Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận Hội nghị

Thứ Sáu 10:29 19-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Cho đến lúc này có 25 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại Hội trường và đại biểu Trần Văn Truyền - Trưởng ban soạn thảo cũng đã có báo cáo thêm. Nhìn chung, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội rất sôi nổi và cũng rất phong phú, thẳng thắn, cụ thể và có tính phản biện cao, tranh luận cao về dự án luật này. Các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí cho rằng đây là một đạo luật rất quan trọng, liên quan đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân cho nên cần phải được tu chỉnh, xem xét để sớm trình ra Quốc hội thông qua. Về các nội dung cơ bản của dự án luật này, tôi xin phép không nhắc lại những lý lẽ mà các vị đại biểu Quốc hội hay lập luận mà ở đây đồng chí Tổng thanh tra Chính Phủ cũng có báo cáo thêm trên tinh thần sẽ tiếp thu nghiêm túc những ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và có giải trình rất cụ thể về từng những vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội nêu. Tôi chỉ nói thêm vấn đề là phạm vi điều chỉnh của luật, xin báo cáo với Quốc hội nếu không làm rõ vấn đề này thì những nội dung sau đó sẽ rất khó và nó còn liên quan đến cả hệ thống cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị của chúng ta khi giải quyết vấn đề này. Phạm vi điều chỉnh của luật này là tập trung xem xét các hành vi vi phạm pháp luật của những người thi hành công vụ, nhiệm vụ trong quản lý hành chính Nhà nước thì đây đối tượng là cán bộ, công chức và viên chức trong một số trường hợp hoặc những người cán bộ, công chức, viên chức không phải ở trong cơ quan hành chính Nhà nước. Nhưng ở trong các cơ quan khác cũng liên quan trực tiếp đến các hành vi quản lý Nhà nước thì cũng rơi vào phạm vi điều chỉnh của luật này.

Còn những hành vi tố cáo những vi phạm pháp luật liên quan đến vấn đề hình sự, tố tụng hình sự thì sẽ được giải quyết theo con đường pháp luật tố tụng hình sự. Còn nếu như vi phạm những quy tắc, điều lệ của các tổ chức xã hội, của tổ chức đoàn thể chính trị xã hội thì sẽ được giải quyết bằng các quy định của các điều lệ của các cơ quan, tổ chức đó. Để báo cáo với Quốc hội về phạm vi điều chỉnh như vậy.

Về chủ thể thì ở đây vẫn còn 2 loại ý kiến mà ý kiến có thể nói lập luận, lý lẽ ngang ngửa nhau, nhưng ý kiến chung thì các vị đều thể hiện là đồng tình với dự thảo là chỉ quy định quyền của cá nhân, công dân có quyền tố cáo ở đây.

Về trách nhiệm của người tố cáo quy định ở Điều 14 đều đồng tình là người cố tình tố cáo sai pháp luật thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả gây ra, kể cả trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Về các hình thức tố cáo quy định tại Khoản 1, Điều 23, trong thảo luận cũng có nhiều lý lẽ khác nhau về chỗ này, nhưng chúng tôi thấy rằng những ý kiến ủng hộ cho việc quy định thêm hình thức điện thoại, thư điện tử, fax, đây là một nhu cầu cần thiết và cũng là một việc ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong thời đại của chúng ta hiện nay và nó bảo đảm phù hợp với nguyên tắc giải quyết những vấn đề này kịp thời. Vấn đề ở chỗ những loại này cũng có họ tên, có địa chỉ, có đủ căn cứ thông tin để xác định, tôi cho rằng đây cũng là điều cần thiết.

Về tố cáo nặc danh cũng đang còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng chúng ta cũng thấy rằng đây là vấn đề không phải chỉ đặt ra lúc này mà trong quá trình trước đây và cũng nhiều cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của chúng ta đã xem xét nghiên cứu vấn đề này thấy rằng không nên xem xét đơn thư tố cáo nặc danh, còn trường hợp đơn thư tố cáo trong đó có nội dung rõ ràng, có tài liệu chứng cứ, có địa chỉ có thể coi như một thông tin để phục vụ cho các cơ quan nghiên cứu tham khảo.

Về bảo vệ người tố cáo, nhìn chung ý kiến của các vị đại biểu là đồng tình, đây là điểm mới của Luật này so với các luật hiện hành trước đây. Quy định hiện nay ở Chương V chưa đáp ứng được yêu cầu, đại biểu Quốc hội yêu cầu phải quy định cụ thể hơn, rõ hơn về cơ chế, về trách nhiệm, về điều kiện và thời hạn để thực hiện những quyền này của người tố cáo, đây cũng là điều kiện để bảo vệ người tố cáo thực hiện quyền của họ. Đồng thời có quy định xử lý nghiêm những hành vi trả thù, trù dập, phân biệt đối xử của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có những hành vi như vậy, ở đây phải nhìn cả hai mặt.

Về giám sát, đại biểu Quốc hội nêu rất nhiều ý kiến cụ thể, tôi đề nghị phải nghiên cứu để xem Luật giám sát của Quốc hội, Luật Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Luật Mặt trận Tổ quốc quy định thẩm quyền nhiệm vụ các chủ thể này như thế nào, hình thức, phạm vi và bảo đảm tính khả thi của nó. Như vậy là Quốc hội đã cho rất nhiều ý kiến cụ thể thì chúng tôi thấy rằng Đoàn thư ký sẽ có trách nhiệm tập hợp đầy đủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan Thanh tra Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý và báo cáo lại Quốc hội trong kỳ họp tới đây. Xin cám ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan