Góp ý của ĐBQH Đinh Thị Bạch Mai – TP Hồ Chí Minh đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 14:32 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin góp một ý vào lời nói đầu của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tôi đề nghị bổ sung 4 từ "quyền bình đẳng giới" vào sau "Tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân" thành một câu đó là "ôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền bình đẳng giới" vì những lý lẽ sau: Hiến pháp sửa đổi ở đoạn này đã nêu dưới ánh sáng Chủ nghĩa Mác - LêNin và tư tưởng Hồ Chí Minh thực hiện cương lĩnh đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp này tiếp tục khẳng định mạnh mẽ ý chí của nhân dân Việt Nam v.v...

Chúng ta đều biết Đảng cộng sản Việt Nam, Bác Hồ luôn lãnh đạo Đảng, nhà nước, xã hội thúc đẩy thực hiện bình đẳng nam nữ, phải vận động quảng đại phụ nữ tham gia cách mạng thì cách mạng mới thành công. Thực tiễn cách mạng Việt Nam cho đến nay cho thấy tư tưởng đó đã phát huy thế mạnh, nguồn lực của cả nam và nữ vào sự thành công của cách mạng Việt Nam. Từ khi thực hiện Hiến pháp năm 1992 đến nay, đặc biệt là từ sau khi Luật bình đẳng giới được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2006, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến bộ trong lĩnh vực bình đẳng giới, tôi nghĩ rằng rộng hơn là bình đẳng nam nữ.

Một trong các nguyên tắc bình đẳng giới là lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi chính sách pháp luật. Trong Điều 47 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng quy định thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2011 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định 2351 ngày 24/12/2010 trong đó có mục tiêu 7, chỉ tiêu 1 và 2 đề cập đến việc nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về bình đẳng giới.

Kính thưa Quốc hội,

Luật bình đẳng giới được thi hành hơn 4 năm, những kết quả thực hiện các quy định về lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuy có được quan tâm hơn trước đây nhưng cũng còn nhiều hạn chế. Do đó, việc khẳng định quyền bình đẳng giới trong lời nói đầu của Hiến pháp sẽ khẳng định ý chí mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam. Ngoài việc tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân nói chung thì nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam sẽ tôn trọng và bảo đảm quyền bình đẳng giới nhằm thúc đẩy việc phát huy thế mạnh giới trong xây dựng và bảo vệ 4 chủ thể; Con người, gia đình, xã hội, quốc gia. Trước mắt sẽ hạn chế được sự cân bằng, mất cân bằng giới tính khi sinh trong tương lai gần.

Cũng nhằm để góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động của Quốc hội, là tiền đề rất quan trọng để đạt được các mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoàn thiện các chính sách về bình đẳng giới. Thúc đẩy việc lồng ghép giới về bình đẳng giới trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi các điều, khoản Hiến pháp năm 1992 lần này cũng như trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của đất nước. Cũng như sẽ thu hút được sự ủng hộ, sự quan tâm của các tổ chức quốc tế trong quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế. Trong một phạm vi hẹp tôi nghĩ rằng có sự khẳng định trong Hiến pháp sẽ có sự quan tâm, ủng hộ đúng mức của đảng, nhà nước và xã hội thì tỷ lệ nữ tham gia làm đại biểu Quốc hội sẽ được tiếp tục tăng lên ở những khóa tiếp theo. Bởi vì hiện nay theo số liệu, chúng tôi nhóm nữ đại biểu Quốc hội mới tiếp xúc với Chủ tịch nước, các chị cũng có thông tin đó là tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII so với các nước trong khu vực là tương đối tốt, xếp thứ 3 trong các nước Đông Nam Á, xếp thứ 6 ở Châu Á, xếp thứ 8 ở khu vực Thái Bình Dương nhưng so với các khóa X, XI, XII là chưa đạt chỉ tiêu đề ra và vị thứ trên thế giới đang thấp dần. Khóa X là 26,2%, xếp thứ 8 trên thế giới, khóa XI là 27,3% xấp thứ 15 trên thế giới, khóa XII là 25,8% xếp thứ 39 trên thế giới, khóa XIII là 24,4% xếp thứ 44 trên thế giới. Đến ngày 30/9/2012 thì Việt Nam đứng xuống thứ 48 trên thế giới, đó là số liệu mới nhất của Liên minh nghị viện thế giới. Vì vậy, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa trong việc khẳng định, việc tôn trọng và bảo đảm quyền bình đẳng giới trong Lời nói đầu và nghiên cứu lồng ghép giới trong các điều, khoản bên trong của Hiến pháp sửa đổi lần này. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan