VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khoẻ
Kính gửi: Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo – Bộ Y tế
Trả lời Công văn số 1724/BYT-K2ĐT ngày 01/04/2019 của Bộ Y tế về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khoẻ (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Khối lượng giảng dạy của giảng viên cơ hữu
Điều 10.3.e, Điều 12.3.d, Điều 15.3.d, Điều 17.3.d, Điều 22.3.d của dự thảo có quy định “Giảng viên cơ hữu giảng dạy ít nhất 50% tổng khối lượng học tập của chương trình đào tạo”. Quy định về khối lượng giảng dạy bắt buộc tối thiểu của giảng viên cơ hữu cũng sẽ đồng nghĩa với quy định thời gian giảng dạy tối đa của giảng viên thỉnh giảng.
Giảng viên cơ hữu có ưu điểm là luôn chủ động thời gian, sẵn sàng bố trí giảng dạy theo yêu cầu của cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, thực tế hiện nay là nhiều giảng viên cơ hữu thường mạnh về lý thuyết, nhưng lại ít va chạm thực tiễn, không phải là những người thực hành lâm sàng. Còn các giảng viên thỉnh giảng mạnh về kiến thức và kỹ năng thực tiễn nhưng lại khó khăn trong đáp ứng yêu cầu thời gian và khối lượng giảng dạy theo yêu cầu của cơ sở đào tạo.
Đối với đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khoẻ, trong Tờ trình và thuyết minh về việc xây dựng Nghị định, cơ quan soạn thảo cũng xác định đây là hoạt động cần chú trọng thực hành, giảm lý thuyết. Do vậy, quy định cứng về thời gian giảng dạy tối thiểu của giảng viên cơ hữu có thể đi ngược lại mục đích trên. Trường hợp cơ sở đào tạo có thể thu hút được nhiều giảng viên thỉnh giảng thì nên cho phép các cơ sở này bố trí tối đa thời gian giảng dạy.
Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bãi bỏ quy định về thời gian giảng dạy tối thiểu của giảng viên cơ hữu.
- Phân biệt giữa cơ sở công lập và ngoài công lập
Cũng tại các Điều 10.3.e, Điều 12.3.d, Điều 15.3.d, Điều 17.3.d, Điều 22.3.d có quy định “Đối với cơ sở đào tạo ngoài công lập phải có tối thiểu 40% giảng viên cơ hữu trong độ tuổi lao động đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Khoản này”. Đây là quy định có sự khác biệt giữa cơ sở công lập và ngoài công lập.
Quy định này được suy đoán là do các cơ sở đào tạo công lập bị giới hạn quyền tuyển dụng người lao động trên tuổi nghỉ hưu (theo Điều 187 của Bộ luật Lao động) nên cũng cần giới hạn tương tự đối với cơ sở ngoài công lập. Tuy nhiên, quy định như vậy là chưa phù hợp vì các lý do sau:
- Thứ nhất, việc giới hạn quyền tuyển dụng người lao động trên tuổi nghỉ hưu của các cơ sở công lập được quy định tại Luật Viên chức. Đây là việc Nhà nước, với tư cách là người sử dụng lao động, tự giới hạn quyền sử dụng lao động của mình. Còn người sử dụng lao động tư nhân không tự giới hạn quyền của mình và cũng không bị giới hạn theo pháp luật lao động.
- Thứ hai, các quy định về điều kiện nhân lực trong Nghị định này là nhằm bảo đảm năng lực cung cấp dịch vụ đào tạo của cơ sở được cấp phép. Những người lao động dù lớn tuổi, nhưng nếu vẫn còn sức khoẻ và đáp ứng được các yêu cầu về trình độ, năng lực thì hoàn toàn có thể tăng chất lượng dịch vụ đào tạo của cơ sở, không cần thiết phải hạn chế.
- Thứ ba, quyền lao động của người dân là quyền được Hiến pháp bảo vệ và người lao động không bị mất quyền này vì lý do tuổi cao. Do đó, quy định này sẽ hạn chế quyền lao động của người dân, dù người đó vẫn còn đủ năng lực để đóng góp cho xã hội và tìm kiếm thu nhập cho bản thân.
- Thứ tư, quy định này sẽ làm hạn chế khả năng cung cấp dịch vụ đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khoẻ. Trong bối cảnh nhân lực trong lĩnh vực này của Việt Nam hiện nay còn thiếu thì việc tận dụng mọi nguồn lực xã hội để cung cấp dịch vụ đào tạo này là điều rất quan trọng, kể cả đó là người cao tuổi tham gia lao động tự nguyện.
Với những lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ quy định phân biệt đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập như trên.
- Thủ tục mở ngành đào tạo chuyên sâu cấp văn bằng
Điều 28 của Dự thảo quy định về thủ tục mở ngành đào tạo chuyên sâu cấp văn bằng nhưng các mốc thời gian chưa thực sự chặt chẽ. Điều 28.3 mới chỉ quy định thời gian 60 ngày từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ đến khi Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo tổ chức thẩm định hồ sơ, nhưng lại chưa có quy định về thời gian từ khi thẩm định xong cho đến khi Bộ trưởng Bộ Y tế ra quyết định là bao lâu. Hơn nữa, khoảng thời gian 60 ngày là quá dài để thực hiện một thủ tục hành chính. Nhằm cải cách thủ tục hành chính, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng xác định thời gian 30 ngày từ khi nhận đủ hồ sơ cho đến khi Bộ trưởng ra quyết định (các công đoạn thẩm định và trình Bộ trưởng là việc nội bộ của cơ quan nhà nước, không cần xác định mốc thời gian cụ thể).
- Thu hồi quyết định cho phép mở ngành đạo tạo chuyên sâu cấp văn bằng
Điều 29.2.b của Dự thảo quy định về việc cơ sở sẽ bị thu hồi giấy phép khi “vi phạm quy định về tuyển sinh, quản lý, tổ chức đào tạo chuyên sâu”. Quy định như vậy là quá rộng vì còn tuỳ thuộc vào mức độ, phạm vi vi phạm thì mới áp dụng hình thức xử lý thu hồi giấy phép hay chỉ dừng lại ở việc phạt tiền. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo xác định rõ một số hành vi vi phạm ở mức độ nghiêm trọng thì mới áp dụng hình thức xử lý thu hồi giấy phép.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy đinh về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khoẻ. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.