu người. Do đó, một phương án khác cũng được đặt ra là sẽ hạ bậc thuế. Theo biểu thuế hiện hành, bậc cao nhất là 35% được áp dụng cho mức thu nhập 85 triệu đồng để điều tiết người có thu nhập cao. Theo phương án của Bộ Tài chính, có thể giảm thuế suất này xuống 30% hoặc 32% là hợp lý với thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đối với bậc thuế cao nhất này, các nước thường áp mức 33%, tương đương 1/3 tổng thu nhập của người chịu thuế. Bậc thuế thấp nhất là 5% đối với mức thu nhập chịu thuế 5 triệu đồng/tháng sẽ được điều chỉnh xuống khoảng 1%-2%.

Về thời điểm, chương trình nghị sự sửa đổi, bổ sung các quy định của luật trong năm 2011 đã được Quốc hội thông qua không có chương trình sửa đổi Luật Thuế TNCN. Ở kế hoạch dài hạn hơn, trong Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2020 đã được UBTVQH chấp thuận cũng không có cơ quan nào đề xuất sửa đổi Luật Thuế TNCN. Tuy nhiên, theo quy trình làm luật hiện nay, có vấn đề chưa đưa vào chương trình nghị sự nhưng nếu thấy cấp bách, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, Chính phủ vẫn có thể trình Quốc hội bàn bạc và thông qua ngay tại một kỳ họp.

Hải Anh
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân

Các văn bản liên quan