Góp ý của Liên minh Hợp tác xã – Doanh nghiệp ngoài quốc doanh tỉnh Quảng Ninh

Thứ Ba 14:31 19-03-2013

UBND TỈNH QUẢNG NINH

LIÊN MINH HTX – DNNQD

---------------------------

Số: 26/BC-LM

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-----------------------------------

                Hạ Long, ngày 04  tháng 3  năm 2013

BÁO CÁO

Tổng hợp ý kiến tham gia về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

********

Thực hiện chỉ thị số 22 CT/TW ngày 28/12/2012 của Bộ chính trị (khoá XI), Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/11/2012, kế hoạch số 42 KH/TU ngày 09/1/2013 của Tỉnh uỷ Quảng Ninh, kế hoạch số 13 KH/HĐND ngày 8/1/2013 của HĐND tỉnh Quảng Ninh về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2012. Liên minh HTX-DNNQD tỉnh Quảng Ninh đã triển khai tổ chức thực hiện theo đúng quy định, trên cơ sở kết quả triển khai thực hiện Liên minh HTX-DNNQD tỉnh Quảng Ninh tổng hợp báo cáo cụ thể như sau:

Các ý kiến thống nhất cao và cho rằng Hiến pháp ban hành năm 1992 trong hoàn cảnh những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 6 của Đảng đề ra. Hiến pháp năm 1992 đã tạo cơ sở pháp lý chính trị quan trọng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới. Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp 1992 đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Vị thế của Việt Nam trên trường Quốc tế ngày càng được khẳng định.

Ngày nay đất nước có nhiều thay đổi, lại trong bối cảnh quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng đã xác định mục tiêu, phương hướng, định hướng phát triển toàn diện bền vững về việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì vậy việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một đòi hỏi tất yếu khách quan nhằm phát huy trí tuệ, sức mạnh của toàn dân tộc, nghĩa vụ và quyền lợi của mọi tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc cũng như tích cực và chủ động hơn nữa trong việc hội nhập quốc tế.

Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã nêu đầy đủ mọi vấn đề trong các chương, các điều, qua việc triển khai thực hiện, tại đơn vị có một số ý kiến tham gia cụ thể như sau:

Điều 1 (Sửa đổi bổ sung điều 1):

Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền… theo nhiều ý kiến nên đổi chỗ cụm từ dân chủ đặt sau cụm từ có chủ quyền và đọc lại là: Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền dân chủ, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ… Đổi chỗ như vậy để thể hiện sự khẳng định mạnh mẽ độc lập chủ quyền của quốc gia, đồng thời thể hiện việc tôn trọng quyền dân chủ của nhân dân.

Điều 4 (Sửa đổi bổ sung điều 4):

Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Các ý kiến cho rằng không nên dùng từ “đồng thời” mà nên: Đảng Cộng sản Việt Nam đội tiên phong của giai cấp công nhân, đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Nêu như vậy có sự gắn bó hơn, nó không làm mất đi bản chất của giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo của toàn xã hội, hơn nữa từ ngày ra đời đến nay Đảng luôn luôn là đội tiên phong tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc để chiến thắng mọi kẻ thù và xây dựng đất nước.

Điều 5 (Sửa đổi bổ sung điều 5):

Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hoà nhập vào sự phát triển chung của đất nước. Nhiều ý kiến cho rằng nên bổ sung từ tạo mọi sáng tạo thay cụm từ “dân tộc tiểu số” bằng cụm từ: “dân tộc ít người” vào câu này và đọc lại như sau: Nhà nước thực hiện chính sách phát huy toàn diện và tạo mọi điều kiện đề tất cả các dân tộc ít người phát huy nội lực, sáng tạo, hoà nhập vào sự phát triển chung của đất nước.

Thêm những từ trên để nói lên sự quan tâm sâu sắc thường xuyên đối với đồng bào dân tộc ít người, đảm bảo sự bình đẳng giữa các dân tộc cũng như khuyến khích họ có suy nghĩ sáng tạo trong hoạt động của dân tộc mình.

Điều 10 (Sửa đổi bổ sung điều 10):

Có ghi: Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện…

Đề nghị bỏ cụm từ: Trên cơ sở tự nguyện và đọc lại là: Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp công nhân và người lao động … như vậy mới đảm bảo với Bộ luật lao động hiện hành và sự cần thiết phải có tổ chức công đoàn.

Điều 21 (Sửa đổi bổ sung điều 21):

Có ghi : Mọi người có quyền sống. Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ: “và quyền mưu cầu hạnh phúc” và đọc lại là: Mọi người có quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Điều 36 (Sửa đổi bổ sung điều 62):

Khoản 2 có ghi: Nhà nước có chính sách tạo điều kiện để công dân có nơi ở. Nhiều ý kiến đề nghị sửa lại là: Nhà nước có trách nhiệm để công dân có nơi ở.

Điều 43 (Sửa đổi bổ sung điều 60):

Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung khoản 3: Nhà nước có chính sách trọng dụng nhân tài. Có như vậy mới thu hút được nhân tài phục vụ cho sự nghiệp phát triển của đất nước.

Điều 54 (Sửa đổi bổ sung các điều 15, 16, 19, 20, 21 và 25):

Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm khoản 3 như sau:

Nhà nước có trách nhiệm tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, quan tâm đến những lĩnh vực có ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, ổn định về an sinh xã hội.

Điều 55 (sửa đổi bổ sung điều 24, điều 26):

Khoản 1 ghi: Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, đảm bảo cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường… Nhiều ý kiến cho rằng bổ sung cụm từ: “định hướng xã hội chủ nghĩa” và đọc lại như sau: Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, đảm bảo cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Có như vậy mới đảm bảo đúng theo cương lĩnh của Đảng và Điều 54 (Sửa đổi bổ sung điều 15, 16, 19, 20, 21 và 25)

Chương II. Nhiều ý kiến cho rằng: không nên bỏ điều 66 của Hiến pháp năm 1992 với lý do: Thanh niên ngày nay phải được Nhà nước và gia đình tạo điều kiện học tập, lao động, phát triển thể lực và trí tuệ, giáo dục bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng Xã hội chủ nghĩa. Vì họ là lực lượng đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ tổ quốc. Thực tế ngày nay như mọi người đã biết trong thanh niên một bộ phận không nhỏ đang làm cho chúng ta không yên tâm.

Điều 66 (Sửa đổi bổ sung các điều 30, 31, 33, 34):

Khoản 1 ghi: văn hoá và nền tảng tinh thần của xã hội… kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá của các dân tộc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Nhiều ý kiến cho rằng cần bỏ sung thêm 3 từ đó là tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại.

Đọc lại là:  …. kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá của các dân tộc Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại, vì hiện nay chúng ta cũng nói là tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại nhưng vì thiếu chọn lọc do đó mà có nhiều vấn đề đáng lo ngại. Vì vậy điều kiện cần và đủ là phải có chọn lọc mới đảm bảo sự phát triển bền vững.

Trên đây là một số ý kiến tham gia vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Liên minh HTX-DNNQD tỉnh Quảng Ninh./.

Nơi nhận:

- Thường trực HĐND Tỉnh.

- Thường trực LM.

- Lưu VP/LM

TM THƯỜNG TRỰC LIÊN MINH

CHỦ TỊCH

                       Nguyễn Lương Tá

Các văn bản liên quan