VCCI_Góp ý Thông tư về mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC
Kính gửi: Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng
Trả lời Công văn số 1736/NHNN-TTGSNH của Ngân hàng Nhà nước về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 19/2013/TT-NHNN ngày 06/09/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
- Điều kiện các khoản nợ xấu được VAMC mua
Điều 18.1.c của Dự thảo được sửa đổi theo hướng liệt kê các yêu cầu tối thiểu mà một khoản nợ phải đáp ứng để có thể được VAMC mua, cụ thể:
“c) Khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ, trong đó tối thiểu phải đảm bảo các yêu cầu sau:
(i) Hợp đồng tín dụng, hợp đồng ủy thác, hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp, hợp đồng bảo đảm phải thể hiện rõ các quyền chủ nợ của tổ chức tín dụng, trách nhiệm và nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ đối với tổ chức tín dụng;
(ii) Khoản nợ xấu chưa dùng để bảo đảm nghĩa vụ của tổ chức tín dụng; tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu không có tranh chấp tại thời điểm mua, bán nợ.”
Cơ quan soạn thảo giải thích quy định này là nhằm cho phép “VAMC căn cứ các quy định khác của pháp luật hiện hành liên quan đến từng loại tài sản bảo đảm và thực tế thẩm định, kiểm tra hồ sơ tài sản bảo đảm do tổ chức tín dụng cung cấp, kiểm tra tài sản bảo đảm để xác định hồ sơ, giấy tờ hợp lệ phù hợp với từng loại tài sản bảo đảm.”
Lời văn của Điều 18.1.c cho phép mở rộng ra bất kỳ loại hồ sơ, giấy tờ khác. Trong khi dụng ý chính sách chỉ dừng lại ở việc bổ sung thêm hồ sơ, giấy tờ tương ứng với từng loại tài sản bảo đảm. Như vậy, lời văn của Dự thảo chưa phản ánh chính xác ý đồ chính sách. Đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh Điều 18.1.c như sau:
“c) Khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ, cụ thể:
(i) Hợp đồng tín dụng, hợp đồng ủy thác, hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp, hợp đồng bảo đảm phải thể hiện rõ các quyền chủ nợ của tổ chức tín dụng, trách nhiệm và nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ đối với tổ chức tín dụng;
(ii) Khoản nợ xấu chưa dùng để bảo đảm nghĩa vụ của tổ chức tín dụng; tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu không có tranh chấp tại thời điểm mua, bán nợ.
(iii) Các hồ sơ, giấy tờ hợp lệ và thích hợp khác tương ứng với từng loại tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật quản lý loại tài sản đó.”
- Chia cổ tức của các ngân hàng
Điều 60.4 của Dự thảo quy định việc các tổ chức tín dụng đã bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt thì không được chia cổ tức. Trong Bảng so sánh, cơ quan soạn thảo viện dẫn Điều 23.5 của Nghị định 93/2017/NĐ-CP và cho rằng quy định trên tại Dự thảo Thông tư sẽ không áp dụng đối với việc chia cổ tức của các ngân hàng thương mại nhà nước. Cách diễn giải pháp luật này dường như chưa thực sự chính xác.
Điều 23.5 của Nghị định 93 quy định về việc các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, người đại diện phần vốn nhà nước phải xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính trước khi biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông. Đây chỉ là quy định về việc thực hiện quyền của cổ đông là Nhà nước tại các ngân hàng thương mại, không phải là quy định về quyền của ngân hàng đó. Do đó, nếu Thông tư này đã hạn chế quyền chia cổ tức của các ngân hàng thương mại thì quy định này phải được áp dụng chung, không phân biệt giữa ngân hàng có hay không có vốn nhà nước. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại cách diễn giải pháp luật trong Bảng so sánh.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 19/2013/TT-NHNN ngày 06/09/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.