Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân – Tây Ninh

Thứ Sáu 10:14 19-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, phạm vi điều chỉnh của Luật tố cáo, theo Luật khiếu nại, tố cáo trước đây cũng như theo trình bày trong luật này thì công dân và tổ chức có quyền tố cáo mọi hành vi vi phạm pháp luật trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên trong vấn đề giải quyết tố cáo dường như chỉ tập trung vào lĩnh vực tố cáo quản lý hành chính Nhà nước và các cơ quan tư pháp, cũng không nói rõ những hành vi vi phạm pháp luật khác thì giải quyết như thế nào? Theo tôi cần có một quy định cụ thể về một hoặc vài cơ quan làm đầu mối để giải quyết tố cáo, ví dụ trong hành chính là cơ quan nào? trong lĩnh vực tư pháp là cơ quan nào và những lĩnh vực khác về đời sống xã hội, ví dụ như bạo hành gia đình, ô nhiễm môi trường, tức là những người có vấn đề muốn tố cáo thì gửi đến cơ quan nào. Chúng ta không trách được người dân nếu họ gởi không đúng, vì luật của chúng ta hiện nay, kể cả đại biểu nắm cũng không hết cho nên nếu người dân gửi không đúng thì cơ quan có thẩm quyền, một nếu đã nhận đơn thì chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền, nếu qua điện thoại thì hướng dẫn, người ta qua điện thoại điện tới các cơ quan có thẩm quyền. Tôi nghĩ rằng nếu quy định rõ được như vậy thì chúng ta mới tận dụng được hết những trí tuệ trong nhân dân để cùng giải quyết những vấn đề của chúng ta.

Thứ hai, người giải quyết tố cáo lần sau, tức là khi người tố cáo lần đầu không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng tố cáo lần sau, trong khiếu nại cũng tố cáo thường bỏ lơ một việc là chúng ta phải kết luật giải quyết lần đầu như thế có đúng pháp luật hay không và người đó có trách nhiệm như thế nào để người ta khiếu nại vượt cấp. Chúng ta cứ cho rằng khiếu nại vượt cấp là vi phạm tuy nhiên phải thấy rằng ngay cả những người giải quyết tố cáo lần đầu ấy không làm tròn trách nhiệm của mình. Có trường hợp trong đây ghi là rút đơn, trong trường hợp rút đơn tôi đề nghị nếu như vấn đề đó chưa có cơ sở để xem xét mà rút đơn thì thôi. Nhưng nếu thấy đã có cơ sở để xem xét thì việc rút đơn đó chúng ta vẫn phải tiếp tục xem xét, vì trừ trường hợp người tố cáo bị đe dọa, bị trả thù, bị khủng bố, cuối cùng họ phải rút đơn và tôi biết có một số trường hợp như vừa rồi tố cáo tội hiếp dâm thì cuối cùng nạn nhân hoặc đương sự rút đơn sẽ lập tức chấm dứt. Như vậy là không đúng, tôi nghĩ rằng đã có đủ cơ sở hoặc có dấu hiệu thì việc đó vẫn phải tiếp tục và coi xem động cơ rút đơn đó là cái gì, nếu như sự kết luận mà cho là có.

Tôi có nói một điểm mà nhiều người băn khoăn là tố cáo nặc danh thì trong công tác thực tế, trong quản lý thì tôi hết sức trân trọng với tố cáo nặc danh, những tố cáo qua điện thoại, qua email, qua thư góp ý, qua đường dây nóng và tố cáo nặc danh về cơ bản là giống nhau. Vì tố cáo qua điện thoại người ta cũng không thể xác minh ngay được số điện thoại đấy là ai, làm gì có quyền xác minh cái đấy, trong khi phạm vi của mình là cơ quan quản lý mức độ tương đối nhỏ. Tôi nói cụ thể, tôi quản lý một khu rừng nếu có 10 cú điện thoại hoặc 10 lá đơn mà có được một lá đơn và một cú điện thoại là đúng thì tôi hết sức mừng vì không có cách nào khác để chúng ta biết được sai phạm xảy ra trong nội bộ chúng ta bằng những đơn tố cáo. Vì cơ quan thanh tra, những cơ quan quản lý của chúng ta hiện nay năng lực còn hạn chế, chưa kể nó có những quyền lợi dính dáng đến nhau. Cho nên, việc chúng ta thống kê có đến 13% tố cáo là đúng và thêm 28% có đúng, có sai. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải làm việc tại các địa bàn, những thông tin đúng về vi phạm là hết sức quý giá, nó ví như vàng. Có một đống cát mà có một thỏi vàng, tôi nghĩ rằng tôi sẵn sàng đãi để tìm thỏi vàng đấy. Cho nên, tôi đề nghị Quốc hội xem xét vấn đề này, chúng ta sẽ xem xét tất cả những nguồn thông tin chúng ta có được. Tuy nhiên, để nó không gây ra hậu quả, vấn đề là do ta xử lý, ta nhận một đơn tố cáo nặc danh ta đọc ta biết ngay cái này có động cơ xấu, nó là chuyện không có thì tống vào sọt xác làm gì có thể gây ra hậu quả được. Nhưng chúng ta lại lợi dụng cái đơn đó chúng ta mở cuộc kiểm điểm, giải trình các thứ, thông tin ồ ạt ra ngoài thì đa số những trường hợp này không phải do người tố cáo, mà do người xử lý tố cáo cố ý lợi dụng thông tin này để triệt hạ lẫn nhau, trừng phạt, đấu đá lẫn nhau, đặc biệt trước mỗi kỳ đại hội và bầu cử. Tôi đề nghị chúng ta quy định thêm không được lợi dụng việc giải quyết khiếu nại tố cáo tức là người có thẩm quyền hoặc người nhận được đơn, lợi dụng việc này để gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác. Điều đó chúng ta sẽ hạn chế được những bất cập trong tố cáo nặc danh, đồng thời phát huy được mặt tốt của nó.

Về tố cáo là tập thể, là tổ chức. Tôi cho rằng các kiểu tố cáo mà chúng ta nhận được với tư cách là người lãnh đạo, người quản lý chúng ta phải hết sức thận trọng, chúng tôi không loại trừ bất kỳ điều gì. Tuy nhiên để có nề nếp, quy củ thì tố cáo là một tổ chức thì phải có người đại diện của tổ chức đó đứng ra ký đơn, chứ không phải cả tổ chức nói chung chung như vậy, nếu không thì xem như nặc danh. Tố cáo tập thể thì nếu như tập thể đó cử ra một người đại diện thì người đại diện đó sẽ làm việc với chúng ta. Nếu chúng ta nói không được tố cáo tập thể, như vậy chúng ta phải tiếp 20 người một lúc trong cùng một sự việc giống nhau, mỗi người trình bày một lá đơn, thực ra có khác gì nhau đâu. Vấn đề ở chỗ tố cáo tập thể đó từng người ký tên phải có trách nhiệm với toàn bộ nội dung và phải ủy quyền cho một người để có thể đối thoại với các cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề đặt ra.

Về bảo vệ người tố cáo, tôi lưu ý chúng ta phải bảo vệ người tố cáo ngay cả trong trường hợp tố cáo nặc danh vì chúng ta công bố một đơn nặc danh lập tức người ta biết ngay ai viết đơn này, vì người biết được sự việc ấy không nhiều, có quan hệ với nhau như thế nào đó, thì họ biết ngay, cho nên thư tố cáo nặc danh tôi đề nghị vẫn giữ bí mật và phải bảo vệ người đó, nếu thấy rằng tố cáo nặc danh này là đúng hay sai. Việc chúng ta xác định cơ sở của thư nặc danh hoặc một cuộc điện thoại hoàn toàn phụ thuộc vào bản lĩnh và nhạy cảm của người làm công tác quản lý lãnh đạo. Phần lớn các cuộc điện thoại chúng ta nghe và hỏi vài câu ta biết ngay người này có cơ sở hay không cơ sở. Nếu có cơ sở người ta sẽ chỉ dẫn cho mình những cách để chúng ta tìm ra sự thật, nếu không có cơ sở thì họ nói những lời hết sức nhục mạ, hết sức vu vơ và chúng ta có thể chấm dứt cuộc điện thoại ở đấy.

Cuối cùng, chúng tôi muốn đề nghị nếu chúng ta không bảo vệ được người đi tố cáo mà bản thân họ bị thiệt hại, Nhà nước cần có chính sách xem như bồi thường cho những người đấy vì chúng ta không hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Về khen thưởng, tôi đề nghị thế này là hết sức thỏa đáng và có thể khen thưởng cao hơn giá trị hiện vật của hành vi tố cáo đó đem lại. Ví dụ, ai đó tố cáo có một người nào đó ăn cắp một cây gỗ trong rừng của tôi thì tôi không phải thưởng trên giá trị bán cây gỗ đấy, có thể thưởng cao hơn vì từ thông tin tố cáo đấy chúng ta lại phát hiện ra những rò rỉ trong hệ thống của mình, xử lý được người vi phạm, thanh lọc đội ngũ, những việc đó có giá trị rất lớn so với giá trị của một hiện vật chúng ta thu được. Tôi đề nghị khen thưởng hết sức thỏa đáng. Ta thấy trên thế giới rất phổ biến treo thưởng hàng triệu đô la cho ai làm được một việc gì đấy, tố giác một hành vi gì đấy, dẫn tới việc bắt được một nghi phạm khủng bố chẳng hạn, thì việc đó cũng là bình thường trong xã hội chúng ta. Tôi thấy có nhiều hội đã đặt ra thưởng rất lớn cho ai tố cáo được tham nhũng mà dẫn tới hành vi bắt được người đấy. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan