VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 154/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định về thủ tục quá cảnh hải quan ASEAN
Kính gửi: Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính
Trả lời đề nghị của Bộ Tài chính ngày 03/04/2019 về việc góp ý Dự thảo Thông tư ban hành các chỉ tiêu thông tin, mẫu chứng từ khai báo khi làm thủ tục quá cảnh hàng hoá; quản lý bảo lãnh hướng dẫn Nghị định về thủ tục hải quan đối với hàng hoá quá cảnh thông qua hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Về chuẩn dữ liệu và thông điệp trao đổi thực hiện trên hệ thống ACTS
Điều 4 của dự thảo quy định về việc công bố chuẩn dữ liệu và thông điệp trao đổi thực hiện hệ thống ACTS. Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực phần mềm rất quan tâm đến nội dung này vì đây sẽ là cơ sở để họ thiết kế, sản xuất các phần mềm cung cấp cho khách hàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng lo ngại tình trạng cạnh tranh không bình đẳng khi một vài doanh nghiệp biết trước thông tin và sản xuất trước các phần mềm phù hợp. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn về thời điểm, hình thức công khai thông tin về chuẩn dữ liệu và thông điệp trao đổi thực hiện trên hệ thống ACTS để người khai hải quan hoặc các đơn vị sản xuất phần mềm biết, chủ động xây dựng phần mềm đủ điều kiện kết nối với hệ thống ACTS. Bên cạnh đó, nên có độ trễ nhất định từ thời điểm công khai chuẩn dữ liệu đến khi vận hành chính thức hệ thống ACTS tại Việt Nam để người khai hải quan có điều kiện lựa chọn, thiết lập hệ thống phần mềm phù hợp.
- Về quản lý bảo lãnh
Dự thảo Thông tư quy định chỉ tiêu thông tin của thư bảo lãnh phải có: tên, địa chỉ chi nhánh/văn phòng đại diện của ngân hàng tại nước quá cảnh 1, nước quá cảnh 2 (nếu có) và nước đến. Như vậy có thể hiểu rằng ngân hàng bảo lãnh tại nước xuất phát phải có chi nhánh, văn phòng đại diện tại tất cả các nước mà hàng hoá quá cảnh đi qua thì thư bảo lãnh đó mới được chấp nhận hay không? Nếu trường hợp có nhiều ngân hàng tham gia bảo lãnh tại mỗi nước trên hành trình quá cảnh thì có được chấp nhận không? Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ quy định về tiêu chí và yêu cầu của Thư bảo lãnh khi thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hoá quá cảnh tại mục e Điều 5 của Dự thảo.
- Các chỉ tiêu thông tin tại Phụ lục I và II
Các chỉ tiêu thông tin tại các Phụ lục này mới chỉ dừng lại ở bước nêu tên và hướng dẫn nhập liệu cơ bản, chứ chưa có hướng dẫn chi tiết về cấu trúc, định dạng cụ thể, các bảng mã để người khai hải quan tham khảo. Nguyên nhân cho việc này có thể do các nước ASEAN chưa thống nhất được nội dung, thiết kế của hệ thống ACTS. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sau khi thống nhất được nội dung trên cần sớm ban hành tài liệu hướng dẫn để người khai hải quan nghiên cứu thực hiện.
- Về mẫu văn bản đề nghị áp dụng chế độ ưu tiên (Mẫu số 01/DNQCUT)
Mẫu số 01/DNQCUT quy định về công văn đề nghị áp dụng chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp, trong đó có một số nội dung thông tin yêu cầu doanh nghiệp cung cấp chưa hợp lý. Mẫu 01 yêu cầu doanh nghiệp cung cấp nội dung thay đổi trong giấy phép thành lập, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, loại hình doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh. Việc này là không cần thiết vì các chỉ tiêu thông tin này doanh nghiệp đều đã đăng ký với cơ quan nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm chia sẻ thông tin cho nhau, không nên yêu cầu doanh nghiệp kê khai lại. Mặt khác, doanh nghiệp đã phải nộp bản sao các giấy tờ có chứa nội dung trên trong bộ hồ sơ, Tổng cục Hải quan phải có trách nhiệm thẩm định. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ yêu cầu cung cấp các thông tin trên trong văn bản đề nghị áp dụng chế độ ưu tiên.
- Khai báo tỷ lệ tờ khai quá cảnh thực hiện trên hệ thống ACTS
Điều 32.2 của Nghị định quy định điều kiện để doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên là tỉ lệ tờ khai quá cảnh thực hiện trên hệ thống ACTS bằng 60% tổng số tờ khai quá cảnh qua các nước ASEAN mà doanh nghiệp thực hiện trong vòng 01 năm tính đến thời điểm đăng ký áp dụng chế độ ưu tiên. Tuy nhiên, đối với điều kiện về mức sử dụng thủ tục quá cảnh thông qua hệ thống ACTS tại mục 2, Dự thảo lại yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai: tổng số tờ khai quá cảnh qua các nước ASEAN theo từng năm thuộc tất cả các hình thức (có sử dụng ACTS và không sử dụng ACTS), tỉ lệ % số tờ khai sử dụng ACTS trên tổng số tờ khai quá cảnh qua các nước ASEAN theo từng năm. Mặt khác, hàng năm, doanh nghiệp đều phải lập báo cáo tình hình hoạt động cho Tổng cục Hải quan nên Tổng cục Hải quan là cơ quan đầu mối quản lý dữ liệu của doanh nghiệp và hoàn toàn có thể tự tra cứu được trên hệ thống quản trị của mình. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh sửa quy định theo hướng: doanh nghiệp chỉ cần cam kết đủ điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định tại Điều 32.2 Nghị định và cơ quan hải quan có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện tại Điều 32.2 thì trả lời doanh nghiệp bằng văn bản. Doanh nghiệp nếu không đồng ý với trả lời của cơ quan hải quan thì có quyền khiếu nại và cung cấp số liệu để đối chiếu.
Đối với điều kiện về lưu giữ hồ sơ, chứng từ, tài liệu tại Mục 3 và điều kiện tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế tại Mục 4, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi tương tự như góp ý trên.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư ban hành các chỉ tiêu thông tin, mẫu chứng từ khai báo khi làm thủ tục quá cảnh hàng hoá; quản lý bảo lãnh hướng dẫn Nghị định về thủ tục hải quan đối với hàng hoá quá cảnh thông qua hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.