VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khoẻ
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa
Kính gửi: Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Bộ Khoa học và Công nghệ
Trả lời Công văn số 994/BKHCN-TĐC ngày 09/4/2019 của Quý Cơ quan về việc đề nghị góp ý đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa (sau đây gọi tắt là Dự thảo), trên cơ sở tham khảo ý kiến doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Về lưu thông hàng hóa (điều 2 Dự thảo)
Lưu thông hàng hóa được định nghĩa tại khoản 7 điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 43) và được nhắc lại trong điều 2 Dự thảo gồm các hoạt động trưng bày, khuyến mại, vận chuyển và lưu giữ hàng hóa trong quá trình mua bán hàng hóa. Như vậy, khi vận chuyển trong quá trình mua bán hàng hóa, như vận chuyển từ cơ sở sản xuất, nhà máy đến đại lý hay đơn vị bán hàng, từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp bán, hàng hóa phải thực hiện việc ghi nhãn theo quy định tại Nghị định.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp có ý kiến về việc quy định như trên là chưa thực sự hợp lý, có thể gây ra khó khăn trên thực tế. Các trường hợp vận chuyển trong quá trình sản xuất hàng hóa rất đa dạng như vận chuyển từ cửa khẩu về kho lưu giữ, vận chuyển từ kho lưu giữ này sang kho lưu giữ khác, vận chuyển từ kho lưu giữ sang nhà máy/cơ sở sản xuất và ngược lại, vận chuyển từ nhà máy này sang nhà máy khác. Vì vậy, việc quy định hàng hóa vận chuyển từ kho lưu giữ đầu tiên đi nơi khác được coi là hàng hóa lưu thông và phải thực hiện ghi nhãn là không phù hợp với Nghị định 43, gây khó khăn và bất cập cho doanh nghiệp.
Từ lý do trên, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bỏ đoạn 3 điều 2 Dự thảo, đồng thời bổ sung giải thích chi tiết về lưu thông hàng hóa như giải thích trên để tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.
- Về vị trí nhãn hàng hóa trong trường hợp hàng hóa có cả bao bì trực tiếp và bao bì ngoài (điều 3 Dự thảo)
Khoản 2 điều 3 Dự thảo quy định về việc ghi nhãn hàng hóa trong trường hợp có cả bao bì trực tiếp và bao bì ngoài. Theo đó, nếu đối tượng mua bán là cả bao bì ngoài hoặc đơn vị hàng hóa nhỏ có bao bì trực tiếp bên trong thì phải ghi nhãn đầy đủ cho cả bao bì ngoài và bao bì trực tiếp.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu hàng hóa có thể bóc ra để bán lẻ từng đơn vị hàng hóa thì việc quy định hàng hóa phải ghi nhãn cả với bao bì ngoài là điều không cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thể hiện hình thức của bao bì ngoài.
Ví dụ: Sản phẩm hộp bánh trung thu thường gồm 4 bánh trung thu nhỏ, trong đó các đơn vị bánh trung thu này đều được bọc bao bì trực tiếp và thực hiện việc ghi nhãn với bao bì này. Bao bì ngoài là hộp bánh chủ yếu mang tính hình thức. Người tiêu dùng có thể dễ dàng xem các thông tin được ghi ở bao bì trực tiếp. Vì vậy, việc quy định phải ghi nhãn cho bao bì ngoài có thể khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thể hiện hình thức cho bao bì ngoài.
Từ lý do trên, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc sửa quy định trên theo hướng: “Nếu đối tượng hàng hóa là cả bao bì ngoài hoặc bán lẻ đơn vị hàng hóa nhỏ có bao bì trực tiếp bên trong thì phải ghi nhãn cho bao bì trực tiếp”. Đồng thời bỏ quy định tại Khoản 3.
- Về ghi nhãn hàng hóa trong trường hợp nhãn ghi thiếu, không đúng quy định (điều 5 Dự thảo)
Thứ nhất, đoạn 2 điều 5 Dự thảo quy định việc bổ sung và đính chính nội dung phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Quy định này vượt quá yêu cầu của Nghị định 43 và đặt ra một thủ tục hành chính mới cho doanh nghiệp. Trong khi đó, khoản 4 điều 14 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật nghiêm cấm việc quy định thủ tục hành chính trong thông tư, trừ trường hợp được giao trong luật.
Bên cạnh đó, việc ghi nhãn hàng hóa (được quy định tại Điều 9 Nghị định 43) là hoạt động tự thân của doanh nghiệp, không phải thực hiện đăng ký hay báo cáo với cơ quan nhà nước. Vì vậy việc bổ sung và đính chính nội dung cũng cần thực hiện theo chế độ tương tự.
Do đó, đề nghị ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng: “Trong trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu khắc phục, sửa chữa, các tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa phải thực hiện việc sửa đổi bổ sung trong (một khoảng thời gian theo quy định)”.
Thứ hai, đoạn 3 điều 5 Dự thảo quy định hai hình thức bổ sung, đính chính: (i) ghi trực tiếp lên nhãn hàng hóa; (ii) ghi trên vật liệu khác và gắn chặt lên nhãn hàng hóa. Thực tế, bên cạnh hai hình thức trên, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa còn có thể thay thế nhãn hàng hóa (có thể bao gồm việc thay thế bao bì thương phẩm). Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm hình thức này vào điều 5 Dự thảo.
Thứ ba, đề nghị bổ sung vào đoạn 3: “Việc bổ sung thêm hoặc đính chính nội dung bắt buộc trên nhãn thực hiện bằng cách ghi trực tiếp lên nhãn hàng hóa hoặc ghi trên vật liệu khác … Trừ trường hợp nội dung bắt buộc này đã có trên nhãn đính chính.” Vì thực tế có trường hợp việc đính chính một nội dung bắt buộc không thể không che lấp các nội dung bắt buộc khác khi các nội dung bắt buộc tập trung gần nhau trên bao bì.
- Về tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa (điều 6 Dự thảo)
- Khoản 1 điều 6 Dự thảo cho phép viết tắt một số từ chỉ địa giới hành chính. Việc này giúp tạo thuận lợi tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn. Tuy nhiên, Dự thảo cần quy định thêm một số từ viết tắt đã được sử dụng trong thực tế và không ảnh hưởng đến khả năng nhận biết của người tiêu dùng, chẳng hạn: “KCN” là viết tắt của “khu công nghiệp”; “TX.” là viết tắt của thị xã.
- Khoản 5 Điều 6 quy định: “Trường hợp hàng hóa được lắp ráp, đóng gói, đóng chai thì trên nhãn hàng hóa phải ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân lắp ráp, đóng gói, đóng chai và ghi tên, địa chỉ của tổ chức cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi lắp ráp, đóng gói, đóng chai.” Tuy nhiên nhiều trường hợp hàng hóa được sản xuất theo hợp đồng gia công và sau đó được đóng gói bởi một đơn vị khác. Việc bắt buộc ghi tên các đơn vị/cá nhân này là không cần thiết. Hơn nữa, hoạt động này có tính chất tương tự với quy định về gia công hàng hóa quy định tại khoản 3 (chỉ yêu cầu ghi tên tổ chức/cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa lưu thông), do đó, đề nghị Ban soạn thảo sửa khoản 5 theo hướng: cho phép ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa lưu thông trong nước và xuất xứ hàng hóa, nhưng phải có biện pháp để đảm bảo truy xuất được cơ sở sản xuất ra hàng hóa khi cần thiết hoặc có yêu cầu từ phía cơ quan quản lý.
- Góp ý khác đối với việc hướng dẫn Nghị định 43:
- Giải thích “nhãn gốc”: Khoản 3 Điều 3 Nghị định 43 giải thích: “Nhãn gốc của hàng hóa là nhãn thể hiện lần đầu do tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa”. Tuy nhiên trên thực tế có trường hợp doanh nghiệp in nhãn tiếng Việt tại nước ngoài thì nhãn đó cần được coi là nhãn gố
Cụ thể, với các công ty đa quốc gia thường sản xuất tại một nước xuất khẩu đi nhiều nước với những ngôn ngữ, nội dung ghi nhãn khác nhau tại các thị trường khác nhau. Khi doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đã nộp nhãn tiếng Việt (nhãn tiếng Việt đó được in ở nước ngoài) nhưng cơ quan quản lý lại yêu cầu doanh nghiệp nộp cả nhãn gốc (bằng tiếng nước ngoài) thì doanh nghiệp không thực hiện được.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định: “Nhãn gốc bao gồm cả nhãn tiếng Việt được in tại nước ngoài”.
- Về cách ghi thời hạn: đề nghị Ban soạn thảo bổ sung: đối với sản phẩm nhập khẩu mà thông tin NSX và HSD trên nhãn gốc được ghi bằng ký tự chữ (ví dụ: 20 Jan 2020) thì doanh nghiệp được phép bổ sung phần chú thích các ký tự chữ này trên nhãn phụ sản phẩm mà không cần phải ghi lại NSX và HSD theo ký tự số nữa.
Theo hướng dẫn của Codex về ghi nhãn thực phẩm bao gói sẵn (Codex stan 1-1985): Điểm (V) mục 4.7.1 cho phép nhà sản xuất ghi hạn sử dụng dạng ký tự chữ. Khi nhập các sản phẩm này về Việt Nam, nhà nhập khẩu phải chuyển sang ký tự số cho từng lô hàng sẽ gây tăng chi phí in ấn nhãn phụ (do phải in cho từng lô khác nhau) và rất phức tạp trong việc thực hiện in nhãn phụ.
- Phụ lục I: đề nghị sửa đổi nội dung về “Thông tin cảnh báo” là không bắt buộc đối với Thực phẩm và Đồ uống (trừ rượu) vì không phải tất cả các mặt hàng thuộc loại này đều có tác động đến sức khỏe con người.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.