Góp ý của Đại biểu Quốc hội Dương Thị Thu Hà – Lào Cai

Thứ Tư 09:35 17-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật khiếu nại tôi xin tham gia trực tiếp vào một số nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất là về việc tổ chức tiếp công dân. Theo quy định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cũng như dự thảo Luật khiếu nại lần này tại Điều 59 quy định tiếp công dân của thủ trưởng các cơ quan Nhà nước tại các Điểm a, b, c, d của Khoản 1 thì trách nhiệm tiếp công dân thuộc chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh. Thực tiễn tiếp công dân trong thời gian qua cho thấy theo chủ trương của Nhà nước ta đó là phân cấp mạnh cho cơ sở nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp do bận rất nhiều công việc phải thường xuyên đi họp vắng hoặc đi cơ sở hoặc giải quyết một số công việc khác nên rất khó duy trì lịch tiếp công dân theo quy chế tiếp công dân đã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc niêm yết tại trụ sở tiếp công dân, khi công dân thắc mắc cán bộ tiếp công dân rất khó xử lý hoặc có giải thích. Để phù hợp với thực tế nêu trên nên quy định việc ủy quyền tiếp công dân cho cấp phó khi chủ tịch đi vắng trong dự thảo luật này để khắc phục tình trạng bất cập trong thực tiễn thường xảy ra.

Thứ hai, về trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu và trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai. Tại Điều 29 quy định về thụ lý giải quyết khiếu nại lần đầu trong vòng 3 ngày người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết vào thời hạn giải quyết lần đầu không quá 10 ngày kể từ ngày thụ lý. Đối với vụ việc phức tạp được cho phép không quá 15 ngày.

Tại Điều 33 qui định thụ lý giải quyết lần hai trong thời hạn 10 ngày và thời hạn giải quyết khiếu nại là 30 ngày, vụ việc phức tạp cho kéo dài 45 ngày và dự thảo cũng đã quan tâm đối với vùng sâu, vùng xa được phép kéo dài không quá 60 ngày. Theo tôi thời hạn giải quyết khiếu nại trong dự thảo luật như trên là quá ngắn, không đảm bảo tính khả thi. Vì trước khi thụ lý giải quyết cán bộ tiếp công dân phải thực hiện các tác nghiệp theo qui định như báo cáo lãnh đạo, người có thẩm quyền giải quyết, phải nghiên cứu phân loại đơn, phân công cán bộ tham mưu nghiên cứu để giải quyết và thời gian ngắn còn sẽ rất khó khăn đối với một số thời điểm nóng, một số nơi phát sinh có nhiều đơn thư khiếu nại, những vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều cơ quan. Do đó tôi đề nghị đối với Điều 29, thời hạn 3 ngày tăng lên là 10 ngày. Đối với Điều 33 thời hạn 10 ngày, tôi đề nghị tăng lên 15 ngày để đảm bảo tính khả thi và để khắc phục tình trạng người khiếu nại lợi dụng pháp luật để cho rằng cơ quan giải quyết khiếu nại vi phạm thời hiệu.

Thứ ba, về thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại Khoản 3, Điều 23 qui định giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết khiếu nại giữa các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình, tôi đề nghị bỏ khoản này với lý do sau. Qua nghiên cứu Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội và các kỳ họp cuối năm về tình hình khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tôi thấy trong báo cáo chỉ nêu hiện tượng đùn đẩy, né tránh việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết mà chưa thấy có hiện tượng nào tranh chấp về thẩm quyền giải quyết. Cho nên theo tôi không cần phải đề cập vấn đề này trong dự thảo luật.

Thứ tư, về các vấn đề kiến nghị, đề nghị và phản ánh. Qua nghiên cứu nội dung của dự thảo luật, tôi thấy tại Điều 60, Điều 62 có đề cập đến việc tiếp nhận, kiến nghị, phản ánh. Tôi xin kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để bổ sung vào dự thảo luật cơ chế giải quyết kiến nghị, đề nghị, phản ánh của người khiếu nại cụ thể như sau: Tham khảo ý kiến của các cán bộ tiếp công dân trước Kỳ họp thứ 8 góp ý vào dự thảo luật này tôi được biết qua quá trình tiếp công dân có nhiều người đến phòng tiếp dân để khiếu nại nhưng thực chất lại là kiến nghị, đề nghị bởi trong nội dung khiếu nại cũng có nhiều nội dung liên quan đến kiến nghị, đề nghị và phản ánh của công dân mà hiện nay chưa có cơ chế xem xét, giải quyết. Ví dụ như các nội dung liên quan đến đất đai là lĩnh vực mà hiện nay có rất nhiều đơn thư khiếu nại như về khung giá đền bù thấp, chậm xây dựng khu tái định cư, giải quyết việc làm cho người lao động không có trình độ văn hóa hoặc đã hết tuổi lao động và một số chính sách hỗ trợ khác.

Một lý lo nữa theo tôi rất cần được quan tâm đó là hệ thống pháp luật của Nhà nước ta thường xuyên thay đổi và có nhiều văn bản hướng dẫn dưới luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, gây bất lợi về phía người dân. Tôi đề nghị cũng phải coi việc đề nghị, kiến nghị liên quan trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người đi khiếu nại cũng được xem xét giải quyết trong luật này.

Cuối cùng tôi đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại tất cả các nội dung trong dự thảo luật để cho đúng với đối tượng và phạm vi điều chỉnh trong dự án luật và để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với Luật tố cáo, Luật tố tụng hành chính, Luật thanh tra mà Quốc hội đang cho ý kiến và sẽ thông qua tại kỳ họp này. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan