Góp ý của ĐBQH Nguyễn Thị Thanh Hòa – Bắc Ninh đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 14:29 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội.

Thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tôi xin có một số ý kiến như sau:

Một, về chương chế độ chính trị ở Điều 6. Tôi nhất trí với các ý kiến phát biểu trước tôi, đó là thể hiện điều này, chúng ta phải quán xuyến đầy đủ Cương lĩnh năng 2011 về phát huy quyền dân chủ của nhân dân, trong đó có cả hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Vì vậy, nếu như thể hiện trong dự thảo thì chưa bao gồm đầy đủ các cơ quan đại diện đã được quy định trong cương lĩnh, đó là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Ở Điều 9, Khoản 2 tôi nhất trí với một số ý kiến phát biểu trước tôi, nhất là ý kiến của đại biểu Tùng là dự thảo cần thể hiện rõ và cụ thể hơn vai trò của tổ chức chính trị, xã hội trong hệ thống chính trị ở nước ta, trong việc đoàn kết, tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành pháp luật, tham gia quản lý Nhà nước, xã hội và thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân. Quy định rõ vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội không phải là thể hiện sự không bình đẳng với các tổ chức xã hội khác mà nó phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam, đó là một đảng lãnh đạo, các tổ chức chính trị xã hội là những tổ chức cách mạng của Đảng ra đời ngay sau khi có Đảng.

Đây cũng là các thành viên nòng cốt của Mặt trận, vì vậy cần có hành lang pháp lý cao nhất cho các tổ chức chính trị xã hội để thực hiện nhiệm vụ của Đảng, nhà nước giao cho. Mặt khác ở đây chúng tôi thấy ở Khoản 1 chúng ta viết: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội v.v... liên hiệp tự nguyện, liên minh chính trị. Viết rất cụ thể tên các tổ chức ra nhưng đến Khoản 2 chúng ta lại nói: Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên thì nó sẽ gây một sự rất khó hiểu. Vậy thì các tổ chức được quy định ở Khoản 1 có là tổ chức thành viên của Mặt trận không? và các tổ chức thành viên của Mặt trận ở Khoản 2 là những tổ chức nào? chúng tôi thấy chỗ này nếu ghi như Khoản 1, Khoản 2 thì chưa rõ và tham khảo Hiến pháp của Nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, chúng tôi thấy trong Hiến pháp của bạn là nước cũng có thể chế chính trị tương tự như chúng ta thì ghi rất rõ: Mặt trận xây dựng Quốc gia Lào, Liên đoàn các hiệp hội thương mại Lào, Hội thanh niên cách mạng Lào, Hội liên hiệp phụ nữ Lào và các tổ chức xã hội khác là cơ quan tập hợp vận động các tầng lớp nhân dân v.v...

Về vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận, đoàn thể nhân dân thì đã được quy định trong nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 10 và tiếp tục lại được quy định trong cương lĩnh năm 2011, trong Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI quy định: xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội. Nếu thể hiện như trong dự thảo thì chúng ta có thể hiểu Mặt trận và tất cả các tổ chức, thành viên đều có vai trò giám sát và phản biện xã hội thì cái này nó cũng không đúng với Nghị quyết Trung ương 4 và thể hiện như ở trong dự thảo thì Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội chỉ có vai trò là động viên nhân dân thực hiện giám sát phản biện xã hội.

Về Chương II, chúng tôi cũng thống nhất về lý luận thì quyền con người rộng hơn quyền công dân nhưng xét trong thực tế giữa quyền con người và quyền công dân thì có nhiều điểm trùng nhau. Cho nên việc quy định chung về quyền con người và quyền công dân là hợp lý, nhưng tôi đề nghị thể hiện rõ hơn về phần nghĩa vụ của công dân, nhiều điều, khoản nhấn mạnh về quyền nhiều hơn về nghĩa vụ. Ví dụ Điều 32 quy định nhiều về quyền khiếu nại, tố cáo và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước phải tiếp nhận giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân. Song như chúng ta biết trong báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về các quyết định hành chính về đất đai cho thấy có đến hơn 50% là tố cáo và khiếu nại không đúng, cho nên cần có những quy định về nghĩa vụ của công dân là phải khiếu nại và tố cáo đúng. Tôi cũng đề nghị cần có những quy định về nghĩa vụ như công dân phải chăm chỉ, cần cù lao động xây dựng đất nước. Trong dự thảo chúng ta mới quy định nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc, hay công dân có nghĩa vụ xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng gia đình, xây dựng con người Việt Nam như quy định tại Điều 65 của Chương III.

Một ý nữa chúng tôi thấy giữa phụ nữ và nam giới, giữa trẻ em trai và trẻ em gái có những điểm khác biệt, mặc dù cũng là con người. Sự khác biệt thể hiện trong việc thực hiện quyền con người và quyền công dân. Thực tế nhiều năm qua nếu như Đảng, Nhà nước không có các chủ trương, chính sách pháp luật đặc thù thì chắc chắn khoảng cách giới sẽ rất lớn giữa nam và nữ, thường là bất lợi nghiêng về phụ nữ và trẻ em gái. Tôi đồng tình với quy định ở Điều 28, song chúng ta cũng cần quy định rõ hơn. Đặc biệt chúng ta cần có một điều quy định về phụ nữ với vai trò là người tái tạo nòi giống có quyền được hưởng các chính sách thai sản như Hiến pháp hiện hành đã quy định ở Điều 63 và Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ thai sản cho phụ nữ chứ không phải chỉ có nữ công chức, viên chức, người lao động mà phụ nữ nào mang thai và sinh con Nhà nước đều có chính sách hỗ trợ thai sản.

Về Điều 39 cân nhắc khi chúng ta thể hiện quy định là nam, nữ có quyền kết hôn. Vì thể hiện như dự thảo chúng ta có thể hiểu là nam có quyền kết hôn với nam, nữ có quyền kết hôn với nữ, liệu như thế có được hay không? Chúng ta đều biết hiện tượng kết hôn đồng tính là có nhưng được thừa nhận hay không thì cần có nghiên cứu thêm về vấn đề này.

Ở Điều 40 chúng ta thấy trong tình hình Việt Nam chúng ta đang mất cân bằng giới tính rất nghiêm trọng, tác hại của vấn đề này rất lớn. Tôi đề nghị cần bổ sung thêm một hành vi phải nghiêm cấm là phân biệt giới tính khi sinh và giữ quy định ở Hiến pháp hiện hành quy định về trách nhiệm của cha mẹ trong việc nuôi dạy con thành những công dân tốt, con cháu có bổn phận kính trọng, chăm sóc ông bà, cha mẹ. Nhà nước và xã hội không thừa nhận việc phân biệt đối xử giữa các con, thì đây là quy định rất tiến bộ.

Cuối cùng, về Nghị quyết lấy ý kiến của nhân dân, tôi đề nghị bổ sung thêm yêu cầu của việc tổ chức lấy ý kiến là dân chủ, khoa học, công khai và bình đẳng, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức ở Mục 6 đề nghị bổ sung sau các tôn giáo là dân tộc. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan