Góp ý của ĐBQH Đỗ Hữu Lâm – Long An đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 14:29 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Tham gia vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tôi xin có mấy ý kiến.

Một, về nhận thức của tôi về hình thức dự thảo quá dài, nội dung mang tính diễn giải nhiều. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu hình thức văn phong của Hiến pháp năm 1946 rất dễ hiểu, ngắn gọn, trong sáng và mỗi điều luật đều có tính khẳng định mang tính pháp lý cao.

Điều 1 dự thảo theo tôi chưa khẳng định mạnh chính thể và chủ quyền của nước ta. Tôi đề nghị như sau: Việt Nam là một nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa độc lập dân chủ có chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Như vậy khẳng định nước ta là một nước xã hội chủ nghĩa, là tuyên ngôn khẳng định nền tảng pháp lý chính trị của nước ta và bổ sung từ dân chủ và làm rõ bản chất của nhà nước ta, chế độ ta. Khẳng định như vậy cũng như Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định chính thể của nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa.

Điều 13 Hiến pháp năm 1992 diễn giải mọi âm mưu và hành động chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa v.v... bị nghiêm trị theo pháp luật. Ở Điều 11 của dự thảo ta lại bỏ từ "âm mưu và hành động" mà thay bằng "hành vi chống lại độc lập chủ quyền" và bỏ hết từ "Việt Nam xã hội chủ nghĩa thì bị nghiêm trị". Theo tôi như vậy là không phù hợp vì phải có âm mưu mới có hành vi mà đã có hành vi mới nghiêm trị thì đã quá trễ. Theo tôi khi phát hiện có âm mưu thì phải nghiêm trị để tránh hậu quả lớn và phải khẳng định Tổ quốc ta là Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì vậy điều này tôi xin diễn đạt như sau:

Điểm 1 là Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là thiêng liêng bất khả xâm phạm.

Hai là mọi âm mưu và hành vi chống lại độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, xâm phạm lợi ích của tổ quốc và nhân dân đều bị nghiêm trị theo pháp luật.

Điều 13, Khoản 3 có ghi "quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca" theo tôi là không phù hợp với những gì diễn ra ở thực tế. Ví dụ ở một cơ quan đơn vị khi chào cờ khi chào cờ hát bài Tiến quân ca nhưng không có nhạc như vậy có phải là hát quốc ca không. Vì vậy, tôi đề nghị ghi "Quốc ca nước Cộng hào xã hội chủ nghĩa Việt Nam là bài Tiến quân ca" như Hiến pháp 1946 đã khẳng định.

Điều 49 là bổ sung sửa đổi Điều 97 Hiến pháp 1992 có bổ sung "nghĩa vụ thay thế theo luật định nếu không thực hiện nghĩa vụ quân sự" theo tôi là không rõ ràng và không thuyết phục vì dễ lách luật để trốn tránh nghĩa vụ công dân. Vì vậy, tôi đề nghị giữ nguyên như Điều 77 của Hiến pháp năm 1992 vì nó cũng giống như tinh thần của Hiến pháp năm 1946 là "mọi công dân Việt Nam có nghĩa vụ phải đi lính".

Sáu, về Chương IX ở chính quyền địa phương theo tôi trình bày như dự thảo cũng không rõ, tôi đề nghị giữ như Hiến pháp năm 1992 là "Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân", Điều 117 giữ như các Điều 119, 120, 123, 124 của Hiến pháp năm 1992. Nếu Hội đồng nhân dân không là quyền lực nhà nước ở địa phương thì làm sao quyết định phê chuẩn và giám sát được. Điều 116 diễn đạt trong dự thảo thì không rõ nghĩa, như nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ở đây hiểu ra sao? Nước nào, nước gì? Vì vậy, Khoản 1 điều này đề nghị diễn đạt như sau:

Một, các đơn vị hành chính, lãnh thổ được phân định như sau: "Nước Việt Nam được chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tỉnh chia thành huyện, thành phố trực thuộc tỉnh và thị xã, v.v". Xin hết ý kiến. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan