Góp ý của Đại biểu Quốc hội Võ Thị Dễ – Long An

Thứ Hai 09:44 22-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi hết sức tán thành về việc Chính phủ trình dự án Luật đo lường bởi vì như báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật đo lường thì hệ thống tổ chức kiểm định phương tiện đo của chúng ta hiện nay chỉ mới đạt 60% - 70% và còn từ 30% - 40% số phương tiện đo thuộc danh mục đã kiểm định, nhưng chưa được kiểm định theo quy định. Trong khi đó như chúng ta cũng đã biết các vi phạm quy định về đo lường đối với việc thực hiện phép đo như trong kinh doanh xăng dầu, đồng hồ tính tiền cước taxi, đồng hồ nước hoặc đồng hồ điện, trong lưu thông hàng hóa đóng gói sẵn có nơi có lúc còn vi phạm khá nghiêm trọng, với những hình thức hết sức tinh vi, phức tạp. Tôi đồng tình với Báo cáo thẩm tra và xin bổ sung một số ý như sau:

Trước tiên tôi quan tâm đến lĩnh vực đo lường chịu tác động của dự thảo luật này, tôi nghĩ rằng lĩnh vực đo lường liên quan đến sức khỏe con người như thực phẩm, dược phẩm, y tế nói chung là những vấn đề rất quan trọng và khá nhạy cảm, nhưng chưa được quy định cụ thể trong dự thảo lụât này. Do đó, tôi đề nghị xem xét, bổ sung những quy định chặt chẽ hơn đối với những phương tiện đo liên quan đến những lĩnh vực này. Cụ thể tại Điều 14, đề cập về các phương tiện đo pháp định, tôi đề nghị bổ sung "các phương tiện đo trong lĩnh vực y tế bao gồm: y, dược và trang thiết bị y tế, ví dụ như các máy móc xét nghiệm, chẩn đoán bệnh, các loại phương tiện đo để điều trị bệnh hoặc các phương tiện đo trong lĩnh vực dược.

Tiếp theo, tôi xin đề cập đến vấn đề kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo nhằm đảm bảo độ chính xác của phương tiện đo trong mọi thời điểm sử dụng, tôi cho rằng đây là một vấn đề hết sức cần thiết. Do đó, tôi đề nghị tại Điều 15 và 16 về quản lý đo lường đối với phương tiện đo pháp định và phương tiện đo khác. Tôi đề nghị cần bổ sung quy định là tất cả các phương tiện đo trước khi đưa vào sử dụng thì phải được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm nhất là các phương tiện đo không nằm trong danh sách phương tiện đo pháp định.

Đồng thời một số phương tiện đo chẳng những kiểm định trước khi đưa vào sử dụng mà còn bắt buộc phải kiểm định, hiệu chỉnh định kỳ trong quá trình sử dụng như các phương tiện đo trong y tế. Ví dụ như máy đo huyết áp, nồi áp suất, máy xét nghiệm máu phải định kỳ kiểm tra để đảm bảo lúc nào cũng phải chính xác, liên quan đến việc chuẩn đoán và điều trị bệnh. Do đó, tôi đề nghị bổ sung một khoản vào Điều 15 là Chính Phủ sẽ quy định cụ thể nhóm phương tiện đo lường nào sẽ áp dụng việc kiểm định, hiệu chuẩn định kỳ.

Tiếp theo, tôi xin góp ý về công tác kiểm tra đo lường được ghi trong Mục 2, Chương VI, tôi hết sức ủng hộ việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để nâng cao hiệu lực thi hành luật, hạn chế gian dối, bảo vệ các lợi ích chính đáng. Tuy nhiên, tôi thấy có một số điều, khoản trong dự án luật không khả thi và chưa thể hiện mạnh mẽ được tính chủ động. Cụ thể tại Điều 39 luật đã quy định là cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường thuộc Ủy ban tỉnh sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện kiểm tra đo lường trên địa bàn địa phương. Tôi cho rằng như vậy thì không đảm đương được hết công việc. Tôi thấy rằng phải xác định được hoạt động kiểm tra định kỳ là một hoạt động bắt buộc và là nhiệm vụ thường xuyên của người đứng đầu của mỗi đơn vị và của từng ngành. Tôi đề nghị là những thiết bị đo lường của từng cơ quan, đơn vị nên giao trách nhiệm cho thủ trưởng đơn vị và thủ trưởng ngành định kỳ kiểm tra và chịu trách nhiệm với kết quả kiểm tra của mình trước cơ quan quản lý Nhà nước. Đặc biệt những chuyên ngành có những phương tiện đo pháp định. Liên quan đến vấn đề này thì cũng nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đo lường nói chung và công tác kiểm tra nói riêng. Theo tôi thì cần quy định rõ vai trò trách nhiệm quản lý Nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp quận, cấp huyện và cơ sở. Đồng thời cũng đề nghị cung cấp đủ những công cụ để cho ở cấp huyện hoặc cấp cơ sở có đủ công cụ để thực hiện công tác kiểm tra. Vì tôi nghĩ rằng những sai lệch các phương tiện đo xảy ra ở cơ sở vừa và nhỏ là khá thường xuyên như về cân, đong, đo ở các chợ, các cửa hàng, ở các cây xăng thì chúng tôi thấy rằng trong thực tế như ở một số chợ thì cũng có đặt các cân chuẩn để cho người tiêu dùng sau khi mua các thực phẩm thì cân lại. Đây cũng là một biện pháp khả thi trong việc tăng cường quản lý.

Tiếp theo tôi xin góp ý vào Điều 47 về xử phạt vi phạm pháp luật về đo lường. Tôi cho rằng mức xử phạt vi phạm hành chính hiện hành thì không đủ sức răn đe, do đó cần thiết phải quy định mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực đo lường ở mức răn đe để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong giao dịch kinh tế, dân sự, môi trường và trong chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, thiết kế, xử lý vi phạm pháp luật về đo lường như tại Khoản 3, Điều 47 tôi cho là chưa ổn. Tôi đề nghị cần quy định chế tài các hành vi vi phạm theo hướng như tính mức xử phạt trong Luật an toàn thực phẩm mà chúng ta đã thông qua và luật sắp có hiệu lực thi hành, tức là gấp 7 lần vi phạm, mức xử phạt được tính trên mức sai lệch phương tiện đo lường và thời gian vi phạm. Tôi ví dụ 1 lít xăng bị gian lận 0,1 lít và tính vào thời gian kinh doanh và số lượng bán ra hàng ngày, trên cơ sở đó tính ra số lượng gian lận phải nộp phạt, đồng thời nếu cơ sở đó tái phạm thì phải xem xét cho ngừng hoạt động vĩnh viễn. Khi tiếp xúc cử tri nhiều cử tri cũng đề đạt ý kiến này với chúng tôi là cần phải xử phạt hết sức mạnh, để có thể hạn chế những hành vi gian lận này. Chúng tôi cũng đề nghị bên cạnh đó phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về những hành vi này.

Cuối cùng, tôi đồng tình với dự thảo luật quy định quản lý về đo lường đối với hàng đóng gói sẵn tại Điều 23, 24, tôi đề nghị bổ sung quy định chế tài ngay điều này ở Khoản 1 là hàng đóng gói sẵn sản xuất nhập khẩu phải đảm bảo yêu cầu chung đối với hàng đóng gói sẵn và đúng với lượng hàng ghi trên nhãn hàng hóa. Khi có sai số vượt quá giới hạn cho phép thì phải bị xử phạt khi nộp vào ngân sách số lượng hàng hóa thiếu so với số lượng hàng hóa ghi trên bao bì. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan