Ý kiến của Ông Chu Hồng Thanh – Trọng tài viên VIAC “Đề xuất chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992”

Thứ Ba 14:25 19-03-2013

ĐỀ XUẤT CHỈNH LÝ DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992.

                                 PGS.TS.Chu Hồng Thanh

                                 Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam

  (Hội thảo góp ý Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992, ngày 19/3/2013)

I.                  ĐỀ NGHỊ CHUNG:

1. Để Hiến pháp thực sự là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có tính ổn định lâu dài, Hiến pháp chỉ nên quy định những vấn đề cơ bản, có tính nguyên tắc và được thể hiện khái quát, cô đọng, súc tích. Theo đó, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chỉ nên tập trung quy định những vấn đề về chế độ chính trị; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước; các quyền tự do cơ bản của con người và công dân và cơ chế bảo đảm.

          Theo kinh nghiệm lịch sử lập hiến và kỹ thuật lập Hiến các nước trên thế giới thì hầu hết các bản Hiến pháp phải mang tính ổn định rất cao, ghi nhận những nguyên tắc cơ bản của bộ máy quyền lực nhà nước và chủ quyền nhân dân, những nội dung chi tiết, cụ thể,  các vấn đề về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, y tế, thể dục, thể thao nên gọn lại trong Hiến pháp, để điều chỉnh bằng các đạo luật.

2. Cần phải khẳng định rõ là sửa đổi Hiến pháp 1992 chứ không phải là viết lại và ban hành Hiến pháp mới.

Hiến pháp là đạo luật cơ bản nhất để xác định bản chất của một chế độ chính trị và nhà nước, gắn với sự ra đời, tồn tại và phát triển của chế độ chính trị và nhà nước, Hiến pháp chỉ có thể thay thế  khi thay thế chế độ chính trị và nhà nước. Từ trước đến nay chưa có văn bản nào của Đảng và nhà nước nói về việc thay thế Hiến pháp, kể cả các Hiến pháp 1946, 1960, 1980 và Hiến pháp 1992  đều thống nhất xác định việc sửa đổi Hiến pháp. Hiện nay đang có một số đề nghị viết lại Hiến pháp mới và đưa ra những dự thảo Hiến pháp  hoàn toàn mới là không có căn cứ pháp lý. 

Hiện nay dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đang được thảo luận sôi nổi  và có rất nhiều ý kiến góp ý khác nhau và rất phong phú đối với 124 điều của dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhiều ý kiến đề nghị những nội dung đã ổn định cao trong Hiến pháp Việt Nam xác định những giá trị truyền thống của cách mạng Việt Nam, khẳng định chủ quyền của nhân dân và dân tộc Việt Nam cần được tiếp tục khẳng định mạnh mẽ trong Hiến pháp. 

3. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần xác định rõ hơn chủ quyền nhân dân, phải thể hiện rõ hơn quyền dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Hiến pháp là tiếng nói của dân chủ, về chủ quyền nhân dân, cần có cơ chế bảo đảm việc thực hiện chủn quyền nhân dân, trong đó xác định rõ hơn các quyền dân chủ trực tiếp và quy định  các hình thức dân chủ trực tiếp trong Hiến pháp để có thể thực hiện trực tiếp hoặc cụ thể hóa bằng các luật trưng cầu ý dân, luật biểu tình, luật về hội.v.v..

Để củng cố sự vững mạnh của đất nước theo hướng xây dựng nhà nước pháp quyền thì Hiến pháp phải có giá trị tối cao, có hiệu lực thực tế chứ không hình thức, phần lớn quy định của Hiến pháp cần được thiết kế để có thể áp dụng trực tiếp. Vấn đề vi hiến là vấn đề rất lớn hiện nay trên thực tế, các nội dung ghi trong Hiến pháp nhưng không được thi hành thì cũng là vi hiến. Để bảo đảm để không một ai, không một tổ chức và cá nhân  nào đứng trên hoặc đứng ngoài pháp luật thì Hiến pháp cần có quy định cụ thể chế độ giám sát thi hành và kiểm soát vi hiến, phải thiết kế để đảm bảo có cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu, chống lạm quyền hoặc lợi dụng quyền lực.

4. Lời nói đầu cần viết cô đọng hơn, có tính khái quát hóa cao hơn, và phải chú ý tính liên tục, mạch nguồn từ quá khứ đến hiện tại và tương lai; phải thể hiện rõ mục đích, chủ quyền nhân dân và nguyên tắc đại đoàn kết dân tộc; khát vọng hòa bình, tự do, dân chủ và phát triển toàn diện, ổn định và bền vững. Tránh sự trùng lặp về nội dung ngay trong lời nói đầu và giữa lời nói đầu với các quy định trong các chương, điều, khoản của Hiến pháp.

Một số điều khoản quy định quá dài dòng, cần phải viết gọn lại, một số điều khoản còn sử dụng các cụm từ “theo luật”,”theo quy định của pháp luật”, “tuân theo pháp luật” hay “theo quy định  pháp luật” cần phải cân nhắc sử dụng nhất quán và  lược bớt phần lớn. Một số điều trong Dự thảo sử dụng thuật ngữ không thống nhất, chỗ thì sử dụng thuật ngữ “chấp hành”, “thi hành”, “thực hiện theo” chỗ khác lại sử dụng “tuân thủ”..,  cần rà soát lại, khá nhiều quy định không mang tính quy phạm cũng nên được loại bỏ.

5. Về chế độ chính trị (Chương I):

- Vấn đề tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân cần được quy định đầy đủ, sâu sắc và nhất quán hơn: nguồn gốc, bản chất và mục đích của quyền lực nhà nước là thống nhất ở quyền lực nhân dân(Điều 2); hình thức nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước (điều 6); về vai trò và khả năng nhân dân tham gia vào kiểm soát hoạt động nhà nước thông qua các thiết chế MTTQ, Công đoàn, các tổ chức và đoàn thể xã hội, các thiết chế độc lập (HĐHP, KTNN..). Cần  khẳng định thể chế nhà nước ta là Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, là một nước dân chủ, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ (Đ1). (có 1 ý kiến đề nghị lấy lại tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ).

- Khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội (Đ4). Tuy nhiên, cần quy định  rõ rang hơn để khắc phục sự nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Đảng; sự khác nhau về vai trò và thẩm quyền của Đảng và Nhà nước. Đồng thời về kỹ thuật lập hiến cần có sự thể hiện rõ bằng ngôn ngữ hiến pháp về vị trí, vai trò và trách nhiệm của Đảng, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm xã hội trước nhân dân và trước dân tộc.

- Đề nghị thể hiện rõ hơn trong Hiến pháp nội dung phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, vai trò của  Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, thể hiện rõ hơn nữa nhiệm vụ của Mặt trận và các tổ chức.

6. Về quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân (Chương II)

 Các ý kiến đều nhất trí và đánh giá cao việc thiết kế chương II và những quy định của Chương II có nội dung phản ánh khá toàn diện, đầy đủ các quyền phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; có nhiều điểm mới. Tuy nhiên Chương II cần viết rất rõ các quyền để có thể thực hiện trực tiếp, việc hạn chế quyền cần quy định tập trung và ngay trong Hiến pháp , không cần thiết phải rải ra ở các điều và chuyển xuống “theo quy định của Luật”. Nhiều ý kiến đề nghị bỏ đoạn “ Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe cộng đồng”  tại Điều 15; thể hiện cho rõ ràng, chuẩn mực và dễ hiểu hơn các quyền và thực hiện nguyên tắc “áp dụng trực tiếp”.

Ngoài việc liệt kê các quyền ( định lượng) thì cần có quy định về cơ chế bảo đảm thực thi các quyền này ( định tính). Đề nghị xác định rõ hơn trách nhiệm của nhà nước, các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức nhà nước trong việc tôn trọng và đảm bảo thực thi các quyền.

7. Về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường (Chương III)

Đa số ý kiến nhất trí về bố cục và dung lượng của chương, giảm số điều từ 29 xuống còn 16 điều, nhất trí với các quy định của dự thảo sửa đổi Hiến pháp về mô hình kinh tế (Điều 54); vai trò quản lý của nhà nước (55); quyền tự do kinh doanh (56); điều mới (59) về quản lý ngân sách… Đề nghị khi viết về các thành phần kinh tế  không cần liệt kê cụ thể và không thể có nguyên tắc “các thành phần kinh tế …hợp tác bình đẳng và cạnh tranh” (Điều 54), chỉ nên đặt vấn đề cạnh tranh giữa các tổ chức, đơn vị kinh tế, giữa các doanh nghiệp; đề nghị sửa lại chính xác hơn các Điều 55, 56, 57, 58, 59…, đề nghị cần phân biệt rõ ràng hơn đất ở với đất nông nghiệp, các quy định phù hợp (Điều 57); cần chỉnh sửa các khoản 1 và khoản 3 của Điều 58 về thu hồi đất, tôn trọng việc sử dụng đất lâu dài của dân.

8. Về Bộ máy nhà nước

Đề nghị xem xét lại quy định mở rộng thẩm quyền của UBTV Quốc hội,  lựa chọn để các cơ quan nhà nước ở trung ương tập trung quản lý vĩ mô, giao quyền và phân cấp nhiều hơn cho các ngành và địa phương, thực hiện nguyên tắc phân quyền.

Lần đầu tiên Dự thảo Hiến pháp quy đinh rõ Tòa án thực hiện quyền tư pháp, nhưng quyền tư pháp vẫn có thể được hiểu theo nghĩa rộng hơn, vì vậy cần đồng thời tiếp tục quy định là Tòa án là cơ quan xét xử. Đưa nguyên tắc tranh tụng là một bước tiến quan trọng và cần thiết, nhưng có thể phải mở rộng hơn để quy định rõ hơn, bảo đảm thực hiện trực tiếp. Đề nghị Dự thảo quy định rõ hơn về Viện kiểm sát, đặc biệt xác định rõ Viện kiểm sát là cơ quan tư pháp hay thuộc hệ thống hành pháp?

Đề nghị làm rõ khái niệm hiến định về chính quyền địa phương; quy định rõ về chế độ phân cấp, phân chia đơn vị hành chính- lãnh thổ; chế độ tự quản của chính quyền địa phương. Đề nghị tách và sửa Điều 115 theo hướng xác định rõ địa vị và trách nhiệm hiến định của HĐND, UBND và trách nhiệm cá nhân chủ tịch UBND.

Đề nghị bỏ cụm từ “nhân dân” trong tên gọi của Tòa án và Viện kiểm sát, thay đổi tên gọi của Ủy ban nhân dân thành “ Ủy ban hành chính”

9.  Về Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước.

Đề nghị quy đinh về Hội đồng Hiến pháp phải xác định rõ tính độc lập, nhiệm vụ bảo hiến, chức năng tài phán và quyền quyết định của Hội đồng Hiến pháp hoặc thành lập Tòa án Hiến pháp chuyên nghiệp và độc lập.

Đề nghị có cơ chế hữu hiệu kiểm soát Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước.

10. Về hiệu lực của Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp

Để bảo đảm thực hiện chủ quyền nhân dân, củng cố chính quyền nhà nước của dân do dân và vì dân, xây dựng nhà nước pháp quyền  XHCN Việt Nam thì cần hiến định quyền quyết định của nhân dân ( quyền phúc quyết ). Nhân dân có quyền quyết định về Hiến pháp, một số luật và những vấn đề trọng đại của đất nước, thực hiện nguyên tắc mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân như đã xác định tại Điều 6 cảu dự thảo. Đề nghị chủ quyền nhân dân và quyền phúc quyết của nhân dân được xác định rõ ràng trong Hiến pháp để việc thực hiện các quyền này chỉ căn cứ vào Hiến pháp mà không phụ thuộc vào quyết định của Quốc hội.

II.               NHỮNG GÓP Ý CỤ THỂ

1. LỜI NÓI ĐẦU

Lời nói đầu của Dự thảo vẫn dài, một số nội dung không cần thiết phải đưa vào hoặc viết chưa đảm bảo chính xác, chưa xác định thực sự rõ chủ quyền nhân dân và chủ quyền quốc gia, dân tộc, chưa chặt chẽ về logic hình thức và sử dụng từ ngữ. Cần thiết phải khẳng định vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lời mở đầu, nhưng chỉ cần nói đến 1 lần, không nên nhắc tới 3 lần như dự thảo. Cụ thể:

Nhất trí đoạn 1.

Đề nghị sửa đoạn 2 thành: “Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã tiến hành các cuộc đấu tranh cách mạng trường kỳ gian khổ, ác liệt chống lại những đội quân xâm lược tàn bạo và hùng mạnh, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước; tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ tổ quốc; thực hiện hội nhập quốc tế.

Đề nghị bỏ đoạn 3 vì không cần thiết phải điểm lại quá trình phát triển của Hiến pháp và lịch sử của một thời kỳ kháng chiến kiến quốc.

Đoạn 4 quá dài, cần rút gọn hơn nữa, đề nghị cụ thể:

“ Hiến pháp này tiếp tục khẳng định ý chí của nhân dân và chủ quyền quốc gia, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn thể dân tộc Việt Nam; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân,  do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng một nước Việt Nam  dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; phát triển quan hệ hữu nghị, hòa bình và hợp tác với nhân dân và các dân tộc trên thế giới”.

Bỏ đoạn 5 vì đã lồng ghép vào nội dung các đề xuất trên.

2. CHƯƠNG I: CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ

Điều 2

Đoạn 1 đề nghị bỏ đoạn “… mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” . Lý do: Bảo đảm chủ quyền nhân dân và khối đoàn kết toàn dân, tránh xu hướng phân hóa, mất đoàn kết,  phân biệt đối xử giữa  nông dân, công nhân, trí thức với các lực lượng khác trong xã hội như lực lượng doanh nhân, văn nghệ sỹ .v.v.. Hiện nay Đảng đang chủ trương tăng cường kết nạp vào hàng ngũ của Đảng các doanh nhân ưu tú; khoản 2 Điều 17, Chương 2 Dự thảo cũng quy định “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị…”. Để xây dựng và phát triển đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội thì rất cần phải có sự đồng lòng, đoàn kết toàn dân.

Điều 4

Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cách mạng, Đảng ra đời và lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc và khai sinh ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; Đảng không phải là tổ chức chính trị được thành lập sau khi đã có Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, bản chất của Đảng từ đó đến nay không thay đổi; Đảng-Nhà nước-nhân dân, dân tộc Việt Nam có quan hệ khăng khít, “máu thịt”, không thể tách rời, ở Việt Nam, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội là tất yếu khách quan.  Tuy nhiên không cần thiết phải đưa định nghĩa về Đảng cộng sản vào Hiến pháp như Dự thảo, đề nghị thiết kế lại như sau:

“1. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Các tổ chức của Đảng và Đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và trước pháp luật về hoạt động lãnh đạo Nhà nước và xã hội” 

Điều 6

Đề nghị sửa lại như sau: Nhân dân thực hiện quyền lực cùa mình thông qua nhà nước, các tổ chức đại diện của nhân dân và các hình thức dân chủ trực tiếp”. Lý do: Phù hợp với Điều 2 của Dự thảo xác định mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Quy định như Điều 6 của Dự thảo mới phản ánh được dân chủ đại diện mà không có nội dung dân chủ trực tiếp, mới nói về các cơ quan nhà nước mà chưa có các tổ chức và đoàn thể xã hội, mới nói được quyền lực nhà nước mà chưa nói được gốc quyền lực là nhân dân.

Điều 8

Đề nghị bổ sung nội dung “tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa” sau cụm từ “quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật” ở khoản 1 như Hiến pháp 1992 đã quy định,  tránh được sự xáo trộn về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước , đảm bảo thống nhất với nội dung Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Điều 9

Để đảm bảo sự thống nhất với các Văn kiện của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và vai trò đại đoàn kết toàn dân trong đó bao gồm đoàn kết quốc tế, đảm sự hoạt động hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cũng như vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhân dân, đề nghị thiết kế lại Điều này cụ thể như sau:

“1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, các tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Mặt trận tập hợp và  phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế, phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận xã hội nhằm giữ vững độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; thực hiện giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức.

3. Nhà nước bảo đảm điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của mặt trận và các tổ chức đại diện của nhân dân hoạt động có hiệu quả”.

3. CHƯƠNG II: QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN

Góp ý chung:

Để phù hợp hơn nữa với Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền và các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, đề nghị bổ sung them một số quyền vào Chương này, cụ thể là: cấm chế độ nô lệ, nô dịch, lao động khổ sai; cấm kiểm duyệt; quyền không bị trừng phạt khi tòa án chưa tuyên bằng bản án có hiệu lực kết luận là tội phạm; quyền được im lặng hay không phải chứng minh là mình phạm tội hay không phạm tội; các quyền của người không quốc tịch; quyền được đình công; một số quyền lao động của người chưa thành niên;…Đồng thời, bổ sung các quy định về thiết chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, quyền công dân; bổ sung quy định bảo đảm sự bình đẳng và tương quan giữa các quyền (quyền hiến định và quyền do luật  định); bổ sung quyền giám sát và phản biện xã hội và quyền làm chủ ở cơ sở.

Những góp ý về các điều, khoản cụ thể:     

Điều 15

Đề nghị bỏ khoản 2, đề nghị viết lại khoản 1 thành nội dung chính như sau: “ Ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự ,  kinh tế, xã hội,văn hóa và các quyền công dân được nhà nước và xã hội công nhận, tôn trọng và bảo đảm ” Để bảo đảm sự khái quát cao cho toàn bộ chương 2. không cần có quy phạm hạn chế quyền, gây phản cảm ngay tại điều đầu tiên của chương này. Việc nhắc đến “ các quyền con người về chính trị, dân sự ,  kinh tế, xã hội,văn hóa” là phù hợp Hiến pháp hiện hành và công ước quốc tế trong Bộ luật nhân quyền quốc tế.

Điều 18

Đề nghị gộp khoản 2 và 3 cho gọn lại.

Điều 19

Đề nghị bổ sung mới nội dung vào đầu khản 2, cụ thể là “2. Nhà nước bảo hộ các quyền lợi chính chính đáng và hợp pháp của người Việt Nam định cư ở nước ngoài,khuyến khích và tạo điều kiện…. ”.  Nội dung này kế thừa Điều 75 Hiến pháp 1992.

Điều 20

Đề nghị bỏ điều này vì có những quyền công dân không nhất thiết phải gắn với nghĩa vụ, hơn nữa khoản 2 và 3 là hiển nhiên, không cần quy định.

Điều 21

Dự thảo quy định “Mọi người có quyền sống”, dự thảo quy định như vậy trong 1 điều  là quá vắn tắt và không rõ nội hàm,  trong một số trường hợp nhất định quyền sống vẫn có thể bị giới hạn bằng pháp luật. Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị năm 1966 ( Việt Nam gia nhập năm 1982 ) đã quy định cụ thể hơn và rõ ràng hơn rất nhiều. Điều 6 của Công ước quy định:

 “ Điều 6.

1. Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tuỳ tiện.

2. Ở những nước mà hình phạt tử hình chưa được xoá bỏ thì chỉ được phép áp dụng án tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất, căn cứ vào luật pháp hiện hành tại thời điểm tội phạm được thực hiện và không được trái với những quy định của Công ước này và của Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng. Hình phạt tử hình chỉ được thi hành trên cơ sở bản án đã có hiệu lực pháp luật, do một toà án có thẩm quyền phán quyết.

3. Khi việc tước mạng sống của con người cấu thành tội diệt chủng, cần hiểu rằng không một quy định nào của điều này cho phép bất kỳ quốc gia thành viên nào của Công ước này, bằng bất kỳ cách nào, được giảm nhẹ bất kỳ nghĩa vụ nào mà họ phải thực hiện theo quy định của Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng.

4. Bất kỳ người nào bị kết án tử hình đều có quyền xin ân giảm hoặc xin thay đổi mức hình phạt. Việc ân xá, ân giảm hoặc chuyển đổi hình phạt tử hình có thể được áp dụng đối với mọi trường hợp.

5. Không được phép tuyên án tử hình với người phạm tội dưới 18 tuổi và không được thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai.

6. Không một quy định nào trong điều này có thể được viện dẫn để trì hoãn hoặc ngăn cản việc xoá bỏ hình phạt tử hình tại bất kỳ quốc gia thành viên nào của Công ước.”

Vì vậy đề nghị bổ sung nội dung giới hạn của quyền sống vào Điều này, cụ thể là: “Mọi người đều có quyền được sống. Việc tước bỏ quyền sống của con người chỉ  được áp dụng cho những trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và được  xét xử theo luật định; người bị kết tội tử hình có quyền được xin ân xá. Không  áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ”.

Điều 23

 Để đảm bảo quyền bí mật riêng tư của cá nhân, tránh bị xâm phạm tùy tiện và quy định chung chung, đề nghị thay thế cụm từ “do pháp luật quy định” ở cuối khoản 2 bằng “chỉ có thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành theo thủ tục luật định, nhằm mục đích duy nhất là điều tra, ngăn chặn, truy bắt tội phạm”.

Điều 24

Cư trú và đi lại trong lãnh thổ Việt Nam không chỉ có công dân Việt Nam mà còn có công dân nước ngoài và người không quốc tịch, đồng thời quyền này cũng có thể bị giới hạn trong một số trường hợp cụ thể, do vậy đề nghị bổ sung vào Điều này nội dung cụ thể là: “Người nước ngoài và người không quốc tịch có mặt hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam có quyền tự do đi lại và cư trú, tự do ra khỏi và trở lại Việt Nam theo quy định của pháp luật”.

Điều 26

Đề nghị bổ sung nội dung “quyền được tiếp cận thông tin” và “quyền tự do tư tưởng” vào điều này để phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị năm 1966. Tuy nhiên, cũng cần bổ sung quy định về giới hạn quyền, cụ thể là “Nghiêm cấm mọi hình thức tuyên truyền chiến tranh, kích động bạo lực, sự  kỳ thị, phân biệt đối xử về chủng tộc, dân tộc, tôn giáo, giới tính, xâm phạm  an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội” để phù hợp với điều 18 và 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị năm 1966.

Điều 27

Hiện nay, trong xã hội Việt Nam cũng đã tồn tại các đối tượng như người đồng tính, song tính, chuyển giới, đồng thời để theo kịp cùng với sự phát triển của pháp luật quốc tế, để khái quát hơn và có độ mở về sau (sửa luật mà không cần sửa Hiến pháp) đề nghị thay cụm từ “ công dân nữ và nam” bằng “ công dân” tại khoản 2 của điều này.

Điều 28

Để thống nhất với các quy định về đại biểu dân cử, đề nghị bổ sung nội dung: “có quyền bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân” vào cuối quy định của điều này.

Điều 32

Khoản 2 đề nghị sửa đoạn 2 thành “không ai bị kết án hai lần đối với một hành vi phạm tội” cho chính xác hơn;

Khoản 3 bỏ “người bào chữa” để đảm bảo bao quát hết các chủ thể tham gia tố tụng.vì người bào chữa theo quy định của pháp luật nước ta không bao gồm trợ giúp viên pháp lý và những người khác có năng lực trợ giúp pháp lý.

Điều 35

Đề nghị thay từ “Công dân” bằng “mọi người” vì có những đối tượng không khải là công dân Việt Nam nhưng sinh sống, làm việc, cư trú trên lãnh thổ Việt Nam ở những phạm vi nhất định vẫn được hưởng an sinh xã hội.

Điều 37

Để tránh việc khám xét chỗ ở một cách tùy tiện, đề nghị bổ sung thay thế vào cuối khoản 2 cụm từ “do luật định” bằng “chỉ có thể do cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhằm mục đích duy nhất là điều tra, ngăn chặn, truy bắt tội phạm”.

Điều 41

Đề nghị thay từ “công dân” bằng “mọi người” ở khoản 1;

Đề nghị sửa khoản 2 thành “Nghiêm cấm các hành vi đe dọa, xâm phạm cuộc sống của người khác, của cộng đồng” chứ không chỉ “Nghiêm cấm các hành vi đe dọa …”.

Điều 43

Đề nghị bổ sung từ “tự do” sau cụm từ “Mọi người có quyền” ở khoản 1 để phù hợp với công ước quốc tế và thực tế.

Điều 48

Sửa đoạn 2 thành “Công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân theo quy định của pháp luật” để ngắn gon, dẽ hiểu hơn và thống nhất với các quy định khác.

Điều 51

Đề nghị bổ sung đối tượng “ và người không quốc tịch”, thêm “hợp pháp”vào sau “cư trú”  để đảm bảo khái quát hết các đối tượng cư trú ở Việt Nam và chặt chẽ hơn.

Điều 52

Tương tự như điều 51, đề nghị bổ sung người không quốc tịch vào điều này để đảm bảo khái quát hết các đối tượng cư trú ở Việt Nam.

4. CHƯƠNG III: KINH TẾ, XÃ HỘI, VĂN HÓA, GIÁO DỤC, KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

Những góp ý về các điều, khoản cụ thể:    

Điều 58

Vấn đề thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng là một nội dung đang rất “nóng” hiện nay. Để vừa đảm bảo quyền đại diện chủ sở hữu của nhà nước và thống nhất quản lý đất đai vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đề nghị khoản 3 nên tách ra với 2 nội dung chính như sau:

Thứ nhất, Nhà nước có quyền thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng có bồi thường theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, trong trường hợp thật cần thiết phải thu hồi đất vì các dự án phát triển kinh tế - xã hội, thì Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường  theo giá thị trường.

Lý do: mối quan hệ giữa chủ đầu tư (dự án phát triển kinh tế-xã hội) và người dân đều là quan hệ giữa những chủ thể bình đẳng trước luật pháp; các lợi ích chính đáng của họ đều phải được tôn trọng và bảo vệ như nhau, không phân biệt. Nhà đầu tư có thể tạo lập những khu phức hợp nhà ở - trung tâm thương mại, du lịch  hiện đại… nhưng họ phải tạo lập trong khuôn khổ sự vận động bình thường của cuộc sống dân sự, chứ không phải dựa vào sức mạnh thu hồi đất cảu nhà nước để khiến người khác phải ra khỏi đất đai và không gian sống truyền thống của mình.

Điều 65

Đề nghị bỏ Điều này vì nội dung này không có tính quy phạm. Bỏ “ và đào tạo” trong “giáo dục và đào tạo” vì trong giáo dục có đào tạo, như quy định của Luật giáo dục.  Chuyển “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu” vào đoạn đầu của điều 66, chuyển “ phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu” vào đoạn đầu của điều 67,  như Hiến pháp 1992 hiện hành.

Điều 66

Đề nghị bổ sung thêm nội dung ở điều 65 phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Điều 67

Đề nghị bổ sung thêm nội dung ở điều 65 “ phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu.

5. CHƯƠNG IV: BẢO VỆ TỔ QUỐC

Có ý kiến đề nghị thiết kế lại Điều 70 của Dự thảo như sau:  “ Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân Việt Nam, với Đảng  cộng sản Việt Nam, có nhiệm vụ…”

6. CHƯƠNG V: QUỐC HỘI

Điều 74

Đoạn một Điều này đề nghị cân nhắc bỏ các từ “cao nhất” vì tổ chức quyền lực nhà nước được phân công thành ba nhóm quyền, có sự phối hợp và kiểm soát lẫn nhau, về nguyên tắc thì mỗi cơ quan có sứ mệnh, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn  riêng, được hiến định và luật định,  không thể so sánh cao thấp thì mới bảo đảm có sự phân công quyền lực rõ ràng và có thể kiểm soát lẫn nhau, thực hiện mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân như đã xác định trong lời mở đầu và chương I.

Điều 75

- Để đảm bảo chủ  quyền nhân dân, khoản 1 điều 75 đề nghị sửa lại là: “ Xây dựng và sửa đổi Hiến pháp căn cứ vào kết quả lất ý kiến nhân dân và trưng cầu ý dân; ban hành luật, sửa đổi luật”; đồng thời thêm nội dung: “quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh” . Lý do: kế thừa Hiến pháp 1992,  nâng cao trách nhiệm của các chủ thể có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, đảm bảo tính ổn định của chương trình, tránh tùy tiện trong xây dựng Hiến pháp và pháp luật.

- Khoản 8 điều 75 quy định “Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm…”,  lấy phiếu tín nhiệm rồi  bỏ phiếu tín nhiệm, 2 công đoạn, là trình tự thủ tục không cần thiết,  dẫn đến kéo dài thời gian giữ chức vụ của người không xứng đáng đối với chức vụ đang giữ, do đó đề nghị bỏ nội dung “lấy phiếu tín nhiệm”,  quy định  như Hiến pháp 1992 hiện hành để kịp thời thay đổi nhân sự khi không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Điều 79

- Đề nghị bổ sung khoản 5 thêm nội dung: “và các cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội” sau từ “các Ủy ban của Quốc hội” vì còn một số cơ quan khác cũng là cơ quan trực thuộc UBTVQH

- Đề nghị bổ sung nội dung mới vào Điều 79, cụ thể là: “Việc thành lập, giải thể, nâng cấp, đổi tên các cơ quan trực thuộc UBTVQH do UBTVQH quyết định”, vì trên thực tế đã có việc thành lập và giải thể một số cơ quan của UBTVQH trong quá trình hoạt động

Đề nghị bổ sung mới quyền hạn “phê chuẩn các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng dân tộc; phê chuẩn các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Ủy ban” cho thống nhất với Điều 80 và Điều 81 Dự thảo.

Điều 81

Đề nghị bỏ khoản 3 cho phù hợp với kết cấu của điều 80 và các điều khác, mặt khác nội dung này không phải quy định cho các Ủy ban mà quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

7. CHƯƠNG VI: CHỦ TỊCH NƯỚC

Điều 93

Đề nghị bổ sung vào khoản 3 nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước có quyền bổ nhiệm, cách chức Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp…”

8. CHƯƠNG VII: CHÍNH PHỦ

Điều 99

Đề nghị bỏ nội dung “là cơ quan chấp hành của Quốc hội” để đảm bảo nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước.

Điều 101

Đè nghị bỏ cụm từ “chống quan liêu, tham nhũng,  lãng phí trong bộ máy nhà nước” tại cuối khoản 2 vì chính phủ không thể “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Quốc hội khóa 13 kỳ họp thứ tư đã thảo luận nội dung này và nghị quyết về việc chuyển đổi nhiệm vụ chống tham nhũng. 

Như vậy đoạn cuối khoản 2 điều 101 đề nghị sửa thành: “…công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo”.

9. CHƯƠNG VIII: TÒA ÁN NHÂN DÂN, VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

Điều 108

Đề nghị bổ sung vào cuối khoản 6 nội dung: “đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm”, hoặc chuyển nội dung này thành một khoản mới. 

Điều 109

Có ý kiến đề nghị  bổ sung nội dung mới vào Điều này, cụ thể là: “Tòa án nhân dân Tối cao giải thích luật, pháp lệnh”.

10. CHƯƠNG IX: CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

Điều 115

Đề nghị bổ sung nội dung mới vào Khoản 2 Điều này , cụ thể là “và các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt” sau cụm từ “ở các đơn vị hành chính lãnh thổ” vì thực tế đã có những đặc khu kinh tế, hành chính ở nước ta.

Điều 116

Đề nghị sửa đổi khoản 2 điều này, cụ thể là: đổi tên Ủy ban nhân dân thành Ủy ban hành chính và thay đổi nguyên tắc hoạt động của cơ quan hành chính địa phương từ chế độ tập thể sang chế độ thủ trưởng để đảm bảo sự chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành.

Điều 117, Điều 118, Điều 119:: đề nghị bỏ các điều này vì để cho Luật bầu cử, Luật tổ chức HDND và Ủy ban nhân dân, Luật mặt trận quy định.

11. CHƯƠNG X: HỘI ĐỒNG HIẾN PHÁP, HỘI ĐỒNG BẦU CỬ QUỐC GIA, KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Tổng quan, đánh giá chung:

 Nhiều ý kiến không tán thành với tên Chương, đề nghị tách Hội đồng Hiến pháp ra một Chương riêng bảo đảm quyền tài phán vi hiến; đề nghị bổ sung nội dung mới vào Chương, cụ thể là: bổ sung thiết chế độc lập bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, chẳng hạn như cơ quan Thanh tra Quốc hội về quyền con người.

Điều 120

- Đề nghị sửa đổi khoản 2 điều này, cụ thể là thay vì Hội đồng Hiến pháp “Kiểm tra…..; kiến nghị” thì phải giao cho cơ quan này có quyền phán quyết vi hiến, hoặc thành lập Tòa án hiến pháp để có quyền tài phán  thay vì Hội đồng hiến pháp.

- Đề nghị bổ sung nội dung mới vào Điều 120, cụ thể là các nội dung: Thành viên Hội đồng Hiến pháp không đồng thời là đại biểu Quốc hội, thành viên Chính phủ. Văn bản pháp luật bị Hội đồng Hiến pháp kết luận là vi hiến thì không có hiệu lực thi hành. Đề nghị bổ sung chức năng nhiệm vụ cho Hội đồng Hiến pháp, cụ thể là: giải thích Hiến pháp; giải quyết tranh chấp giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương; tuyên bố về tính hợp hiến, hợp pháp của các cuộc bầu cử; bổ sung quy định về tổ chức, số lượng, nhiệm kỳ, thủ tục và điều kiện bầu các ủy viên của Hội đồng.

12. CHƯƠNG XI: HIỆU LỰC CỦA HIẾN PHÁP VÀ VIỆC SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP

Điều 124

Đề nghị bổ sung vào khoản 1điều này Đảng cộng sản Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là các chủ thể có quyền đề nghị sửa đổi Hiến pháp. Đề nghị sửa đổi khoản 4 là Hiến pháp phải được dân phúc quyết thông qua trưng cầu ý dân chứ không phải Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân , đồng thời bổ sung nội dung “có ít nhất quá nửa tổng số cử tri cả nước tán thành, thông qua trưng cầu ý dân”.

                                                       Ngày 18 tháng 3 năm 2013

                                                              Chu Hồng Thanh

              

Các văn bản liên quan