Góp ý của Đại biểu Quốc hội Quách Cao Yềm – Kon Tum
Kính thưa Quốc hội,
Dự án Luật Lưu trữ lần này Quốc hội cho ý kiến, trong thảo luận tổ tôi đã có ý kiến về vấn đề chung cũng như một số vấn đề cụ thể, hôm nay phát biểu ở Hội trường, tôi xin phát biểu quan điểm cá nhân của tôi về hai vấn đề sau:
Thứ nhất, ý kiến của Chính phủ về những ý kiến còn khác nhau. Trước tôi thì tôi thấy đại biểu Hồng Anh - Hà Nội mặc dù bình luận về phông lưu trữ thôi, nhưng có hàm ý nói về điều này. Ở đây, đại biểu đề xuất 2 phương án, 2 phương án này đụng chạm đến phạm vi điều chỉnh của dự án luật. Nếu theo phương án thứ nhất nghiêng về nội dung trong dự án này thì theo hướng thứ nhất, còn nếu như mà không nhập theo hệ thống thì theo phương án thứ hai chỉ điều chỉnh phông lưu trữ của Nhà nước. Cho nên vấn đề đó cũng liên quan đến phạm vi điều chỉnh. Theo tôi, khi đọc Tờ trình của Chính phủ ở điểm này thì cũng phân vân, suy nghĩ và thấy bản thân mình cũng đầy mâu thuẫn. Kiến thức của tôi còn nông cạn về lĩnh vực lưu trữ cho nên phát biểu ý kiến của cá nhân như sau.
Trước hết, tôi thấy quan điểm chỉ đạo trong Tờ trình của Chính phủ nêu là thể chế hóa quan điểm chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động lưu trữ. Tôi cho rằng quan điểm này chưa hoàn chỉnh. Trước hết là quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng pháp luật nói chung, trong đó có hoạt động lưu trữ. Sở dĩ tôi nêu vấn đề này là vì tôi đọc luật này tôi có suy nghĩ nếu như mình đặt vấn đề chung lợi ích quốc gia toàn cục lên và vì lợi ích nhân dân, thì thấy việc xử lý công tác quản lý Nhà nước và hệ thống cơ quan lưu trữ sẽ dễ hơn như một đại biểu đã phát biểu trước tôi là khi ta hợp nhất Học viện Chính trị quốc gia và Học viện Hành chính quốc gia. Trước đây, trong lịch sử nước ta có những lúc ta muốn phát triển ngành Nông nghiệp lớn thì ta nhập các tỉnh lại, sau này thấy trình độ quản lý chưa đủ thì ta lại tách ra. Thực ra mô hình tổ chức bộ máy Nhà nước ta đặc thù, cho nên cũng chưa có mô hình nào, chúng ta phải tìm kiếm, đó là chuyện bình thường. Nhưng tôi thấy có chủ trương, quan điểm của Đảng hiện nay đã định ra là có tư tưởng nhất thể hoá chức năng. Tôi cho rằng cũng giống như 2 học viện thì lĩnh vực lưu trữ là lĩnh vực hoạt động chuyên môn, mà lưu trữ là tài sản quốc gia phải thống nhất thì không lý gì chúng ta không làm được việc này. Cho nên tôi đọc Tờ trình của Chính phủ tôi thấy phân vân, không biết ý kiến chính thức Chính phủ họp kết luận như thế hay như thế nào mà ở đây chỉ có công văn của Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương. Cho nên tôi đề nghị riêng đối với luật này Trung ương Đảng và Ban cán sự Chính phủ phải có chỉ đạo riêng trong tư tưởng xây dựng luật này. Tôi cho rằng lĩnh vực này là lĩnh vực mà chúng ta có thể làm được. Hoạt động lưu trữ là nhiệm vụ, Đảng lãnh đạo toàn diện đất nước, Nhà nước phải quản lý thống nhất tài liệu quốc gia này. Theo như mục đích tài liệu vị trí, ý nghĩa của tài liệu, tức là nó có ý nghĩa lịch sử, là ý nghĩa lâu dài, trong đó bao gồm rất nhiều nội dung, tài liệu, không riêng gì cơ quan Nhà nước, cơ quan quân đội, cơ quan Đảng hay cơ quan nào. Tính chất của tài liệu như thế thì không thể gì chúng ta lại không thiết kế được một mô hình quản lý, một mô hình tổ chức thực hiện.
Ở đây tôi thấy rằng phông lưu trữ nếu như ta thiết kế hiện nay tôi cứ tưởng tượng phông tức là một biện pháp nghiệp vụ để chúng ta xếp cho dễ quản lý, hiệu chỉnh hoặc giữ, thu thập, cũng như 2 cái tủ bên của Đảng, bên của Nhà nước trên cái tủ của quốc gia, nhưng thực ra khái niệm tủ quốc gia hiện nay là rỗng, không có. Nếu như cách viết phông như thế này thì phông lưu trữ Quốc gia là một khái niệm ảo, trong ruột tủ này không có tài liệu. Chúng ta phải tính rằng kể cả phông của Đảng, kể cả phông của Nhà nước nhưng có những tài liệu mà trong thực tiễn ngày nay hoạt động của Đảng, của các vị nhiều khi ở Nhà nước cũng có, không tách biệt được ra, tại sao chúng ta không thiết kế dồn lại. Đó là quan điểm thứ nhất của tôi.
Thứ hai, về Hội đồng xác định giá trị lưu trữ, tôi thấy quy định ở đây là chưa đạt, nếu như thiết kế nó làm Hội đồng tư vấn theo xu hướng chung là không nên đưa vào luật. Nhưng tôi cho rằng đối với tài liệu lưu trữ quốc gia có ý nghĩa đặc biệt, có rất nhiều tài liệu ở các chuyên ngành khác nhau, phải có chuyên gia để đánh giá nó, xác định nó. Việc xác định này cũng có thể có lúc theo yêu cầu đột xuất, có lúc có thể theo kế hoạch, theo định kỳ cho nên tôi đề nghị phải quy định làm sao Hội đồng có được thẩm quyền, có nhiệm vụ. Thành phần thì tùy theo từng cấp, cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện hoặc là theo yêu cầu của ngành, chúng ta quy định thành phần về mặt nguyên tắc và giao cho Chính phủ cụ thể. Sau này khi cần thủ trưởng cơ quan của từng cơ quan lưu trữ cho đến cấp quốc gia khi cần thiết chúng ta sẽ có một hội đồng và hội đồng này phải có trách nhiệm trong ý kiến thẩm định của mình. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn.