Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phát – Thanh Hoá

Thứ Hai 09:48 22-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội và Báo cáo tiếp thu, giải trình một số ý kiến thảo luận tại tổ vừa qua về Luật đo lường, chúng tôi thấy còn nhiều vấn đề mà Ban soạn thảo cũng cần phải nghiên cứu để làm thế nào đó chúng ta có thể tiếp thu một cách đầy đủ nhất, nhưng nó cũng đảm bảo tính khoa học và khả năng thực tiễn đặt ra trong điều kiện hiện nay. Và qua đây chúng tôi cũng thấy nhiều vấn đề là ngay cả đại biểu Quốc hội chúng ta hiểu chưa thống nhất, đề nghị Ban Soạn thảo cần phải nghiên cứu kỹ các văn bản này để làm sao tiếp thu cho tốt. Về cá nhân, tôi xin tham gia 3 ý kiến.

Thứ nhất là về chuẩn đo lường thì hiện nay chuẩn đo lường của chúng ta được quản lý với nhiều hình thức là chuẩn quốc gia được quản lý tại Trung tâm đo lường Việt Nam và tại 3 trung tâm kỹ thuật và tiêu chuẩn đo lường của đất nước.

Thứ hai là chuẩn đo lường của các bộ, ngành của địa phương tại các Trung tâm đo lường của quân đội, bưu điện và một số Viện, một số địa phương cũng được giao để làm nhiệm vụ trang bị và quản lý tiêu chuẩn này. Hiện nay, chúng tôi thấy sự phân cấp về quy hoạch chuẩn và phân cấp về quản lý thị trường rõ ràng và nó đảm bảo một sự quản lý chặt chẽ. Vì vậy, tôi đồng tình với những quy định và vấn đề yêu cầu về hệ thống chuẩn, về quy định quản lý đo lường đối với chuẩn quốc gia, chuẩn chính, chuẩn công tác và được quy định ở trong Điều 9, Điều 10, Điều 11 và Điều 12 trong dự thảo và quy định như vậy là phù hợp và chắc là trong tương lai thì chuẩn đó có bước tiến bộ hơn. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị Ban Soạn thảo cần nghiên cứu một số điều sau. Ở Điều 11 và Điều 12, ở Điều 11 thì cần có quy định bổ sung căn cứ vào điều kiện cụ thể ở nước ta thì cơ quan quản lý chuẩn quốc gia phải quy định rõ là cơ quan nào. Nếu quy định như Khoản 4, Điều 11 như vậy thì không đảm bảo tính chất pháp lý cao nhất của chuẩn quốc gia. Tôi đề nghị cơ quan quản lý chuẩn quốc gia ở nước ta là Viện đo lường quốc gia và như vậy nó cũng đồng nghĩa đây là một hoạt động của đơn vị sự nghiệp với khả năng về khoa học cao nhất về đo lường để có thể đảm bảo thực hiện chức năng này. Ngoài ra, có thể đặt ở các trung tâm đo lường khu vực 1, khu vực 2, khu vực 3, nhưng đó cũng được coi là các cơ quan quản lý chuẩn quốc gia và đủ năng lực, điều kiện để thực hiện và thuộc Bộ khoa học và công nghệ.

Ở Điểm đ, Khoản 4 quy định cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường chỉ định tổ chức, cơ quan giữ chuẩn quốc gia. Quy định như thế này vẫn chưa rõ. Tôi đề nghị phải quy định rõ cơ quan nào chỉ định. Theo dự thảo, chúng tôi thấy trong đó có một khoản quy định là Chính phủ sẽ phê duyệt quy hoạch về phát triển chuẩn quốc gia và như vậy trong quy hoạch này thì có quy định hay không, nếu không quy định thì tôi đề nghị quy định thẳng trong đây là giao việc này cho Bộ Khoa học và công nghệ.

Ở Điều 12, tôi tán thành với việc giao chuẩn chính và chuẩn công tác cho các viện nghiên cứu, các trung tâm khoa học và các doanh nghiệp cũng như các địa phương được thiết lập. Tuy nhiên, đối với chuẩn chính là chuẩn có độ chính xác cao, vì vậy các địa phương và các tổ chức muốn thiết lập cũng cần phải có quy định cụ thể vì trong điều luật chưa có quy định cụ thể về điều kiện để các tổ chức cũng như các địa phương có thể thiết lập hệ thống chuẩn này.

Ở Khoản 5, Điều 12 quy định về điều kiện hoạt động của các tổ chức hiệu chuẩn. Chúng tôi cho rằng điều kiện cơ sở vật chất của các tổ chức tham gia hoạt động đo lường, trong đó đặc biệt là khả năng đáp ứng được yêu cầu để thực hiện hiệu chuẩn ở nước ta rất hạn chế. Do đó công tác hiệu chuẩn chủ yếu tập trung ở Viện đo lường và các trung tâm đo lường. Các đơn vị này hiện nay gặp khó khăn, không đủ khả năng về con người và cơ sở vật chất để đáp ứng khả năng hiệu chuẩn về số lượng cũng như thời gian để đáp ứng cho nhu cầu quy định của pháp luật và thường kéo dài, nay luật quy định giao thêm quyền và mở rộng khả năng tham gia hoạt động xã hội hóa trong công tác này, chúng tôi tán thành. Tuy nhiên, trong Điều 5 thì quy định về chính sách phát triển của Nhà nước, tôi đề nghị phải tăng cường qui mô cho các cơ sở hiệu chuẩn bằng cách tăng về số lượng và tăng về khả năng để đảm bảo khả năng thực thi được nhiệm vụ mà trong dự thảo được qui định.

Về kiểm định phương tiện đo lường hiện nay ở nước ta hệ thống kiểm định phương tiện đo lường ở nước ta về số lượng thì rất đông, kể cả nhân viên cũng như các số lượng, các đơn vị, nhưng mà khả năng để đảm bảo thực hiện thì rất ít, năng lực chỉ đáp ứng yêu cầu rất thấp như các đại biểu trước đã nêu. Tôi nghĩ rằng chính sách xã hội hóa của chúng ta cần được đẩy mạnh và làm như vậy thì chúng ta có thể đáp ứng được các yêu cầu. Tuy nhiên ở đây chúng tôi đề nghị mấy vấn đề như thế này.

Thứ nhất, xác định loại phương tiện đo nào cần phải qua kiểm định. Thời gian kiểm đinh cho thật khoa học để tránh sự mâu thuẫn là danh mục phương tiện đo thì rất nhiều và khả năng kiểm định có hạn mà chúng ta không đáp ứng được yêu cầu làm cho tính minh bạch, tính nghiêm minh của pháp luật bị hạn chế.

Thứ hai, thời hạn kiểm định cũng phụ thuộc vào tính chất sử dụng và đặc tính kỹ thuật của từng loại phương tiện đo. Do đó cần được qui định kịp thời gian một cách chính xác để đảm bảo Nhà nước có đủ điều kiện để thiết lập các tổ chức kiểm định.

Thứ ba, phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa và công tác kiểm định phương tiện đo khi các tổ chức này có đủ năng lực và cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức về kiểm định nhằm thực hiện chính sách hóa tốt hơn.

Tôi đề nghị bỏ nội dung qui định về Điều 14 và đổi tên điều này thành các loại phương tiện đo lường pháp định và bổ sung thêm một điều là Điều 14a qui định về các loại phương tiện đo khác để làm rõ khái niệm và qui định các phương tiện đo khác có cần phải được quản lý và quản lý như thế nào.

Vấn đề thứ tư, một số điều cụ thể, ở Điều 16 quy định về quản lý đo lường đối với các phương tiện đo khác, tôi thấy nội dung quy định ở Khoản 1, Khoản 2 không thuộc phạm vi quản lý mà thuộc về chính sách khuyến khích hoặc khuyến cáo người sử dụng phương tiện đo. Vì vậy, nếu như chúng ta thực hiện quy định này mà người có phương tiện đo người ta không thực hiện việc kiểm định thì có sao không.

Thứ hai là kiểm định ở đâu và kiểm định như thế nào tùy thuộc vào họ chứ chúng ta không thể bắt buộc được. Nếu chúng ta đã quy định thành pháp luật cần phải có tính chất bắt buộc thì chúng ta mới đạt được mục tiêu của dự án luật đề ra. Tôi xin được tham gia một số ý kiến như vậy. Xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan