Góp ý của Đại biểu Quốc hội Mai Thị Ánh Tuyết – An Giang

Thứ Hai 09:44 22-11-2010

Kính thưa quý vị đại biểu Quốc hội,

Tôi đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và những ý kiến trước tôi về sự cần thiết phải ban hành Luật đo lường. Để luật ban hành đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh hiện nay, tôi xin có một số ý kiến như sau.

Thứ nhất, về phạm vi đối tượng điều chỉnh của Luật đo lường và việc xác định độ lớn không chỉ các đại lượng vật lý đo lường cung cấp các chuẩn về độ lớn để phục vụ trong đời sống, khoa học và sản xuất ở những điều kiện tiêu chuẩn gọi là đơn vị đo. Vì vậy, yêu cầu đầu tiên của quản lý đo lường của một quốc gia là việc ấn định một hệ đơn vị đo lường quốc gia ban hành được pháp luật công nhận trong bối cảnh toàn cầu hóa đòi hỏi đo lường pháp định phải đủ khả năng kiểm định hiệu chuẩn một số loại để phục vụ các ngành như sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, y tế, môi trường, khí tượng thủy văn, bưu chính viễn thông, hàng không dân dụng, hàng hải, quốc phòng v.v... Do đó, đo lường pháp định bao gồm các phương tiện đo thuộc danh mục, phương tiện đo do cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường có thẩm quyền ban hành để sử dụng vào mục đích định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp về các hoạt động công vụ khác theo quy định của pháp luật. Ngoài phương tiện đo pháp định, còn các phương tiện đo khác được sự điều chỉnh, kiểm soát của phương tiện đo pháp định để sử dụng vào mục đích nghiên cứu khoa học và công nghệ, điều chỉnh quá trình công nghệ, kiểm soát chất lượng trong sản xuất. Từ những phân tích trên, tôi đồng tình phạm vi điều chỉnh của Luật đo lường nên tập trung chủ yếu về vấn đề đo lường pháp định.

Vấn đề thứ hai là về quyền và nghĩa vụ của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng ở Điều 30.

Hiện nay người tiêu dùng bị áp lực ngày càng tăng về các hành vi vi phạm quy định về đo lường phát sinh trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, vận tải hành khách bằng taxi, kinh doanh điện năng, nước sạch, kết quả xét nghiệm trong y học, kinh doanh vàng bạc và một số vấn đề trong nhập khẩu, lưu thông hàng đóng gói sẵn có nhiều bất cập và ngày càng phức tạp, tinh vi hơn. Do đó để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như các chức năng của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp giữ vị trí rất quan trọng để thực hiện các hoạt động tư vấn, phản biện, tham gia xây dựng các văn bản pháp luật, đại diện và bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp cho hội viên. Những quy định này sẽ giúp người tiêu dùng được bảo vệ trong tình hình thực tế hiện nay.

Trong dự thảo Luật đo lường quy định cấu trúc chưa phù hợp, quá khái quát, còn chung chung và khó khả thi khi triển khai thực hiện để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đề nghị Ban soạn thảo cần quan tâm đúng mức về nội dung này và nên cấu trúc rõ hơn, khả thi hơn theo hướng quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, cụ thể hơn quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng mang tính đặc thù của luật trong hoạt động đo lường.

Ba, về chính sách nhà nước về đo lường. Tôi đồng tình thực tế hiện nay các tổ chức thực hiện hệ thống kiểm định đo lường còn 30 - 40% nhu cầu kiểm định hàng năm chưa kiểm định, con số thực tế này còn lớn hơn rất nhiều. Bên cạnh công nghiệp sản xuất phương tiện đo ở nước ta còn nhiều hạn chế, trình độ thấp chưa đáp ứng được yêu cầu trong nước. Hầu hết các chủng loại phương tiện đo dùng làm chuẩn và các phương tiện đo chính dùng trong công nghiệp đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Số lượng các doanh nghiệp sản xuất phương tiện đo chưa chuyên nghiệp, phần lớn là những doanh nghiệp sản xuất phương tiện đo với sản lượng thấp, manh mún, trình độ công nghệ thấp, chất lượng phương tiện không ổn định. Do đó một vấn đề đặt ra cần phải có một cơ chế chính sách phù hợp kích thích để vấn đề đo lường ngày càng phát triển hơn. Để thực hiện vấn đề xã hội hóa là một vấn đề rất cần thiết thông qua các hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, ứng dụng nghiên cứu khoa học công nghệ, các hoạt động kiểm định hiệu chuẩn, thử nghiệm, đảm bảo chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế. Nhất là cần phải có chính sách phù hợp đối với phát triển nhân lực tham gia đo lường là một vấn đề bức xúc hiện nay. Do đó các chính sách Luật đo lường cần phải cụ thể hơn, qui định rõ về cơ chế, những chính sách vĩ mô, vi mô, thích hợp để hỗ trợ thúc đẩy hoạt động đo lường, tạo hành lang pháp lý thực hiện có hiệu quả việc huy động nhiều nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ vấn đề đo lường.

Thứ tư, về duy trì bảo quản sử dụng chuẩn đo lường. Thực trạng về qui hoạch, thiết lập, duy trì, khai thác sử dụng chuẩn đo lường hiện nay chưa được chú trọng đúng mức. Vì vậy, việc đầu tư sử dụng chưa phát huy hiệu quả, có nơi chuẩn đo lường có độ chính xác cao, chưa được phát huy hết được hiệu quả đầu tư. Bên cạnh lại có những nơi không đủ chuẩn đo lường để sử dụng, để đáp ứng yêu cầu. Do đó vấn đề duy trì, bảo quản, sử dụng chuẩn đo lường hiện nay còn rất nhiều phức tạp và kém hiệu quả. Từ đó hoạt động đo lường đòi hỏi phải có thực hiện tốt vấn đề chiến lược, định hướng xây dựng ngành sản xuất phương tiện đo, thực hiện quy hoạch, thiết lập hoạt động, duy trì, bảo quản sử dụng chuẩn đo lường một cách chuẩn mực. Do đó tôi đề nghị cần bổ sung rõ ràng cụ thể nội dung này vào Luật đo lường.

Thứ năm, hoạt động thanh tra, kiểm tra. Những năm qua hoạt động thanh tra về đo lường còn bộc lộ nhiều bất cập như lực lượng của hệ thống thanh tra từ Trung ương đến địa phương rất mỏng. Tại các địa phương thường chỉ có 2 đến 5 thanh tra viên thực hiện vấn đề thanh tra ở các lĩnh vực thuộc khoa học và công nghệ. Chế tài xử phạt còn chưa đủ răn đe, hoạt động thanh tra chủ yếu theo hình thức thanh tra định kỳ có báo cáo trước, trong khi các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường ngày tinh vi và phức tạp. Do đó Luật đo lường cần quy định ngày càng chặt chẽ về công tác thanh, kiểm tra, đặc biệt là vấn đề xử lý, chế tài, quan tâm tăng cường lực lượng thanh tra về số lượng, chất lượng, tổ chức phối hợp với các ngành liên quan, phân cấp cho tỉnh, huyện, xã để có đủ khả năng thực thi trách nhiệm. Ngoài hình thức xử hành vi hành chính đo lường bằng việc thực hiện tối đa 5 lần số tiền thu được do vi phạm thì nên quy định thêm trường hợp tùy tính chất mức độ vi phạm có thể truy cứu hình sự. Đồng thời cần quy định rõ hơn cách quản lý, sử dụng nguồn tịch thu từ vi phạm để thực hiện vấn đề quản lý đo lường được tốt hơn. Xin có một số ý kiến. Xin cám ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan