Góp ý của Đại biểu Quốc hội Hồ Trọng Ngũ – Ninh Thuận

Thứ Sáu 10:24 19-11-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa quý vị đại biểu Quốc hội,

Chúng tôi quan niệm tố cáo cũng như khiếu nại là định chế pháp lý hành chính và vì thế cho nên khi giải quyết những vấn đề liên quan đến tố cáo cũng như khiếu nại chúng ta phải đặt trong môi trường, đặt trong lĩnh vực những quan hệ hành chính để giải quyết. Mục đích của đạo luật này ngay trong Tờ trình của Chính Phủ cũng đã nói là nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về giải quyết tố cáo và mục đich chính là phục vụ cho cải cách nền hành chính quốc gia, để xây dựng Nhà nước pháp quyền. Chính vì thế tôi nghĩ cần phải nhất quán mục tiêu này, về bản chất của những vấn đề này trong dự luật cũng như cần phải bảo đảm đúng đắn về tính lý thuyết cũng như nguyên lý xây dựng Nhà nước. Bởi vì chúng ta phải tách bạc rõ những quan hệ hành chính, hành pháp với những vấn đề tư pháp. Trong dự luật này chúng tôi thấy có quá nhiều quy định chúng ta hơi thiên về tư pháp hình sự và giải quyết nhiều vấn đề tư pháp hình sự trong đạo luật này như tôi nói là nó không phù hợp với bản chất của nó. Vô hình chung chúng ta cũng đã hành chính hóa một số quan hệ tư pháp hình sự, không đúng với tinh thần xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Thứ hai, tôi nghĩ bản thân định chế tố cáo là để bảo vệ công dân, nó chỉ phát sinh trong mối liên hệ với các quan hệ hành chính quản lý. Tố cáo chỉ sinh ra khi có một hành vi hoặc có một quyết định hành chính mà công dân cho rằng rõ ràng trái với pháp luật thì người ta mới phải tố cáo. Một logic rất bình thường là khiếu nại khi người công dân thấy quyền của mình không được xử lý đúng pháp luật thì người ta kiến nghị lên cấp có quyền quyết định ấy, đã ra quyết định ấy, khiếu nại là phải xử lý cho tôi theo đúng pháp luật. Nhưng khiếu nại rồi mà thấy chủ thể có quyền năng ấy vẫn cố tình không xử lý, thậm chí có tình xuyên tạc làm nghiêm trọng hơn, thì lúc đó người ta phải tố cáo đến cấp có quyền quyết định, can thiệp được vào quyết định này.

Tuy nhiên, chúng ta còn có những chế định về tin báo tố giác. Tin báo tố giác là một phạm trù rộng hơn, trong tin báo tố giác có thể có cả tố cáo, bởi vì người công dân có quyền được chọn phương thức của mình để tiếp cận công lý, có thể tố cáo với hệ thống cơ quan quản lý hành chính nhà nước để xử lý vấn đề họ thấy rõ ràng vi phạm pháp luật Nhưng họ cũng có thể nhờ đến hệ thống tư pháp tức là bằng tố giác hành vi mà họ cho rằng có dấu hiệu tội phạm. Như vậy tố cáo hẹp hơn so với tin báo tố giác, vì thế trong luật này không nên bàn về tin báo tố giác về tội phạm, vì nó đã được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự có một chương quy định về khởi tố vụ án hình sự, trong đó có quy định về tin báo tố giác tội phạm.

Liên quan đến vấn đề này, do quan niệm như vậy chúng ta thấy cơ quan, tổ chức không nên quy định là chủ thể của hoạt động tố giác như nhiều đại biểu đã nêu. Cơ quan, tổ chức có vai trò xã hội và ý nghĩa xã hội là phải tham gia bảo vệ pháp luật và họ có những phương tiện yêu cầu, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nếu theo hệ thống ngành dọc lên cấp trên có thể kiến nghị, với cấp dưới có thể yêu cầu, cần thiết nữa thì họ có thể báo tin cho các cơ quan tư pháp để xử lý nếu như họ thấy có dấu hiệu tội phạm. Các cơ quan tổ chức phát huy hết quyền năng này, cũng không nên như nhiều đại biểu nói là giao cơ quan tổ chức làm việc tố cáo, tố cáo ở đây là thực hiện quyền công dân vì người dân bao giờ cũng yếm thế hơn trong mối quan hệ với hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, chúng tôi muốn nói thêm liên quan đến việc tố cáo của công dân đến các cơ quan tổ chức, những cơ quan tổ chức có quyền năng giải quyết là một nhẽ nhưng có những có vấn đề ngoài phạm vi thẩm quyền của cơ quan quản lý hành chính Nhà nước. Nếu như rõ ràng có dấu hiệu tội phạm cần phải quy định là các cơ quan tổ chức này có trách nhiệm chuyển những tin này cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Có như vây hệ thống của chúng ta mới chặt chẽ và đúng đắn được, không nên giao quyền cho các cơ quan tổ chức trong hệ thống hành chính Nhà nước tự xử lý khi vấn đề rõ ràng có dấu hiệu tội phạm, đến mức nào đó phải chuyển cho cơ quan điều tra.

Về vấn đề nặc danh, tôi đồng ý như nhiều đại biểu không nên coi nặc danh là tố cáo, đơn thư nặc danh không thể là tố cáo, tuy nhiên đơn thư nặc danh có một giá trị nhất định, chủ thể nhận được đơn thư nặc danh nên sử dụng một cách hiệu quả nhất những thông tin có được trong đó, nếu có những dấu hiệu rõ ràng tội phạm, các cơ quan tổ chức này nên chuyển đến các cơ quan được phép tiến hành một số hoạt động điều tra. Bởi vì các cơ quan được phép tiến hành một số hoạt động điều tra thì họ có một quyền năng là tiến hành các hoạt động trinh sát để từ những thông tin ban đầu ấy họ có những phương tiện, phương pháp làm rõ bản chất của vấn đề, nếu cần thiết thì khởi tố vụ án hình sự và như vậy thì không ảnh hưởng đến ai nếu như chuyện ấy chưa ra đến công khai thì thông tin trong thư nặc danh không ảnh hưởng gì đến ai cả . Cho nên tôi đồng ý với đại biểu Xuân nói là do cách xử lý vấn đề. Cho nên chúng ta không nên phủ nhận hoàn toàn vấn đề nặc danh. Tuy nhiên, cũng không coi nặc danh là tố cáo và không cần phải khởi sự cả một hệ thống hành chính Nhà nước để làm một việc là đi xác minh đơn thư nặc danh làm mất thời gian và ảnh hưởng đến nội bộ.

Tôi xin có một vài ý kiến như vậy. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan