Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Phương Hoa – Nam Định

Thứ Tư 09:28 17-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Sau khi nghiên cứu dự thảo luật Luật khiếu nại tôi cơ bản nhất trí các nội dung của dự thảo luật, trừ những vấn đề sau đây:

Thứ nhất, về thời hạn thụ lý và giải quyết đơn khiếu nại, dự thảo luật quy định thời hạn thụ lý khiếu nại lần 1 là 3 ngày, kể từ ngày nhận đơn. Theo tôi quy định như vậy là quá ngắn và không khả thi, đặc biệt trong những trường hợp nhận đơn vào thứ 6 thì ít nhất là đến thứ 2 mới có thể thụ lý được và như vậy không đảm bảo thời hạn thụ lý là điều dễ xảy ra. Tôi đề nghị quy định thời hạn thụ lý là 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn.

Tôi cũng đề nghị quy định rõ việc thụ lý phải ra quyết định thụ lý trong đó gồm có các nội dung cụ thể sau đây: họ tên, địa chỉ người khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, nội dung khiếu nại, cơ quan chủ trì thẩm tra, xác minh, thời hạn xác minh. Hiện nay do luật hiện hành không quy định về việc việc ra quyết định thụ lý nên việc thụ lý, khiếu nại mỗi nơi một kiểu, do đó cần có quy định cụ thể và thống nhất để áp dụng. Mặt khác, về định lượng ngày trong dự thảo luật tôi đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ ngày làm việc hay ngày bình thường vì trong dự thảo luật có dùng định lượng ngày, nhưng không nói rõ nên việc áp dụng luật có thể sẽ tùy tiện theo cách hiểu của mỗi người, nên không có sự thống nhất. Về thời hạn giải quyết khiếu nại dự thảo quy định 10 ngày là không khả thi, khi số lượng khiếu nại mỗi năm tăng thêm vài chục phần trăm, nội dung khiếu nại đa dạng, đặc biệt là các khiếu nại về đất đai thì việc thẩm tra, xác minh mất nhiều thời gian và hết sức phức tạp. Luật hiện hành quy định thời hạn là 30 ngày, tối đa là 45 ngày, nhưng năm 2010 có tới 53,3% số vụ việc khiếu nại được giải quyết đúng hạn, số còn lại được giải quyết chậm so với quy định, nếu rút ngắn thời hạn xuống còn 10 - 15 ngày như dự thảo thì con số này sẽ lớn hơn rất nhiều lần, luật không khả thi thì các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại sẽ thành những người vi phạm pháp luật đầu tiên, do đó tôi đề nghị giữ nguyên thời hạn như quy định của Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành là 30 ngày, đối với vùng sâu, vùng xa không quá 45 ngày.

Thứ hai, về việc đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại dự thảo luật quy định việc tổ chức đối thoại là thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết khiếu nại lần 2. Tôi đề nghị bổ sung thêm vào cả quá trình giải khiếu nại lần 1 vì những lý do sau đây:

Về phía người khiếu nại, do sự hiểu biết về pháp luật của một bộ phận nhân dân còn chưa đầy đủ, nếu đưa việc đối thoại vào ngay từ giai đoạn đầu để giải thích cho người khiếu nại rõ những căn cứ pháp luật để ban hành quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính bị khiếu nại, quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, lợi ích chung của cộng đồng khi thực hiện quyết định hành chính, hành vi hành chính thì rất có thể người khiếu nại sẽ rút đơn khiếu nại, hoặc chấp thuận quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà không khiếu nại tiếp nữa.

Về phía cơ quan người ban hành quyết định hành chính, hoặc thực hiện hành vi hành chính thông qua đối thoại để nhìn nhận rõ hơn việc ban hành quyết định đã đúng, đầy đủ theo quyết định của pháp luật chưa? đã phù hợp với thực tế và đảm bảo lợi ích của những người có liên quan chưa? Từ đó có những điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với qui định của pháp luật, hạn chế việc tiếp tục khiếu nại lên cấp trên, hoặc khiếu nại vượt cấp.

Thứ ba, về việc rút khiếu nại qui định tại Điều 12, tôi đồng ý với qui định người khiếu nại có quyền rút khiếu nại tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại. Tuy nhiên để việc rút khiếu nại được chặt chẽ, tôi đề nghị bổ sung qui định về việc ra quyết định đình chỉ giải quyết khiếu nại khi người khiếu nại có đơn xin rút khiếu nại và khi đã có quyết định đình chỉ, người khiếu nại không khiếu nại tại cơ quan hành chính có thẩm quyền giải quyết nữa, mà có quyền khởi kiện tại tòa án hành chính theo qui định của Luật tố tụng hành chính.

Về khiếu nại đông người, những năm gần đây kinh tế nước ta ngày càng phát triển, việc thu hồi đất để triển khai các dự án thường liên quan đến quyền lợi của nhiều người và thực tế dù pháp luật không cho phép, nhưng khiếu nại đông người vẫn xảy ra và cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể từ chối việc giải quyết. Do đó tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm qui định về khiếu nại đông người và tách ra làm hai trường hợp cụ thể. Đối với việc khiếu nại mà nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì hướng dẫn công dân làm chung một đơn khiếu nại và cử người đại diện tham gia trong quá trình giải quyết khiếu nại.

Đối với việc khiếu nại đông người nhưng mỗi người khiếu nại một nội dung thì hướng dẫn từng người làm đơn riêng và thụ lý riêng từng trường hợp để giải quyết.

Thứ năm, về việc tổ chức, tiếp công dân. Tôi nhất trí với việc đưa nội dung tiếp công dân vào dự thảo luật, song tôi đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm một số quy định cụ thể và chặt chẽ về quyền và nghĩa vụ của công dân, trách nhiệm của lãnh đạo tiếp công dân, của cán bộ chuyên trách tiếp công dân, trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện ý kiến kết luận của lãnh đạo sau khi tiếp công dân việc kiểm tra, đôn đốc các cơ quan đó thực hiện kết luận thông báo của lãnh đạo.

Đối với những trường hợp khiếu nại của công dân đã được giải quyết theo đúng quy định của Luật khiếu nại, nhưng công dân vẫn không đồng ý thì cơ quan nhận đơn phải giải quyết cho công dân hoặc hướng dẫn công dân khởi kiện ra tòa. Trường hợp đã có bản án thì giải quyết và vận động công dân thi hành bản án, chứ không nên nhận đơn rồi lại chuyển xuống dưới để công dân hy vọng, tiếp tục đi lại, tốn kém thời gian, tiền bạc của công dân, gây khó khăn cho các cơ quan nhận đơn chuyển xuống thì đã hết thẩm quyền giải quyết nhưng vẫn cứ phải xem xét, trả lời đi, trả lời lại nhiều lần dù không thể giải quyết khác được. Nếu đã giải thích mà công dân vẫn tiếp tục khiếu nại thì cơ quan đó có quyền từ chối tiếp công dân.

Cuối cùng, đề nghị của Ủy ban thẩm tra dự án luật về việc bổ sung vào Điều 3 một khoản giải thích về quyết định giải quyết khiếu nại theo hướng các văn bản liên quan đến việc giải quyết khiếu nại bao gồm thông báo, công văn, kết luận có nội dung giải quyết khiếu nại được xem như là quyết định giải quyết khiếu nại. Theo tôi, không nên đưa vào luật để công nhận và hợp pháp hóa loại văn bản này, một mặt nên có biện pháp chế tài đối với người có thẩm quyền giải quyết cố tình trì hoãn việc giải quyết khiếu nại. Mặt khác hướng dẫn cho công dân thực hiện quyền khởi kiện ra tòa, vì Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành quy định "hết thời hạn giải quyết mà cơ quan có thẩm quyền không giải quyết thì công dân có quyền khởi kiện ra tòa" hoặc Luật tố tụng hành chính sẽ có hiệu lực tại thời điểm Luật khiếu nại mới được thông qua cũng quy định công dân có quyền khởi kiện ra tòa ngay mà không cần có quyết định giải quyết khiếu nại.

Trên đây là một số ý kiến đóng góp của tôi vào dự thảo luật. xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan