Góp ý của Ngân hàng Tiên phong

Thứ Sáu 09:22 19-11-2010

NGÂN HÀNG TIÊN PHONG

-----------

Số: ....../2010/CV-TPB.PC

 

V.v. Góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn thu hồi giấy phép và thanh lý tài sản của TCTD, CNNHNN, VPĐD

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-----------o0o-----------

               

Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2010

 

          

 

 

 

 

 

 

 

 

        Kính gửi:       NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

                                        CƠ QUAN THANH TRA, GIÁM SÁT NGÂN HÀNG

 

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong xin được gửi lời chào trân trọng và lời cảm ơn chân thành tới Quý Ngân hàng Nhà nước.

 

Chúng tôi xác nhận đã nhận được Công văn số 8334/NHNN-TTGSNH ngày 03/11/2010 của Ngân hàng Nhà nước về việc “Góp ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng (TCTD), Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài (CNNHNN), văn phòng đại diện (VPĐD)”. Bằng công văn này, chúng tôi - Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong xin được có một vài ý kiến đóng góp đối với dự thảo Thông tư này như sau:

 

STT

Điều khoản

Nội dung

Quan điểm/Bình luận/Đề xuất

1

Khoản 1 Điều 2

Điều 1. Đối tượng áp dụng

1.       TCTD được thành lập và hoạt động theo Luật các TCTD (ngoại trừ TCTD là hợp tác xã, tổ chức tài chính vi mô).

Tuy loại hình TCTD hợp tác có đặc thù riêng, chịu sự điều chỉnh của Luật Hợp tác xã và việc thu hồi Giấy phép TCTD hợp tác cũng đã được điều chỉnh ở một văn bản riêng biệt, tuy nhiên, hợp tác xã cũng là một loại hình TCTD và đây lại là một văn bản điều chỉnh cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép và thanh lý tài sản của các loại hình TCTD nên quy định gọn trong văn bản này để tạo tính thống nhất.

ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI/BỔ SUNG

2

Khoản 2 Điều 6

Điều 6. Nguyên tắc áp dụng quy định về thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của TCTD, CNNHNN

2.       Trường hợp TCTD bị phá sản, Ngân hàng Nhà nước thu hồi Giấy phép ngay sau khi Toà án ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản của TCTD. Việc thanh lý tài sản của TCTD được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 05/2010/NĐ-CP hướng dẫn về việc áp dung Luật phá sản đối với các TCTD nên cần phải trích dẫn quy định này. Đề nghị sửa thành: “Trường hợp TCTD bị phá sản, Ngân hàng Nhà nước thu hồi Giấy phép ngay sau khi Toà án ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản của TCTD. Việc thanh lý tài sản của TCTD được thực hiện theo quy định của Chính phủ về phá sản TCTD và các quy định pháp luật về phá sản khác có liên quan”.

ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI

3

Chương II

CHƯƠNG II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Đề nghị làm rõ phạm vi và nội dung của Chương II này có bao gồm “VPĐD” của TCTD nước ngoài hay không vì nội dung quy định của Dự thảo chưa thống nhất.

Ví dụ, Mục I quy định đầy đủ về cả 3 loại hình: TCTD, chi nhánh và VPĐD nhưng Mục II và Mục III lại chỉ quy định về trình tự, thủ tục đối với TCTD, CNNHNN dẫn đến sự thiếu thống nhất.

ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI/BỔ SUNG

4

Điều 8

Điều 8. Quy trình thu hồi Giấy phép đối với TCTD, CNNHNN

Nên có quy định trích dẫn các trường hợp thu hồi giấy phép theo Điều 28 Luật các TCTD 2010 để tránh hiểu nhầm hoặc có quy định rõ “các trường hợp thu hồi giấy phép sẽ được áp dụng theo quy định tại Điều 28 Luật các TCTD 2010”.

ĐỀ XUẤT BỔ SUNG

5

Điều 9

Điều 9. Hồ sơ thu hồi Giấy phép đối với TCTD, CNNHNN

Không nên quy định thành một Điều riêng vì vấn đề này liên quan trực tiếp đến Điều 8. Đề nghị sửa đổi Điều 9 này thành Khoản 3 của Điều 9.

ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI

6

Điều 15

Điều 15. Thứ tự phân chia tài sản

Đề nghị bổ sung thủ tục thanh lý đối với các tài sản mà TCTD đi thuê, đi mượn của tổ chức/cá nhân khác, hoặc các tài sản mà TCTD có chung qưyền sở hữu với tổ chức/cá nhân khác.

ĐỀ XUẤT BỔ SUNG

7

Điều 15

Điều 15. Thứ tự phân chia tài sản

1.       Việc phân chia giá trị tài sản của TCTD, CNNHNN được thực hiện theo thứ tự sau đây:

1.6    Các khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản thế chấp hoặc cầm cố: Các khoản nợ này được ưu tiên thanh toán bằng chính tài sản thế chấp hoặc cầm cố đó. Nếu giá trị tài sản thế chấp hoặc cầm cố không đủ thanh toán số nợ thì phần nợ còn lại sẽ được thanh toán trong quá trình thanh lý tài sản của TCTD, CNNHNN; nếu giá trị của tài sản thế chấp hoặc cầm cố lớn hơn số nợ thì phần chênh lệch được nhập vào giá trị tài sản còn lại của TCTD, CNNHNN. Các chủ nợ này có quyền thoả thuận với nhau về tỷ lệ thanh toán nợ nhưng phải đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của TCTD, CNNHNN;

1.7    Các khoản nợ không có bảo đảm: Phải trả cho các chủ nợ trong danh sách chủ nợ theo nguyên tắc nếu giá trị tài sản đủ để thanh toán các khoản nợ thì mỗi chủ nợ đều được thanh toán đủ số nợ của mình; nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán các khoản nợ thì mỗi chủ nợ chỉ được thanh toán một phần khoản nợ của mình theo tỷ lệ tương ứng. Các chủ nợ này có quyền thoả thuận với nhau về tỷ lệ thanh toán nợ nhưng phải đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của TCTD, CNNHNN.

Vậy các khoản nợ được bảo đảm bằng các biện pháp bảo đảm không bằng tài sản như được bảo lãnh, tín chấp hoặc các hình thức bảo đảm khác theo quy định của luật Dân sự thì được giải quyết như thế nào?

Nên quy định cả việc giải quyết các khoản nợ có bảo đảm bằng các biện pháp bảo đảm này.

ĐỀ XUẤT BỔ SUNG

 

Trên đây là một vài ý kiến đóng góp của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong, rất mong Quý Ngân hàng Nhà nước quan tâm.

 

Trân trọng cảm ơn!

 

Nơi nhận:

-       Như Kính gửi;

-       Lưu VP.

NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN TIÊN PHONG

Tổng Giám đốc

 

 

(Đã ký)

 

_________________

Đào Trọng Khanh

 

Các văn bản liên quan