Góp ý của ĐBQH Phùng Văn Hùng – Cao Bằng đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 14:28 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Tôi đánh giá cao chất lượng của Bản dự thảo Hiến pháp do Ủy ban sửa đổi Hiến pháp chuẩn bị. Tôi xin góp ý vào một số vấn đề cụ thể sau:

Một, liên quan đến vấn đề kiểm sát quyền lực, một sửa đổi rất nhỏ nhưng tôi cho là rất quan trọng được ghi trong khổ 2, Điều 2 của dự thảo là đã bổ sung cụm từ "kiểm soát", tuy nhiên kiểm soát cái gì và kiểm soát thế nào thì dự thảo cần phải hoàn thiện tiếp. Mặc dù so với Hiến pháp năm 1992 đã có nhiều điểm mới, tôi đề nghị sửa khổ 2 của Điều 2 như sau: "quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công phối hợp và kiểm soát quyền lực của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp" thay vì "giữa các cơ quan". Như vậy, việc kiểm soát ở đây là kiểm soát quyền lực của các cơ quan nhà nước để tránh sự lạm quyền, kiểm soát quyền lực không chỉ giữa các cơ quan nhà nước với nhau mà có cả những thiết chế độc lập cũng tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước.

Ví dụ Quốc hội ban hành luật, Chủ tịch nước ra quyết định trái với Hiến pháp hoặc một bản án của Tòa án vi hiến thì các cơ quan có đủ thẩm quyền tuyên hủy kịp thời. Từ đây tôi xin đề nghị xây dựng thiết chế Hội đồng bảo hiến do Chủ tịch nước đứng đầu và thành viên là đại diện của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số tổ chức chính trị xã hội ban ngành hữu quan khác. Ngoài ra tôi đề nghị tách Thanh tra Chính phủ thành cơ quan độc lập đổi tên là Thanh tra nhà nước giúp các cơ quan nhà nước nói chung thực hiện nhiệm vụ thanh tra và chịu trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội.

Tại kỳ họp này chúng ta thảo luận rất nhiều về vấn đề tham nhũng, đang thách thức sự lãnh đạo của Đảng và tồn vong của chế độ, làm xói mòn lòng tin của nhân dân, quyết tâm của chúng ta chưa bao giờ thiếu. Nhưng chúng ta thiếu chính là những công cụ hữu hiệu để thực thi nhiệm vụ này.

Kiểm toán trước đây thuộc Chính phủ nay đã hoạt động độc lập thì không có cớ gì chúng ta không mạnh dạn trao cho thanh tra một vị trí tương tự. Góc độ điều hành của Chính phủ không cần có một cơ quan thanh tra riêng, các bộ, các ngành đã có thanh tra nội bộ, mặt khác có thanh tra nhà nước ta không cần thành lập cơ quan phòng, chống tham nhũng riêng độc lập vì thanh tra thực chất cũng là phòng, chống tham nhũng.

Hai, vấn đề tiếp theo tôi xin đề cập đến tổ chức bộ máy nhà nước và cụ thể là chính quyền địa phương, theo tôi Chương IX, về chính quyền địa phương chưa có gì mới, chẳng qua là thay đổi câu chữ chưa đi vào bản chất và nhu cầu phát triển của đất nước hiện nay và 10, 15 năm, 20 năm tiếp theo. Chúng ta đều biết quyền lực nhà nước có giới hạn mà sự phân chia hay phân công quyền lực như ta vẫn gọi không hợp lý, không có cơ sở khoa học thì chúng ta sẽ làm triệt tiêu hiệu lực và hiệu quả của bộ máy chính quyền. Nếu chúng ta phân công cho cấp này nhiều hơn thì cấp kia sẽ phải ít đi hoặc đáng lẽ ta chỉ cần 3 cấp chính quyền, nhưng chúng ta lại phân thành 4 cấp dẫn đến chồng chéo, manh mún quyền lực. Một nghiên cứu nước ngoài kết luận rằng càng nhiều cấp, càng nhiều đầu mối thì không chỉ quyền lực Nhà nước bị phân tán, chức năng, nhiệm vụ chồng chéo, bộ máy cồng kềnh, quan liêu, kém hiệu quả mà cả nguồn nhân lực, vật lực và tài chính dàn trải, phân tán, kém hiệu quả. Hiện nay hầu hết các nước trên thế giới duy trì mô hình chính quyền 3 cấp, đất nước chúng ta đã thống nhất được 37 năm, chúng ta đã đạt được nhiều thắng lợi to lớn cả về kinh tế, chính trị và xã hội. Vậy mà chúng ta vẫn giữ mô hình Nhà nước đã có cách đây 66 năm về trước, theo quy định của Hiến pháp 1946, khi xã hội ngày càng phát triển thì hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện, ý thức pháp luật của người dân càng được nâng cao, dẫn đến phạm vi quản lý của Nhà nước càng cần thu hẹp để xã hội dân sự có điều kiện phát triển, để đưa vào Hiến pháp sửa đổi lần này.

Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu mô hình quản lý chính quyền đô thị của các nước để đưa vào Hiến pháp sửa đổi lần này. Vì 2 lý do sau.

Ở đô thị, không gian địa lý gọn, giao thông đi lại thuận lợi, nên công tác quản lý của chính quyền có nhiều thuận lợi. Mặt khác, người dân đô thị có điều kiện tiếp cận với pháp luật, với những cái mới sớm hơn. Do vậy, tôi đề nghị đưa vào Hiến pháp mô hình chính quyền đô thị như sau. Ở các thành phố trực thuộc Trung ương, chính quyền đô thị chỉ gồm 2 cấp là chính quyền thành phố và chính quyền phường. Ở thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã chỉ có 2 cấp chính quyền là chính quyền cấp tỉnh và chính quyền thành phố, thị xã, như vậy ta đã bớt đi được một cấp chính quyền ở đô thị, còn ở các địa bàn nông thôn ta vẫn giữ nguyên như hiện nay là 4 cấp, tất nhiên việc chuyển đổi có thể cần phải có thời gian, ví dụ lùi 2-3 năm, tuy nhiên ta vẫn cần phải quy định vào dự thảo Hiến pháp lần này.

Nội dung thứ ba, tôi đề cập liên quan đến thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin bày tỏ sự đồng tình với dự thảo.

Hiện tại, tại Điều 80, Khoản 9 bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chức năng này theo Hiến pháp năm 1992 được giao cho Chính phủ. Như vậy, theo dự thảo Hiến pháp ta đã có thêm một quá trình xem xét nữa để cân nhắc, xem xét cho kỹ lưỡng trước khi ra quyết định lập mới, tách, nhập, điều chỉnh địa giới. Theo thông lệ quốc tế, xã hội phát triển luôn đi kèm với xu thế sáp nhập, giảm đầu mối các cơ quan hành chính, cơ quan chính quyền. Nhưng dường như ở Việt Nam lại càng phình ra, nhất là cấp huyện và cấp xã. Một vài ví dụ sau đây có thể cho chúng ta biết để tham khảo, ví dụ ở Nhật Bản, đất nước có diện tích là 337 nghìn km2 với dân số 120 triệu người, 3 cấp chính quyền gồm Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã. 3.100 đơn vị.

Trong khi ở Việt Nam chúng ta diện tích là 332.000km2, 86 triệu người, có 64 tỉnh, 630 đơn vị cấp huyện và 14.000 đơn vị cấp xã. Lớn hơn rất nhiều so với Nhật Bản. Con số này được tính vào thời điểm 2006. Đến nay chắc con số này còn nhiều hơn nữa.

Một ví dụ khác cũng tại Nhật Bản. Năm 1990 chính quyền địa phương hay còn gọi là chính quyền cơ sở có 15.859 và đến năm 1999 con số này giảm xuống còn 3.229. Đến tháng 4-2004 rút xưống chỉ còn 3.100.

Những con số này cho ta thấy rằng, trong xu thế phát triển xã hội cần phải gọn nhẹ, thu gọn lại bộ máy chính quyền, giảm đầu mối.

Các văn bản liên quan