Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Việt Trường – An Giang

Thứ Sáu 10:18 19-11-2010

Kính thưa Chủ tịch đoàn.

Kính thưa Quốc hội.

Về dự án Luật tố cáo thì tôi xin đóng góp một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về đối tượng áp dụng của dự án luật này. Ý kiến của tôi khác với một số các đại biểu đã phát biểu trước. Tức là đối tượng đầu tiên là công dân thì tôi hoàn toàn tán thành.

Thứ hai là bây giờ ý kiến còn đang khác nhau ở chỗ là: vấn đề tổ chức có là đối tượng để thực hiện quyền tố cáo hay không. Ở đây tôi thấy cần phải phân biệt giữa hai đối tượng là tổ chức đứng ra tổ cáo và nhiều người cùng tố cáo một vụ việc hay một hành vi. Tôi cho rằng nếu tổ chức đứng ra tố cáo hay là một cơ quan đứng ra tố cáo thì tôi nghĩ là hoàn toàn hợp pháp. Bởi vì tổ chức, cơ quan là đơn vị có tư cách pháp nhân khi quyền và lợi ích hợp pháp của người ta bị một hành vi, một hoạt động khác nào đó xâm hại, thì người ta có quyền đứng ra tố cáo và người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó thì sẽ phải ký vào đơn đó và cũng thực hiện các thủ tục giống như đối với công dân.

Về việc nhiều người cùng ký vào một cái đơn để tố cáo thì tôi cho rằng vấn đề này theo quan điểm của tôi là không nên chấp nhận đưa vào trong luật này. Vì sao? Bởi vì chúng ta đã có quy định là công dân có quyền tố cáo, cho nên bất kỳ một công dân nào trong số đông công dân cùng ký vào cái đơn đó, thì không có lý do gì mà anh lại tự bỏ quyền của mình đi, mà cứ độc lập đứng ra mà đi tố cáo chứ việc gì mà phải nhờ vào một cái đơn của người khác để ký vào. Làm như thế thì tôi thấy không cần thiết, bởi vì họ đã có quyền ở ngay Điểm a của Khoản 1 rồi, tôi thấy nhiều người cùng tố cáo thì không chấp nhận, nhưng tổ chức và cơ quan tố cáo thì nên chấp nhận đưa vào trong đối tượng áp dụng của luật này.

Thứ hai, về hình thức tố cáo, nhiều đại biểu cho rằng không nên chấp nhận hình thức tố cáo bằng thư điện tử hoặc gọi điện thoại, hoặc gửi bản fax hoặc email hoặc là tin nhắn, tôi cho rằng không nên cực đoan như vậy, bởi vì khái niệm tố cáo của chúng ta là gì? là công dân của chúng ta dựa theo quy định của luật này thì báo cho cơ quan hoặc cá nhân có trách nhiệm, có thẩm quyền biết về một hành vi vi phạm pháp luật nào đó gây thiệt hại trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Tôi nghĩ quan trọng nhất là chúng ta xét một đơn viết bằng tay, bằng văn bản với một bản fax hay bản email hay gọi điện qua điện thoại thì nội dung có chứa đựng vấn đề đó không, tức là nó có phải là báo tin không, nó báo chuyện đó cho cơ quan thế là được rồi. Thứ hai, nó thỏa mãn được Khoản 2 của Điều 23, là tôi gọi điện thoại nhưng tôi xưng danh rõ ràng tên, địa chỉ đầy đủ và tôi cung cấp số điện thoại của tôi thì có nghĩa là hoàn toàn có thể chấp nhận được. Vì vậy, ý kiến chúng tôi cho rằng Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cho rằng hình thức tố cáo đó là được chấp nhận thì tôi cũng tán thành.

Thứ ba, về bảo vệ người tố cáo, đây là vấn đề đúng là khó nhất của đạo luật này. Trước đây chúng ta chưa đặt vấn đề đúng mức, nhưng bây giờ trong dự thảo luật này chúng ta đưa ra 4 điều ở trong Chương V. Hiện nay, chúng ta có đặt vấn đề là khi người tố cáo có yêu cầu hoặc khi cơ quan, tổ chức cá nhân thụ lý thấy có dấu hiệu có thể bị rò rỉ thông tin, gây ảnh hưởng và gây nguy hại cho người tố cáo thì mới có biện pháp. Tôi thấy không nên đặt vấn đề như vậy. Theo tôi, cần phải đặt vấn đề là trong điều kiện bình thường thì danh dự, nhân phẩm, tính mạng và sức khỏe của một công dân bình thường là đã được Nhà nước bảo vệ, tức là chúng ta sống trong một gia đình hay ra môi trường xã hội đều phải được an toàn. Trong trường hợp này người ta đi tố cáo thì luôn luôn ở vào thế bất lợi, người bị tố cáo nói chung không hài lòng, sẽ dễ dàng có những việc làm này, việc làm khác. Vì vậy quan điểm của tôi đặt vấn đề là người đã tố cáo phải được cơ quan Nhà nước, cá nhân có thẩm quyền có kế hoạch bảo vệ họ ngay, bất luận họ có yêu cầu hay không có yêu cầu.

Lý do thứ hai, chuyện rò rỉ thông tin về người tố cáo, anh A tố cáo anh B chẳng hạn rất dễ vì có muôn vàn con đường dẫn đến chuyện rò rỉ thông tin này. Ví dụ quá trình thụ lý của chúng ta, người ta gủi đơn đến thì từ văn thư đến ông thủ trưởng qua bao nhiêu khâu trung gian. Chúng ta còn quy định đại biểu Quốc hội nhận đơn tố cáo đó thì chuyển, đó cũng có thể là nguồn để rò rỉ thông tin ra. Đồng chí này nhận được đơn nhưng thấy không đúng thẩm quyền của mình làm công văn chuyển chỗ khác, sau đó kể chuyện cho người khác chẳng hạn cũng là một con đường làm rò rỉ thông tin.

Thứ hai, chính bản thân người tố cáo cũng có thể tự làm rò rỉ thông tin của mình, ví dụ họ không biết rõ quy định của pháp luật là việc này phải gửi đến ai, tốt nhất họ gửi một dãy các danh sách, từ đồng chí cao nhất là Tổng bí thư cho đến các đồng chí khác. Cuối cùng chúng ta làm một loạt các động tác chuyển thì cũng có thể rò rỉ thông tin ra. Một lý do nữa là gửi đến các cơ quan, các cơ quan làm thủ tục chuyển đi, chuyển lại v.v... Hoặc bản thân người tố cáo, trước khi gửi đơn họ rất là bức xúc cho nên có thể thổ lộ vấn đề là tôi sẽ tố cáo việc này, việc khác với người nào đó. Người đó không giữ được mồm miệng cũng kể chuyện lại, cho đến lúc anh bị tố cáo nhận được yêu cầu của cấp trên yêu cầu anh đến để làm rõ những vấn đề anh ấy bị tố cáo, thì lập tức anh ấy liên hệ lại là hôm nọ đã được nghe anh kia, anh kia thông báo cho mình là có một người dọa sẽ tố cáo mình. Cũng là một nguồn có thể làm lộ. Cho nên tôi đề nghị trong toàn bộ chương này cần phải có cấu trúc lại và bổ sung thêm.

Thứ nhất, có quy định chung là mỗi một người dân đều phải có trách nhiệm giữ bí mật thông tin về người tố cáo nếu biết được thông tin đó do vô tình hay hữu ý.

Thứ hai, cần phải quy định cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ người tố cáo.

Thứ ba, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận tố cáo phải bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo, không cần người ta phải đưa ra yêu cầu.

Thứ tư, công tác xử lý đơn thư tố cáo phải được quy định hết sức chặt chẽ, giảm bớt các khâu trung gian càng nhiều càng tốt để sau này chúng ta đỡ rò rỉ thông tin, có điều kiện để xác định nó rò rỉ ở khâu nào và do ai.

Cuối cùng chúng tôi đề nghị giải quyết tố cáo phải hết sức khẩn trương, càng ngắn thời gian càng bảo vệ người tố cáo tốt. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan