Góp ý của ĐBQH Đinh Văn Nhã – Phú Yên đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 14:30 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Tôi đồng tình cao với nhiều đánh giá nhận định của các đại biểu Quốc hội đã phát biểu, đánh giá cao dự thảo Hiến pháp lần này mới đưa ra lần đầu và đã có nhiều điều nếu đưa ra biểu quyết thì tôi thống nhất cao và có thể biểu quyết được rất nhiều điều thông qua. Tuy nhiên, chúng ta còn thời gian xin trao đổi thêm một số những vấn đề để thể hiện sự đồng tình của mình, cũng như một số vấn đề muốn trao đổi để Ban soạn thảo có thể cân nhắc. Tôi xin phát biểu một số ý kiến về thẩm quyền quyết định của Quốc hội liên quan đến vấn đề tài chính và ngân sách của quốc gia.

Thứ nhất, về thẩm quyền quyết định của Quốc hội liên quan đến ngân sách quy định gói gọn tại Khoản 4, Điều 76 trong này có hai vấn đề muốn trao đổi thêm.

Vấn đề thứ nhất là tại đầu Khoản 4, Điều 76 có quy định Quốc hội quyết định chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đây là quy định và là thừa kế của Hiến pháp năm 1992, sau 20 năm quy định này của Hiến pháp năm 1992 chưa thực hiện được, nay chúng ta tiếp tục quy định lại và nội hàm vẫn như vậy mà chưa có gì cụ thể. Trên thực tế Quốc hội chúng ta trong thời gian qua cũng làm tương đối tốt, hàng năm chúng ta xem xét quyết định mục tiêu một số chỉ tiêu như lạm phát, bội chi ngân sách, một số giải pháp lớn phục vụ cho điều hành và xử lý thực hiện dự toán ngân sách cũng như chính sách tiền tệ hàng năm liên quan đến chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Thiết nghĩ nếu công việc này đã ổn định và đi vào nề nếp mà đại biểu Quốc hội làm tốt và bây giờ nói đến chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ rất phổ cập và dễ hiểu. Tôi nghĩ phải hiến định cụ thể rõ ràng nội hàm này và thay vì quy định chung chung. Tôi nghĩ nên thay vào là Quốc hội quyết định mục tiêu chỉ tiêu và khung chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Nói đến khung chính sách tài khóa bởi vì nếu Quốc hội quyết định như vậy trong Hiến pháp thì sắp tới chúng ta sửa đổi Luật ngân sách nhà nước đây là một cơ sở hiến định rất quan trọng để chúng ta quyết định khi Chính phủ trình Quốc hội quyết định ngân sách của chúng ta là một năm hay kế hoạch trung hạn là 3 năm, 5 năm. Nếu quyết định kế hoạch trung hạn là 3 năm hoặc 5 năm thì kỳ họp cuối năm của năm trước đó Quốc hội phải quyết định khung chính sách tài khóa, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ hướng dẫn các cơ quan của Chính phủ từ Trung ương đến địa phương để xây dựng dự toán ngân sách năm sau, đây cũng là thông lệ quốc tế. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc hiến định cụ thể thêm về thẩm quyền quyết định và Quốc hội liên quan đến ngân sách.

Vấn đề thứ hai, cũng ở Khoản 4, Điều 76, tôi tán thành rất cao quy định trong Khoản 4, Điều 76 đó là sắp tới Quốc hội sẽ quyết định dự toán phân bổ ngân sách Trung ương cũng như phê chuẩn ngân sách Trung ương, xem xét báo cáo tổng hợp dự toán cũng như quyết toán ngân sách Nhà nước. Nếu Quốc hội quyết định thông qua được điều này thì tôi cho rằng đây là bước tiến xa hơn so với quyết định trong Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp năm 1992 chỉ giao cho Quốc hội thẩm quyền quyết định dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ ngân sách Trung ương, nhưng đối với quyết toán thì phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách Nhà nước. Như vậy, quy định mới này là bước tiến xa hơn, nếu Quốc hội thông qua chúng ta sẽ có 3 cái được rất lớn trong quản lý ngân sách, tài chính của Quốc hội.

Cái được lớn thứ nhất là phân định rõ thẩm quyền quyết định ngân sách của các cấp giữa Trung ương và địa phương, nếu phân định rõ như vậy sẽ tiến tới xóa bỏ việc quyết định trùng giẫm. Ví dụ hiện nay ở địa phương quyết toán Hội đồng nhân dân đã phê chuẩn rồi, lên Quốc hội lại phê chuẩn lại, hoặc về phân bổ ngân sách, Quốc hội đã phân bổ rồi về Hội đồng nhân dân sẽ phân bổ lại, nếu chúng ta quyết định được thì điều này sẽ không diễn ra.

Cái được lớn thứ hai, rất quan trọng là cơ bản xóa bỏ được sự lồng ghép giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, đặc biệt kể cả lồng ghép ngân sách các cấp ở địa phương nữa. Đây là cái rất quan trọng mà hiện nay trong điều hành ngân sách chúng ta hàng năm đang mắc, kể cả chính quyền các bộ ngành Trung ương và địa phương.

Cái được thứ ba, đối với đại biểu Quốc hội chúng ta và đại biểu dân cử đó là sẽ rút ngắn được quy trình làm ngân sách, Quốc hội chúng ta sẽ có ít nhất khoảng 2 tháng được quyền tiếp cận và có thời gian tiếp cận với các báo cáo ngân sách mà Chính phủ trình, ở địa phương thì đại biểu Hội đồng nhân dân cũng được quyền tiếp cận. Như vậy, chúng ta sẽ có khoảng 1,5 đến 2 tháng xem xét, mổ xẻ các vấn đề về ngân sách, nó rất quan trọng. Có ba cái lớn như vậy tôi đồng tình rất cao với quy định.

Vấn đề thứ ba, tuy chưa được đưa vào trong dự thảo Hiến pháp cũng như qua phát biểu của đại biểu Quốc hội chưa thấy đại biểu nào đề cập đến nhưng chúng tôi làm ngân sách thì thấy đây là vấn đề rất lớn và thực ra là bức xúc khi chúng ta xem xét cân đong, đo đếm để quyết định tăng lương như thế nào, tất cả các chính sách chế độ đối với cán bộ công chức trong hệ thống chính trị của chúng ta, đó là vấn đề quyết định biên chế của các cơ quan trong hệ thống chính trị của chúng ta. Đây là vấn đề quan trọng.

Hiện nay vấn đề biên chế của chúng ta rất nhiều đầu mối quyết định, trong khi đó chỉ có một đầu mối duy nhất quyết định về nguồn lực để tổ chức thực hiện biên chế cũng như chính sách chế độ đó là Quốc hội. Quốc hội là cơ quan duy nhất quyết định về quyền lực để bố trí lương, các chính sách, nhưng về biên chế Quốc hội chỉ quyết định một phần đó là giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định biên chế cho cơ quan tòa án, còn biên chế cho tất cả các cơ quan khác thì ngoài thẩm quyền của Quốc hội và Quốc hội hầu như 5 năm một lần Ủy ban Pháp luật mới xem xét giám sát một lần. Một năm Quốc hội xem xét bố trí ngân sách làm lương, làm tất cả các chính sách cho cán bộ công chức trong hệ thống chính trị mà Quốc hội không để ý gì đến vấn đề biên chế. Tôi nghĩ về biên chế và các cơ quan Đảng do cơ quan Đảng quyết định, các tổ chức chính trị xã hội khác cơ bản cũng tự quyết định, còn biên chế của quản lý hành chính quản lý nhà nước thì giao cho Chính phủ. Ở Chính phủ hiện nay riêng biên chế về sự nghiệp ở khu vực các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Chính phủ đã phân cấp cơ bản cho Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định, cho nên Quốc hội không quyết định được biên chế. Khi làm chúng tôi rất trăn trở vấn đề này, khi thảo luận các đại biểu thấy đây là vấn đề bức xúc. Tôi đề nghị có lẽ nên giao thêm thẩm quyền cho Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định không phải biên chế tất cả những biên chế hành chính sự nghiệp, đây là vấn đề quan trọng cùng với vấn đề tiền lương. Xin hết.

Các văn bản liên quan