Nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân

Thứ Hai 15:42 24-01-2011

Thời điểm áp dụng Luật Thuế TNCN, thu nhập bình quân đầu người là 1,5 triệu đồng/người/tháng. Đến nay sau hai năm áp dụng, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 2 triệu đồng/người/tháng. Nhiều ý kiến cho rằng, mức khởi điểm chịu thuế đã trở nên quá lạc hậu, nhất là trong tình hình hiện nay, hầu hết các mặt hàng thiết yếu đều tăng giá, lạm phát vượt mức 2 con số.

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) quy định các cá nhân nằm trong diện chịu thuế được giảm trừ tối đa cho mình 4 triệu đồng một tháng, tương đương với 48 triệu đồng mỗi năm. Còn các cá nhân phụ thuộc như cha mẹ, người già, người tàn tật, vợ hay con nhỏ dưới 18 tuổi... là 1,6 triệu đồng một tháng.

Điều này có nghĩa, người chịu thuế sau khi chiết giảm cho cá nhân mình 4 triệu đồng mỗi tháng và 1,6 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc, khoản tiền dôi dư còn lại mới bắt đầu tính thuế. Như vậy, nếu một người có thu nhập 5 triệu đồng/tháng, không có người phụ thuộc, thì sau khi trừ 4 triệu đồng cho bản thân, số tiền 1 triệu đồng còn lại sẽ phải chiết khấu 5% để đóng thuế TNCN. Phần thu nhập ở mức cao hơn sẽ phải đóng thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần, gồm bảy bậc, thuế suất dao động từ 5-35%. Nếu có người phụ thuộc, mức giảm trừ nâng từ 4 triệu lên 5,6 triệu cho 1 người. Nếu có nhiều người phụ thuộc, mức thu nhập lên đến 10 triệu đồng thậm chí cao hơn chưa chắc đã phải đóng thuế.

Tuy nhiên, thời điểm áp dụng Luật Thuế TNCN, thu nhập bình quân đầu người là 1,5 triệu đồng/người/tháng. Đến nay sau hai năm áp dụng, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 2 triệu đồng/người/tháng. Nhiều ý kiến cho rằng, mức khởi điểm chịu thuế đã trở nên quá lạc hậu, nhất là trong tình hình hiện nay, hầu hết các mặt hàng thiết yếu đều tăng giá, lạm phát vượt mức 2 con số.

Về vấn đề này, ông Cao Sỹ Kiêm - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa - cho rằng thuế biểu hiện thu nhập, sự đóng góp của người dân. Thu nhập thay đổi thì đóng góp cũng cần phải thay đổi để kích thích ý thức đóng góp, làm ăn của người dân. Người có thu nhập mà không đóng là rất không hợp lý, nhưng thu nhập và chất lượng cuộc sống giảm mà mức thuế không thay đổi cũng không hợp lý.

"Nếu trong điều kiện bình thường, chỉ số CPI khoảng 5% thì mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân hiện hành có thể vẫn còn tính hợp lý, tuy nhiên, năm nay CPI đã ở mức 11,75%, cao so với nước ta và thế giới", ông Kiêm khẳng định.

Cùng với mức khởi điểm chịu thuế quá thấp, người nộp thuế còn thiệt thòi vì khoảng cách giữa các bậc thuế theo biểu lũy tiến từng phần quá dày: phần thu nhập tính thuế từ 1 triệu đến 5 triệu: 5%; từ 5-10 triệu đồng: 10%; từ 10-18 triệu đồng: 15%; từ 18-32 triệu đồng: 20%; từ 32-52 triệu đồng: 25%; từ 52-80 triệu đồng: 30% và từ 80 triệu đồng trở lên: 35%. Như vậy, khoảng cách giữa bậc 1 (thuế suất 5%) và bậc 2 (thuế suất 10%) cách nhau chỉ 5 triệu đồng, chênh lệch giữa bậc 2 và bậc 3 (thuế suất 15%) là 8 triệu đồng. Tính ra, một người thu nhập 10 triệu đồng/tháng phải nộp thuế bậc 2 là 10%, tương đương với 550 nghìn đồng/tháng.

Ông Ngô Đình Quang, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế TNCN, Tổng cục Thuế cho rằng một trong những mục tiêu của Chính phủ trình ra Quốc hội để ban hành Luật thuế TNCN là phải mở rộng diện đối tượng nộp thuế và thu nhập chịu thuế so với Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao trước đây. Tuy nhiên, khi xây dựng Luật Thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương tiền công đã xem xét đến yếu tố giảm trừ gia cảnh, tức là giảm trừ cho bản thân người lao động (NLĐ), cũng như cho người phụ thuộc mà NLĐ phải nuôi dưỡng.

Ông Quang khẳng định đại bộ phận cán bộ công chức hưởng lương từ NSNN và NLĐ ở trong DN thì hầu như không phải nộp thuế TNCN, chỉ một số NLĐ làm việc trong DN có vốn đầu tư nước ngoài, một số ngân hàng, một số DN thuộc lĩnh vực dầu khí mới phải chịu thuế TNCN.

Ông Vũ Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết: "Các ý kiến về Luật Thuế thu nhập cá nhân chúng tôi sẽ lắng nghe. Trên cơ sở phân tích tình hình thực tế, xem xét toàn diện các vấn đề, nếu thấy cần thiết phải trình sửa luật thì chúng tôi sẽ trình. Còn hiện tại, Bộ Tài chính chưa có chủ trương sửa luật thuế này"

(Nguồn: CAND, 31/12)

Các văn bản liên quan