Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lưu Thị Chi Lan – Vĩnh Phúc

Thứ Sáu 10:07 19-11-2010

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu dự thảo luật và qua gợi ý của Chủ tọa kỳ họp, tôi xin có một số ý kiến đóng góp vào dự án Luật tố cáo như sau:

Vấn đề thứ nhất, về chủ thể tố cáo tôi thấy dự thảo Luật tố cáo được xây dựng xuất phát từ yếu tố tích cực của tố cáo. Đó là thông qua việc tố cáo sẽ giúp cho các cơ quan, Nhà nước kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Góp phần làm trong sạch bộ máy, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và làm lành mạnh hóa nền công vụ quốc gia, nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà nước.

Trong dự thảo luật có quy định chủ thể tố cáo là công dân như trong Hiến pháp và Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành. Tuy nhiên, tại một số văn bản quy phạm pháp luật khác thì lại quy định thêm chủ thể tố cáo là tổ chức. Sự thiếu thống nhất này đang dẫn tới có nhiều cách hiểu và thực hiện khác nhau trong quá trình giải quyết. Ngoài ra, thực tế công tác tiếp công dân và giải quyết tố cáo trong thời gian qua cho thấy xuất hiện thêm tình trạng tố cáo đông người. Có nhiều vụ, việc một tập thể, một nhóm người bị vi phạm quyền lợi. Ví dụ như trường hợp doanh nghiệp bị cán bộ thuế sách nhiễu hay trường hợp công ty xả chất thải ô nhiễm ra môi trường đối với một làng, một xã v.v...Do vậy, theo tôi dự thảo luật nên mở rộng cả chủ thể là tổ chức đứng ra tố cáo thì sẽ phát huy được sức mạnh của tập thể, nhất là trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Có một thực tế nữa là hiện nay đáng lẽ có những việc thuộc thẩm quyền của tập thể nhưng lại được quyết định theo ý kiến của cá nhân, do vậy làm phương hại tới lợi ích chung của tập thể. Trong khi đó, có một số người lại thủ tiêu đấu tranh và không dám đấu tranh, không dám tố cáo. Chính vì vậy, tôi đề nghị trong dự thảo Luật tố cáo nên bổ sung thêm hình thức tố cáo tập thể vì quyền lợi của tập thể đó. Tuy nhiên trong dự thảo luật cần có những quy định và chế tài cụ thể đối với hình thức tố cáo này.

Vấn đề thứ hai, về các hình thức tố cáo ở Điều 23. Trong dự thảo luật có quy định về các hình thức tố cáo như tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo hoặc bản ghi lời tố cáo, tố cáo qua điện thoại, thư điện tử, fax v.v... Tôi cho rằng việc mở rộng hơn hình thức tố cáo trong Luật tố cáo với những quy định như trên sẽ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo của mình.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan và đề cao trách nhiệm của công dân khi sử dụng các hình thức tố cáo trên và tránh việc lợi dụng tố cáo để tố cáo sai sự thật, vu cáo, bôi nhọ, hạ thấp nhân phẩm, uy tín và danh dự của người khác vì động cơ cá nhân; Đồng thời tạo cơ sở thuận lợi cho các cơ quan nhà nước trong việc tiếp nhận, xử lý và giải quyết tố cáo. Tôi cho rằng dự thảo luật cần có những quy định chặt chẽ và có các chế tài cụ thể đối với các hình thức tố cáo mới này.

Liên quan đến vấn đề tố cáo không rõ địa chỉ, người tố cáo. Tôi thấy có một thực tế không thể phủ nhận là mặc dù trong dự thảo luật không công nhận, nhưng hình thức tố cáo nặc danh hiện nay vẫn đang rất phổ biến. Nguyên nhân của tình trạng này là do liên quan đến nhiều vấn đề vốn rất nhạy cảm, nhiều khi sự việc có thật nhưng người tố cáo sợ liên lụy, trù úm, trả thù v.v... nên họ không muốn ghi rõ họ tên và địa chỉ của mình. Vì vậy, tôi cho rằng trong dự án Luật tố cáo và giải quyết tố cáo cần quy định cụ thể về việc giải quyết loại tố cáo này. Theo tôi trong những trường hợp tố cáo nặc danh nhưng có nội dung tố cáo rõ ràng, có bằng chứng cụ thể và có cơ sở xem xét, giải quyết thì vẫn cần được thụ lý. Tất nhiên quy trình thụ lý và giải quyết phải hết sức thận trọng và chặt chẽ.

Vấn đề thứ ba, về bảo vệ người tố cáo ở Chương V. Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 đã quy định một số nguyên tắc về bảo vệ người tố cáo và trong luật cũng đã quy định về xác định trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm v.v... cho người tố cáo. Nhưng những quy định đó chưa cụ thể và còn thiếu cơ chế tổ chức thực hiện, làm ảnh hưởng đến quyền tố cáo của công dân. Trên thực tế cũng có trường hợp người tố cáo đã bị trả thù, còn người vi phạm thì không bị xử lý do vậy nhiều người không dám tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, bởi vì sợ bị trả thù, trù dập và một số người khác thì tố cáo giấu tên, không nêu địa chỉ của mình. Trong dự thảo Luật tố cáo lần này đã có bổ sung thêm một chương mới về bảo vệ người tố cáo, trong đó có những quy định về quyền được bảo vệ bí mật, bảo vệ an toàn việc làm, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm v.v... của người tố cáo, trách nhiệm và các biện pháp xử lý của người vi phạm pháp luật về bảo vệ tố cáo.

Tôi nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật và thấy rằng dự án luật cần có những quy định cụ thể hơn về việc bảo vệ người tố cáo. Trong đó Luật tố cáo phải đề cao và bảo vệ quyền tố cáo của công dân, phải thật sự tạo đủ công cụ hình thành cơ chế hữu hiệu để bảo vệ an toàn tính mạng, danh dự, nhân phẩm và các quyền, lợi ích vật chất, tinh thần khác cho người tố cáo. Đồng thời cũng quy định về trừng trị nghiêm khắc đối với người lợi dụng quyền tố cáo để vu khống, làm hại người khác hoặc trả thù người tố cáo. Qua đó có thể thúc đẩy cho người dân tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm hơn vào công việc của Nhà nước, xã hội, thực hiện quyền làm chủ và góp sức mình xây dựng nhà nước trong sạch, xã hội công bằng, văn minh. Tôi xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan