Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nương – Cao Bằng

Thứ Sáu 10:09 19-11-2010

Kính thưa Đoàn chủ tịch.

Kính thưa Quốc hội.

Về cơ bản, tôi nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về Luật tố cáo. Qua tình hình thực tế những năm qua, nhất là năm 2010 tình hình tố cáo vẫn diễn biến ở các cơ quan Trung ương và kể cả ở các địa phương vẫn rất phức tạp. Số đơn tố cáo là 22 977 đơn, tăng 29,3% so với năm 2009. Nội dung tố cáo chủ yếu là lĩnh vực hành chính chiếm hơn 94%. Các đơn tố cáo chủ yếu tố cáo cán bộ, công chức có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài sản, tài chính, ngân sách Nhà nước và cách chế độ về bảo hiểm xã hội và chính sách xã hội, v.v. Công dân đi khiếu kiện chờ đợi để giải quyết khiếu nại, tố cáo rất bức xúc, thậm chí gay gắt, theo Báo cáo của Chính phủ.

Tôi nhất trí tán thành chủ thể tố cáo là công dân như quy định trong Hiến pháp, Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành với những lý do như trong Tờ trình của Chính phủ đã nêu và phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng tại Điều 1, Điều 2, Điều 3 của dự thảo luật.

Tôi xin tham gia ý kiến tại Điều 23 về hình thức tố cáo. Công dân tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ công vụ bằng các hình thức như tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo hoặc bản ghi lời tố cáo và tố cáo bằng điện thoại, thư điện tử và bằng fax. Người tố cáo phải ghi rõ họ tên và địa chỉ của mình, trình bày nội dung tố cáo một cách trung thực, rõ ràng, đồng thời cung cấp các thông tin tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được. Tôi nhất trí cao với việc đưa vào dự thảo luật lần này việc giải quyết tố cáo chỉ với loại tố cáo có ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo với hai hình thức tố cáo, đó là tố cáo trực tiếp và tố cáo bằng gửi đơn tố cáo. Loại đơn tố cáo không có họ tên, địa chỉ rõ ràng hoặc bản ghi lời tố cáo và hình thức tố cáo bằng điện thoại, thư điện tử, bằng fax thì không nên giải quyết với các lý do sau.

Trong thực tiễn việc tố cáo và giải quyết tố cáo đang diễn ra hết sức phức tạp, trong đó có nguyên nhân các quy định pháp lý trong hệ thống pháp luật của chúng ta chưa thống nhất, không đủ rõ là loại tố cáo nào thì được xem xét giải quyết, loại tố cáo nào thì không xem xét giải quyết. Ví dụ Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành không điều chỉnh loại tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo. Nghị định số 136/2006 của Chính phủ quy định không xem xét giải quyết tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ họ tên, địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp. Chỉ thị 37 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XI của Đảng cũng quy định: chỉ xem xét giải quyết đơn tố cáo có danh v.v... Việc quy định tại các văn bản trên đã tạo điều kiện thuận lợi, phát huy được vai trò tích cực đề cao trách nhiệm của người tố cáo, hạn chế tình trạng lợi dụng quyền tố cáo để gây rối làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Một số văn bản pháp luật khác đã quy định về việc xem xét tham khảo các thông tin tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, bằng chứng cụ thể để phục vụ công tác v.v....., việc này đã gây rất nhiều khó khăn cho chúng ta trong quá trình giải quyết tố cáo. Việc xem xét các thông tin tố cáo không có danh đã làm đơn thư tố cáo loại này tăng lên vô kể, đa số mang nội dung tố cáo không chính xác, thậm chí có nội dung bịa đặt, vu khống sai sự thật, gây hậu quả, tăng nghi ngờ, thiếu tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và chủ trương pháp luật của nhà nước làm mất đoàn kết. Việc này thực tiễn cuộc sống đã diễn ra rất phức tạp. Theo Báo cáo của Chính phủ trong 6881 đơn tố cáo thì có 912 tố cáo đúng, bằng 13,3%; 1945 tố cáo có đúng, có sai chiếm 28,6%; có 4025 tố cáo sai hoàn toàn chiếm 58,5%. Ở đây Báo cáo của Chính phủ không nêu những tố cáo này có danh hay có cả những tố cáo không có danh.

Tôi hiểu năm 2010 việc giải quyết khiếu nại tố cáo theo luật hiện hành thì số tố cáo như Báo cáo của Chính phủ là có danh. Như vậy việc tố cáo có danh nhưng tỷ lệ đơn tố cáo đúng chỉ chiếm 13,3% là rất thấp; số tố cáo sai chiếm gần 59% là quá cao. Như vậy nếu xem xét loại tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ thì số tố cáo sai sẽ tăng lên rất lớn.

Liên quan đến vấn đề đơn thư tố cáo nặc danh, tôi không nhất trí với dự thảo và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật chấp nhận các hình thức tố cáo bằng điện thoại, thư điện tử và fax. Thực tế hiện nay ở nước ta trừ một số trường hợp đặc thù ta chưa có khả năng để kiểm tra, xác minh một cách chính xác các thông tin tiếp nhận theo hình thức điện thoại, thư điện tử, fax từ người nào, từ nơi nào chuyển đến, đặc biệt ở những địa phương vùng sâu, vùng xa thiếu nhiều phương tiện thông tin và đội ngũ cán bộ có trình độ thấp. Nếu quy định như trong dự thảo luật sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xác minh và mâu thuẫn với việc không xử lý đơn thư nặc danh. Việc chỉ xem xét, giải quyết đơn tố cáo có danh, có địa chỉ rõ ràng cần được khẳng định lại một cách rõ ràng, được quy định chặt chẽ trong luật này cũng là việc nhà nước chúng ta tiếp tục đề cao vai trò, ý thức làm chủ của công dân, công dân phải có trách nhiệm sống theo Hiến pháp và pháp luật, pháp luật định hướng, điều chỉnh xã hội phát triển ngày càng tốt đẹp hơn.

Tại Điều 24 tôi đề nghị bỏ Khoản 3 về việc tiếp nhận, xử lý tố cáo bằng điện thoại, thư điện tử, fax.

Điều 14, về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo tại Điểm d bồi hoàn thiệt hại do hành vi tố cáo sai sự thật của mình gây ra, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung vào điểm này cụ thể là : bồi thường, bồi hoàn thiệt hại theo khoản, điều nào của luật gì để luật dễ thực hiện và có tính khả thi.

Điều 15: chuyển quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo tại Điểm c được khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo không đúng gây ra, đề nghị bổ sung theo điều, khoản nào, pháp luật gì để thực hiện và có tính khả thi cao.

Điều 16: quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo Mục 2, phần a, người giải quyết tố cáo có các nghĩa vụ sau đây bảo đảm khách quan, trung thực, đúng loại tố cáo có danh, đúng pháp luật trong việc giải quyết tố cáo, đề nghị thêm cụm từ "đúng loại tố cáo có danh, tuyệt đối không xem xét, giải quyết loại tố cáo không có danh". Nếu người giải quyết tố cáo cố tình xem xét, giải quyết loại tố cáo không có danh thì cũng phải được xem xét, xử lý trách nhiệm.

Về trách nhiệm của các cơ quan thông tin báo chí quy định tại Điều 12 của dự thảo luật tôi thấy dự thảo luật đã quy định tương đối đầy đủ về trách nhiệm của cơ quan thông tấn, báo chí. Tuy nhiên, tôi thấy hiện nay trên các báo có các phóng sự điều tra có yếu tố mang tính chất tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của một số tổ chức, cá nhân. Đề nghị luật phải bổ sung thêm điều khoản hoặc giao cho Chính Phủ hướng dẫn, quy định cụ thể cho cơ quan, tổ chức xử lý các thông tin đó, tránh tình trạng hiện nay có nhiều thông tin mang tính chất tố cáo được đăng trên báo chí nhưng không có các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, đã gây thêm bức xúc trong dư luận xã hội. Xin hết. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan