Góp ý của Đại biểu Quốc hội Phạm Đức Châu – Quảng Trị

Thứ Sáu 10:13 19-11-2010

Kính thưa đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Về Luật tố cáo giai đoạn cho ý kiến, tôi xin tham gia 4 vấn đề lớn sau đây:

Thứ nhất, về phạm vi, đối tượng điều chỉnh thì trong dự thảo luật có quy định người tố cáo chỉ là công dân và nhiều đại biểu phát biểu thì có ý kiến khác nhau. Quan điểm của tôi là người tố cáo có thể là công dân, có thể là tổ chức bởi 2 lý do sau đây:

Lý do thứ nhất, Hiến pháp có quy định công dân có quyền tố cáo và quyền này được quy định trong Chương V của Hiến pháp là chương được quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân. Quy định này không có nghĩa là có một tổ chức tố cáo mà đây chỉ ghi nhận là công dân có quyền tố cáo thì không có nghĩa là không cho phép tổ chức, bởi vì điều này, chương này chỉ quy định quyền, nghĩa vụ công dân. Cho nên chúng ta cũng không quy định thêm cũng không có gì trái Hiến pháp.

Lý do thứ hai, hiện nay nhiều luật của chúng ta như Luật khoáng sản, Luật bảo vệ môi trường, Luật xuất bản v.v... đều có quy định về quyền tố cáo của tổ chức và trong thực tế có như vậy mới bảo vệ được quyền lợi chính đáng của nhiều tổ chức bị xâm hại. Cho nên, tôi xin đề nghị người tố cáo có thể là công dân hoặc tổ chức.

Thứ hai, về thẩm quyền của các cơ quan giải quyết tố cáo. Một, nếu như trong dự thảo luật thì quy định thẩm quyền tố cáo và tiếp nhận đơn tố cáo và giải quyết tố cáo là của thủ trưởng hoặc của cơ quan cấp trên đối với cơ quan hoặc cá nhân cấp dưới thuộc quyền thì vấn đề này theo tôi nó sẽ dẫn đến một tình trạng thứ nhất chưa giải quyết được tình trạng hiện nay là nhiều công dân khi gửi đơn tố cáo không biết gửi vào đâu và đơn tố cáo chuyển vòng vo dẫn đến giải quyết không có trách nhiệm, giải quyết cuối cùng cho người dân.

Thứ hai, nếu cấp trên hoặc thủ trưởng giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm của cấp dưới, người có thuộc quyền rõ ràng khó đảm bảo tính khách quan. Trong thủ tục giải quyết các vụ án hành chính chúng ta đã cố gắng để giải quyết các khiếu kiện, các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc thẩm quyền tòa án cũng tạo bước mới, giờ chúng ta giải quyết như thế này không khách quan. Theo quan điểm của tôi, cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận đơn tố cáo và giải quyết tố cáo tập trung chủ yếu ở cơ quan thanh tra các cấp, như vậy tăng thẩm quyền, tăng biên chế nhưng đảm bảo hiệu quả giải quyết của tố cáo, người công dân khi gửi đơn tố cáo chỉ đến một chỗ đó là thanh tra, tất nhiên thanh tra có thể không hiểu nhiều các lĩnh vực chuyên ngành, trong khi thành lập các đoàn thanh tra có thể trưng tập các cán bộ, công chức liên quan đến các ngành. Có như vậy mới tránh được tình trạng gửi đơn vòng vo, người dân chỉ biết gửi đơn một nơi và cũng là đảm bảo yếu tố bí mật, gửi cho các thủ trưởng chưa chắc đã đảm bảo bí mật.

Điểm tiếp theo, điều quy định về thẩm quyền, trong Điều 19 quy định 7 khoản về thẩm quyền giải quyết tố cáo, chỉ quy định về thẩm quyền giải quyết cao nhất của Thủ tướng Chính phủ. như vậy nếu đơn tố cáo gửi các thành viên từ Phó thủ tướng trở lên, cơ quan nào giải quyết luật chưa quy định, vẫn biết rằng trong thực tiễn Việt Nam chúng ta đã giải quyết nếu những chức danh quản lý của Đảng cao thì có Đảng giải quyết. Nhưng theo tôi, luật cũng cần phải quy định để đảm bảo bình đẳng trước pháp luật. Trong này luật chưa quy định nếu tố cáo là đại biểu chuyên trách trong các cơ quan dân cử thì cơ quan nào giải quyết, luật cũng cần phải quy định.

Thứ ba, về thời hiệu xử lý vi phạm của kết luận tố cáo, trong đó có hai nội dung: đối với cán bộ, công chức bị tố cáo thì thời hiệu tính theo Luật cán bộ, công chức, điều đó đúng đảm bảo tính nguyên tắc thống nhất của pháp luật, nhưng như vậy thì tố cáo thông thường là qua quá trình tố cáo, giải quyết tố cáo mà thời hiệu giải quyết xử lý là 2 năm thì e rằng nhiều kết luận của giải quyết tố cáo không còn xử lý được nữa bởi vì đã quá 2 năm kể từ ngày vi phạm. Thứ hai, đối với những vi phạm, tố cáo vi phạm về lĩnh vực quản lý Nhà nước thì thời hiệu xử lý hành vi vi phạm đó là theo thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là không phù hợp vì hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau. Trong thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì thời hiệu cũng rất khác nhau thì theo cái nào, như thế nào, cho nên thời hiệu cũng quy định trong luật này.

Thứ tư, về bảo vệ người tố cáo theo tôi đây là một nội dung quan trọng, cực kỳ quan trọng, quyết định đến nhiều vấn đề trong Luật tố cáo. Thứ nhất, có một thực tế hiện nay ở nước ta là tình trạng tố cáo nặc danh, mạo danh rất nhiều. Tôi nhất trí trong luật là không giải quyết đơn nặc danh, mạo danh mà những đơn này thì các cơ quan quản lý hoặc các cơ quan của Đảng có thể khảo sát, xem xét để giải quyết, đánh giá đối với cán bộ, công chức quản lý của mình trong luật không điều chỉnh.

Nhưng một vấn đề đặt ra là tại sao chúng ta thấy rằng tình trạng này nhiều, bởi vì nó liên quan đến việc bảo vệ người tố cáo. Cho nên tôi đề nghị luật cần quy định thêm các biện pháp thật cụ thể từ bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo đến các quy định cụ thể, các biện pháp giải quyết hậu quả như bị trả thù, bị trù dập mà người tố cáo có thể phải gánh chịu do việc tố cáo của mình gây ra. Ví dụ, trong khâu thụ lý đơn bao giờ cũng có khâu cơ quan nhận đơn phải gặp trực tiếp người tố cáo để xác định danh tính, nội dung tố cáo. Riêng khoản đó trong nội bộ cơ quan bao giờ cũng bị lộ, cho nên người ta rất ngại chuyện này.

Vì vậy liên quan đến nội dung này tôi cũng nhất trí trong dự thảo luật là hình thức tố cáo có thể mở rộng cả điện thoại, fax hoặc qua thư điện tử v.v..., mở rộng quyền người tố cáo và chính qua điện thoại, sau điện thoại người ta sẽ có thời gian xác minh đúng thì người ta vẫn có thể được bảo vệ bí mật của họ. Tôi xin tham gia một số nội dung như vậy, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan