Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy – TP Đà Nẵng

Thứ Tư 09:29 17-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Cho ý kiến vào dự thảo Luật khiếu nại, tôi xin phát biểu 3 nội dung, thứ nhất là về thẩm quyền giải quyết, thứ hai là về phòng ngừa, ngăn chặn nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại và thứ ba là một số vấn đề Chính phủ xin ý kiến Quốc hội.

Nội dung thứ nhất, trước hết về giải quyết khiếu nại hành chính, tôi thấy rằng dự thảo luật chưa xây dựng được một cơ chế mới để giải quyết có hiệu quả các khiếu nại hành chính, không khắc phục được những tồn tại. Đó là việc giải quyết còn mang nặng tính hành chính qua nhiều thủ tục, tầng nấc mà chưa đảm bảo được tính chuyên nghiệp và cũng chưa được chuyên môn hóa. Theo tôi không nên tiếp tục duy trì cơ chế giải quyết khiếu nại qua hai lần như hiện nay, bởi vì lần đầu do người có quyết định hành chính bị khiếu nại giải quyết cho nên thường thiếu khách quan. Lần thứ hai là do thủ trưởng cơ quan trực tiếp giải quyết cho nên thường thiếu công bằng, vì ít nhiều khó tránh khỏi biểu hiện của thiên vị, bao che, dung túng cho cấp dưới.

Mặt khác, tôi thấy nhiều trường hợp người khiếu nại không phải là không biết cơ quan có thẩm quyền giải quyết và họ cũng không muốn khiếu nại vượt cấp hay gửi đi nhiều nơi mà do tâm lý của không ít người có thẩm quyền giải quyết là khi có ý kiến của cơ quan báo chí, của đại biểu dân cử, của thủ trưởng cấp trên dội xuống thì mới chịu giải quyết. Chính vì vậy tôi đề nghị cần đổi mới cơ chế giải quyết khiếu nại, cụ thể là theo hướng nghiên cứu thành lập cơ quan tài phán để giải quyết đem lại ít nhất 4 ưu điểm sau:

Thứ nhất, bảo đảm tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong việc giải quyết.

Thứ hai, giảm tải áp lực công việc cho các thủ trưởng cơ quan hành chính.

Thứ ba, bảo đảm lợi ích của các bên do việc giải quyết được tiến hành một cách công khai, minh bạch.

Thứ tư, bảo đảm được tính kịp thời, nhanh chóng, khắc phục được tình trạng giải quyết bị kéo dài.

Về giải quyết khiếu kiện hành chính, theo dự thảo luật còn đường để người dân đến tòa hành chính về mặt lý thuyết là không có gì trở ngại mà còn thênh thang hơn trước, kiện hẳn ra tòa. Theo tôi đó là việc cần thiết nhưng nó sẽ không làm gia tăng đột biến số lượng vụ án hành chính khi Luật tố tụng hành chính và luật này có hiệu lực, bởi vì chúng ta biết người dân hiện tại họ ít chọn con đường kiện ra tòa do vẫn còn có những rào cản tư duy từ phía công quyền như còn có những người cầm cân nảy mực vừa thiếu năng lực vừa thiếu tâm, mặt khác tòa hành chính ở vị thế thấp hơn phụ thuộc vào cơ quan hành chính nên trong một số trường hợp đâu dám phán bất lợi cho bị đơn là thủ trưởng cơ quan hành chính bởi vậy người dân thiếu tin tưởng vào chốn pháp đình cho nên thường tính toán nếu chia sẻ lợi ích đó với cán bộ địa chính, thuế, hải quan v.v... thì vừa nhanh, vừa rẻ, vừa an toàn hơn kiện ra tòa. Do đó con đường đi kiện nhiều lúc không được coi là cách thức để giải quyết hợp lý nhất, hiệu quả nhất, cho nên dễ hiểu có hiện tượng xã hội đã tìm kiếm những giải pháp khác như hối lộ, mãi lộ, phong bao, phong bì để tự điều chỉnh mà không dùng đến pháp luật. Vì vậy, nếu như chúng ta chỉ dừng lại giải quyết được về mặt cơ chế mà không giải quyết được vấn đề con người để vận dụng thực hiện cơ chế đó trong thực tiễn thì cũng khó mà đạt được hiệu quả.

Nội dung thứ hai, dự thảo luật chưa đề cập đến việc phòng ngừa ngăn chặn nguyên nhân là phát sinh khiếu nại, cho nên tôi đề nghị giữ lại Điều 3 của luật hiện hành và coi đây là nguyên tắc phòng ngừa và giải quyết tranh chấp trong giai đoạn tiền khiếu nại hành chính, hay nói một cách khác đây chính là trách nhiệm của các cơ quan hành chính trong quá trình quản lý ngay trước khi xảy ra khiếu nại. Bởi vì quản lý là một hoạt động hết sức đa dạng phong phú nó diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Mặt khác hoạt động quản lý là đòi hỏi sự nhanh nhạy, kịp thời để mà xử lý nhiều tình huống đặt ra. Do đó khi thực hiện công tác quản lý thông qua việc ban hành các quyết định hành chính và thực hiện hành vi hành chính thì khó có thể bảo đảm chắc chắn tính đúng đắn trong quyết định và hành vi của mình. Chính vì lẽ đó mà công tác tự kiểm tra xem xét lại quá trình thực hiện là hết sức quan trọng nếu như thấy trái pháp luật thì phải kịp thời sửa chữa, khắc phục để tránh phát sinh khiếu nại và đây chính là nội dung của Khoản 1, Điều 3 luật hiện hành.

Còn Khoản 2, Điều 3 luật hiện hành qui định Nhà nước khuyến khích việc hòa giải các tranh chấp trong nội bộ nhân dân trước khi giải quyết. Thực tiễn cho thấy mặc dù các tranh chấp trong nội bộ nhân dân có tính chất dân sự nhưng nó lại liên quan đến trách nhiệm quản lý hành chính của cơ quan chính quyền mà nhất là chính quyền cơ sở. Vì vậy, nếu như chúng ta quan tâm giải quyết thấu tình, đạt lý ngay từ đầu thì sẽ chấm dứt tranh chấp. Do đó cần chú trọng việc hòa giải, vận động, thuyết phục người dân hơn là vội vã can thiệp bằng một quyết định hành chính để giải quyết dẫn đến phát sinh khiếu nại. Bởi vì chúng ta đều biết rằng người dân có oan ức mới khiếu nại, hoặc chưa hiểu rõ chính sách pháp luật của Nhà nước mà khiếu nại, nếu như chúng ta vận dụng tốt Điều 3 luật hiện hành sẽ góp phần thực hiện lời dạy của Bác Hồ "xét xử đúng là tốt nhưng không phải xét xử thì càng tốt hơn".

Nội dung thứ ba, về 2 vấn đề xin ý kiến:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, tôi cơ bản nhất trí với dự thảo luật, tuy nhiên đề nghị cần xác định rõ việc áp dụng Luật khiếu nại để giải quyết loại khiếu nại nào của đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời tôi đề nghị thiết kế thành một chương riêng để điều chỉnh cho phù hợp, tương tự như Chương IV về khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.

Vấn đề thứ hai, về khiếu nại đông người, có thể nói rằng đây là một vấn đề khá phức tạp và nhạy cảm, nếu dự thảo luật không đề cập đến là không có gì mới. Bởi vì thực tiễn cho thấy chỉ 3 năm lại đây, số lượt đoàn đông người khiếu nại tăng nhanh, năm 2008 là 1.061, năm 2009 là 2.510, năm 2010 là 3.592 lượt đoàn. Nhiều đoàn với đông đủ thành phần nam nữ có, già trẻ có, có cả những người hiếu kỳ, có cả những người bị khích động, những người bị lôi kéo v.v... Đây là một thực tế không thể né tránh vì khi vụ việc xảy ra để góp phần ổn định chính trị, xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển thì các cơ quan Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm xem xét giải quyết, dù là giải quyết dưới bất kỳ hình thức nào, dù là pháp luật chưa quy định.

Từ thực tế trên đòi hỏi chúng ta cần phải nhìn thẳng vào bản chất của sự việc, khiếu nại đông người thực chất có phải là biểu tình với quy mô nhỏ không. Nếu như xác định đúng như vậy để khi nghiên cứu xây dựng Luật biểu tình sẽ điều chỉnh một cách cơ bản, toàn diện nhưng chí ít trong luật này cũng cần quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc về việc xem xét, giải quyết khiếu nại đông người. Ngoài ra tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung một số nội dung sau:

Thứ nhất là trường hợp cùng một lúc mà người khiếu nại vừa gửi khiếu nại đến cơ quan hành chính, vừa khiếu kiện ra tòa thì cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết và sự liên hệ, sự phối hợp giữa các cơ quan này như thế nào để thông báo cho nhau biết được về việc thụ lý giải quyết.

Thứ hai là phải có cơ chế bắt buộc người khiếu nại phải thực hiện nghĩa vụ là khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết để tránh khiếu nại vượt cấp, khiếu nại tràn lan.

Thứ ba, cũng cần có chế tài xử lý đối với trường hợp cố tình khiếu nại sai, không chấp hành quy định pháp luật, bởi vì khiếu nại đó là quyền của công dân. Nhưng quyền đó phải được thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật.

Thứ tư là quy định những trường hợp cơ quan Nhà nước được phép từ chối tiếp công dân.

Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan