Góp ý của Hội Doanh nhân nữ tỉnh Thái Bình

Thứ Ba 14:28 19-03-2013

UBND TỈNH THÁI BÌNH

 HỘI DOANH NHÂN NỮ

––––––––––––

Số: 04/BC- HDNN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

                    –––––––––––––––––––––––

Thái Bình, ngày  12  tháng 3  năm 2013

BÁO CÁO TỔNG HỢP

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VÀO DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP

NĂM 1992

  Thực hiện Công văn của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, về việc lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992, xin đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992 cụ thể như sau:

1. Về bố cục của Hiến pháp:

- Nhất trí với bố cục của dự thảo Hiến pháp sửa đổi với lý do: Bố cục của Hiến pháp sửa đổi ngắn gọn, quy định tương đối đầy đủ, chi tiết, các chương, điều, khoản phù hợp với đời sống xã hội và xu thế phát triển của đất nước.

2. Về lời nói đầu.

- Nhất trí các ý kiến như dự thảo.

3. Chương I- Chế độ chính trị

* Điều 1:  Nhất trí ý kiến như trong dự thảo.

- Đề nghị nên đưa cụm từ “độc lập” lên trước cụm từ “dân chủ”; với lý do vì có độc lập mới có dân chủ.

* Điều 2: Nhất trí như dự thảo.

- Đề nghị Hiến pháp sửa đổi ngoài việc ghi nhận hình thức nhà nước là Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa thì còn cần quy định một cách rõ ràng hơn về nội hàm của nhà nước pháp quyền.

Với lý do nhà nước Pháp quyền thường có 3 đặc điểm cơ bản là: Tính tối cao của pháp luật; mục tiêu của Nhà nước pháp quyền là bảo đảm quyền tự do của con người; Đề cao vị trí vai trò của Toà án (Tư pháp). Tuy nhiên những đặc điểm trên không phải mọi người dân Việt Nam đều hiểu do đó cần quy định rõ trong Hiến pháp.

 * Điều 3: Nhất trí như dự thảo

* Điều 4: Nhất trí với dự thảo.

- Đề nghị tại khoản 3 Điều 4 cần bổ sung thêm quy định cán bộ, đảng viên phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình cụ thể: “Các tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Cán bộ, đảng viên phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình”.

* Điều5, 6, 7, 8: Nhất trí như dự thảo.

* Điều 9:

- Đề nghị tại khoản 2 thêm cụm từ “tổ chức chính trị- xã hội” sau cụm từ Mặt trận tổ quốc Việt Nam đồng thời không quy định cụ thể đối với từng tổ chức chính trị xã hội với lý do: Vì Hiến pháp là “đạo luật gốc”, căn cứ trên quy định của Hiến Pháp để xây dựng các quy định của Luật chuyên ngành nên cần quy định những vấn đề chung, có tính nguyên tắc, còn vấn đề riêng, vấn đề cụ thể nên để các luật chuyên ngành điều chỉnh.

* Điều 11, 12: nhất trí như dự thảo.

* Điều 13:Nhất trí như dự thảo.

- Khoản 4, Điều 13: quy định về ngày quốc khánh là ngày 02/9 ngày mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, khẳng định quyền tự do, độc lập của nhân dân và dân tộc Việt Nam với toàn thế giới, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, đánh dấu một thời đại mới ở Việt Nam - thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Để đánh dấu và tri ân lãnh tụ Hồ Chí Minh nên bổ sung như sau khoản 4 Điều 13 cụ thể như sau:

Ngày Quốc khánh là ngày 2-9, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình”.

4. Chương II: Quyền con người

* Điều 15:  Nhất trí như dự thảo

* Điều 16: Nhất trí như dự thảo

- Đề nghị không cần thiết phải bổ sung điều khoản mới này trong Hiến pháp.

* Điều 17: Nhất trí như dự thảo

- Đề nghị sửa dổi, bổ sung thêm nguyên tắc hưởng một số chính sách đặc thù phù hợp với một số nhóm đối tượng đặc biệt (trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai) hoặc nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội (người khuyết tật).

* Điều18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26: Nhất trí như dự thảo

* Điều 27: Nhất trí như dự thảo.

- Đề nghị giữ nguyên Điều 63 trong Hiến pháp 1992 vì việc bỏ quy định “Lao động nữ và nam việc làm như nhau thì tiền lương ngang nhau. Lao động nữ có quyền hưởng chế độ thai sản. Phụ nữ là viên chức nhà nước và người làm công ăn lương có quyền nghỉ trước và sau khi sinh đẻ mà vẫn hưởng lương, phụ cấp theo quy định của pháp luật” và “Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để phụ nữ nâng cao trình độ mọi mặt, không ngừng phát huy vai trò của mình trong xã hội; chăm lo phát triển các nhà hộ sinh, khoa nhi, nhà trẻ và các cơ sở phúc lợi xã hội khác để giảm nhẹ gánh nặng gia đình, tạo điều kiện cho phụ nữ sản xuất, công tác, học tập, chữa bệnh, nghỉ ngơi và làm tròn bổn phận của người mẹ” là không hợp lý vì quy định của Điều 63 Hiến pháp 1992 rõ hơn về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.

* Điều28,29,30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37,38,39,40: Nhất trí như dự thảo.

* Điều 41:Nhất trí như dự thảo.

- Đề nghị tại Khoản 1, Điều 41 nên thêm cụm từ “nâng cao thể chất” vào sau cụm từ “bảo vệ sức khỏe” vì đây là vấn đề lớn cần quan tâm đối với người Việt Nam hiện nay.

* Điều 42 đến Điều 52: Nhất trí như dự thảo.

5. Chương III: Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường.

* Điều 53- 56: Nhất trí như dự thảo.

* Điều 57: Nhất trí như dự thảo.

- Đề nghị Hiến pháp cần quy định rõ mối quan hệ giữa chủ đầu tư và người dân trong việc thu hồi đất để giao đất. Trong hoạt động thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất chủ đầu tư và người dân đều bình đẳng trước pháp luật, vì vậy lợi ích phải được tôn trọng và bảo vệ như nhau nên cần được quy định rõ trong Hiến pháp.

- Hiện nay những em bé được sinh ra sau tháng 10 năm 1993 không được giao đất để sản xuất, trong khi đó rất nhiều người đã mất nhưng vẫn có đất. Đề nghị nhà nước nghiên cứu để có chính sách giao đất, quản lý đất một cách phù hợp, hợp lý.

* Điều 58: Nhất trí như dự thảo

- Đề nghị xác định giá đất khi thu hồi nên bổ sung theo hướng; nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do Quốc phòng, an ninh…Các trường hợp thu hồi đất vì mục đích kinh doanh thì bên thu hồi đất phải thỏa thuận giá bồi thường với người dân để tránh thiệt thòi dân khi bị thu hồi đất.

* Điều 59; 60: Nhất trí như dự thảo

* Điều 62: Nhất trí  như dự thảo

- Tại khoản 2 chưa thể hiện đầy đủ các khía cạnh liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước, xã hội, gia đình và công dân đối với người mẹ và trẻ em vì chưa thể hiện rõ cơ hội bình đẳng giới, đề nghị bổ sung sửa đổi như sau: “Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo đảm cơ hội bình đẳng và hỗ trợ các điều kiện theo đặc thù giới tính để phụ nữ thực hiện tốt quyền trách nhiệm nghĩa vụ công dân và thiên chức người mẹ”; “Gia đình nhà trường và xã hội có trách nhiệm tạo cơ hội và hỗ trợ điều kiện để trẻ em, nhất là trẻ em gái phát triển toàn diện, bảo đảm thực hiện tốt vai trò người công dân, người mẹ, người cha trong tương lai”.

* Điều 63: Nhất trí như dự thảo.

- Đề nghị bổ sung thêm đối tượng “Phụ nữ mang thai, trẻ em gái” vào sau cụm từ “Người có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ mang thai, trẻ em gái

Nên bổ sung thêm nhóm đối tượng là “Phụ nữ mang thai và trẻ em” vì trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội cần có sự quan tâm, mặt khác quy định như vậy sẽ không có sự phân biệt giữa trẻ em trai và trẻ em gái.

* Điều 64, 65: Nhất trí như dự thảo.

* Điều 66:  Nhất trí như dự thảo.

- Đề nghị bổ sung:

+ Khoản 2: thêm cụm từ “Giáo dục tiểu học là bắt buộc và miễn phí cho mọi công dân” sau cụm từ “Quy định phổ cập giáo dục” vì đây là giai đoạn giáo dục mang tính nền tảng, phổ cập  ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ngày 20/2/1990 Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (1989) tại Điều 28- điểm a, khoản 1 đã ghi rõ: Các quốc gia thành viên thừa nhận quyền trẻ em được học hành và để từng bước thực hiện quyền này trên cơ sở bình đẳng về cơ hội, phải:

a) Thực hiện chính sách giáo dục tiểu học bắt buộc, sẵn có và miễn phí cho tất cả mọi người;…

Tuy nhiên quy định giáo dục tiểu học bắt buộc chưa được Hiến pháp đề cập theo như cam kết của công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Vì vậy Dự thảo Hiến pháp cần nghiên cứu cho phù hợp.

- Nên thêm cụm từ “Cho công dân” vào sau Nhà nước và xã hội tạo điều kiện….cho cụ thể.

Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho công dân được học tập để phát triển tài năng. Người khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học văn hóa và học nghề phù hợp”.

- Tại khoản 3 chưa thể hiện rõ đối tượng được tạo điều kiện học tập, phát triển tài năng. Nên bổ sung thêm nội dung “Nhà nước, xã hội bảo đảm cơ hội đào tạo, bồi dưỡng theo khả năng của công dân; bảo đảm hệ thống giáo dục mầm non được Nhà nước đầu tư trực tiếp và khuyến khích thu hút đầu tư các loại hình giáo dục chất lượng cao, toàn diện…”

* Điều 67, 68: Nhất trí như Dự thảo.

6. Chương IV: Bảo vệ tổ quốc

* Từ Điều 69 đến Điều 73: Nhất trí như Dự thảo.

7. Chương V: Quốc hội

* Điều 74 đến 85, 86,87, 88,89,90: Nhất trí như Dự thảo

8. Chương VI: Chủ tịch nước

* Điều 91, 92: Nhất trí như dự thảo.

* Điều 93

- Nhất trí như Dự thảo vì những sửa đổi, bổ sung của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đối với chế định Chủ tịch nước nhìn chung là phù hợp, sát, đúng cả về nội dung và hình thức, chỉ để nghị sắp xếp

- Nên sắp xếp lại cấu trúc câu tại khoản 3 cho phù hợp, cụ thể: “…căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán Tóa án nhân dân tối cáo, Thẩm phán các Tòa án khác…”

* Điều 94, 95, 96, 97, 98: Nhất trí như dự thảo

9. Chương VII: Chính phủ

* Điều 99 đến 106 nhất trí như Dự thảo.

9. Chương: Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân

* Điều 107 đến 114

- Nhất trí như Dự thảo;

10. Chương IX: Chính quyền địa phương

* Điều 115 đến 119: Nhất trí như Dự thảo.

11. Chương X: Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, kiểm toán nhà nước

* Điều 120 đến 122: Nhất trí như Dự thảo.

12. Chương XI: Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp

* Điều 123, 124:

- Nhất trí như Dự thảo

Nơi nhận:

- Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam;

CHỦ TỊCH HỘI DOANH NHÂN NỮ TỈNH THÁI BÌNH

Hoàng Thị Hồng

Các văn bản liên quan