Góp ý của Đại biểu Quốc hội Vũ Quang Hải – Hưng Yên

Thứ Tư 09:30 17-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi cơ bản đồng ý với dự thảo luật do Chính phủ trình bày, song tôi có một số ý kiến tham gia như sau:

Về dự thảo Luật khiếu nại xây dựng trên cơ sở chúng ta có Luật khiếu nại, tố cáo và bây giờ chúng ta xây dựng dự thảo Luật khiếu nại phải có một tiến trình giải quyết mới hơn và phải giải quyết được những tồn tại mà trong Luật khiếu nại, tố cáo trước kia chúng ta đã đề cập nhiều, nhưng chưa giải quyết được.

Về phần giải thích từ ngữ, tôi xin đặt vấn đề là trong phần giải thích từ ngữ của dự thảo Luật khiếu nại thì quyết định hành chính là một quyết định bằng văn bản của cơ quan hành chính Nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước, áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính. Trong khi đó thì hành vi hành chính được giải thích là hành vi của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện, cả hai giải thích này chúng tôi hoàn toàn đồng ý, nhưng trong Luật tố tụng hành chính thì cách giải thích lại khác. Trong Luật tố tụng hành chính thì cách giải thích văn bản phần đầu về mặt cơ bản vẫn đúng như thế, nhưng phần thứ hai thì văn bản không thể hiện dưới hình thức quyết định được cơ quan hành chính Nhà nước và cơ quan khác của Nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong các cơ quan ban hành được áp dụng một lần đối với một đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong họat động quản lý hành chính Nhà nước, cũng được coi như một quyết định hành chính. Như vậy, trong cùng một thời điểm chúng ta thông qua dự thảo của hai bộ lụât thì hai giải thích từ ngữ đã khác nhau.

Tôi đề nghị chúng ta nên thống nhất cách giải thích từ ngữ cho chuẩn mực và tôi cũng đồng ý với một số quan điểm của một số đại biểu đã đặt vấn đề trước tôi. Đó là nếu chúng ta xác định việc không thực hiện quyết định hành chính thì coi như một hành vi không chấp hành và đã là một hành vi hoặc là chấp hành hay không chấp hành, thì theo tôi việc đó đã là vi phạm và sẽ bị khởi kiện coi như việc khiếu nại của người không ra quyết định hành chính theo tôi cũng rất hợp lý, nhưng cũng phải được thể hiện rõ trong giải thích từ ngữ, bởi vì nếu không giải thích rõ thì theo tôi vẫn có rất nhiều trường hợp vận dụng những văn bản không phải là quyết định hành chính để làm chậm đi giải quyết quyền khiếu nại của công dân. Như vậy luật này chúng tôi thấy hiệu quả vẫn chưa cao và theo tôi cách đặt vấn đề chúng ta phải ghi ngay vào giải thích từ ngữ cho rõ ràng rằng những người không ra quyết định giải quyết hành chính những vấn đề khác thì đó là hành vi không chấp hành và người dân sẽ được quyền khiếu nại hành vi này.

Vấn đề thứ hai, tại Điều 7 quy định các hành vi nghiêm cấm, tôi đề nghị tách thành 2 điều bởi vì trong này hành vi nghiêm cấm người ra quyết định khiếu nại và hành vi nghiêm cấm của người khiếu nại đều được thiết kế trong một điều như vậy sẽ không khoa học. Theo tôi từ Khoản 1 đến Khoản 4 phần thuộc về người giải quyết khiếu nại thì nên là một điều, còn từ Khoản 4 đến Khoản 8 thuộc về quyền của người khiếu nại thì nên thiết kế về một điều thì sẽ rất khoa học và rõ ràng trách nhiệm khác nhau hơn và người dân sẽ dễ hiểu hơn.

Tại Điều 9 có quy định là người khiếu nại yêu cầu người ra quyết định xem xét hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật về mặt tố tụng hành chính hoặc yêu cầu người ra quyết định giải quyết. Đây là 2 nhánh và theo tôi trong thiết kế lần này bước đầu đã thỏa mãn được việc người dân có quyền khiếu nại ngay từ quyết định ban đầu của cơ quan hành chính nhà nước, hoặc người ta có quyền khởi kiện ngay người ra quyết định hoặc khởi kiện ra tòa hành chính. Như vậy nó có một cái lợi là bản thân các cơ quan khi ra quyết định hành chính ngay từ ban đầu sẽ phải rất thận trọng hơn. Tôi nghĩ đó là tiến bộ của Điều 9, đó cũng là điều mới và rất cần thiết.

Điều 10, tôi cũng đồng ý với một số ý kiến trước tôi đó là việc giải quyết khiếu nại đông người, nếu chúng ta coi như khiếu nại đông người hiện nay đang là một thực tế diễn ra là khá phổ biến ở nhiều nơi, đặc biệt trong việc giải quyết đất đai, giải quyết về thu hồi đất đối với các doanh nghiệp và các công trình công cộng thấy việc khiếu nại đông người đối với quyền lợi của người dân trong thời gian vừa qua có xu thế ngày càng tăng. Theo tôi đây là thực tế rất chậm và khó giải quyết, các thống kê cho biết giải quyết khiếu nại đông người nhìn chung tuy chúng ta tập trung rất cao dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng rõ ràng trách nhiệm vẫn phải giải quyết. Tôi đề nghị trong bộ luật này dứt khoát thiết kế 1, 2 điều liên quan đến việc giải quyết khiếu nại đông người, cách tách ra như một số đại biểu nói trước tôi, tôi hoàn toàn đồng ý. Chúng ta không nên né tránh một thực tiễn, thực tiễn ấy hiện nay đang là điều hết sức bất cập.

Tôi xin đặt vấn đề như sau: Nếu chúng ta có nhiều người khiếu nại đông người cùng một nội dung, cùng một sự việc, chúng ta yêu cầu tách ra cho từng cá nhân một, yêu cầu các cơ quan Nhà nước phải giải quyết theo hướng cho từng cá nhân, về mặt lý thuyết cũng rất là hay, nhưng trong thực tiễn sẽ khó cho tất cả các cơ quan giải quyết, khó cho cả công dân. Tôi ví dụ việc khiếu nại đông người của vài trăm công dân có liên quan đến việc thu hồi đất, giải phóng, đền bù, nếu cơ quan giải quyết phải tách ra khoảng vài trăm đơn. Cơ quan thụ lý giải quyết trong 10 ngày phải giải quyết luôn việc mấy trăm hộ như thế, liệu có đủ thời gian để giải quyết không? Trong luật này theo tôi chúng ta đã giải quyết được rất nhiều việc, nhưng có những việc chúng ta không nên né tránh, đó là nên giải quyết việc khiếu nại đông người bằng một số điều khoản cụ thể. Xin hết. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan