Góp ý của ĐBQH Trần Đình Sơn – Đắc Lắk đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 14:27 26-12-2012


Thưa Quốc hội.

Trước hết tôi đồng tình về sự cần thiết về mục đích, yêu cầu, quan điểm sửa đổi Hiến pháp năm 1992, sau đây tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:

Về chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, vấn đề này được rất nhiều đại biểu đã có ý kiến, tôi xin phân tích thêm một số ý kiến như thế này.

Tôi đồng tình với một số ý kiến của các đại biểu đã phát biểu trước tôi, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu có nên tách các điều quy định về quyền con người và quyền công dân. Trong tên gọi của chương thì nên chia làm hai phần: Phần quy định về phần con người trước và về phần quy định quyền, nghĩa vụ của công dân sau. Bởi lẽ quyền con người hoàn toàn khác với quyền công dân. Quyền con người là các quyền tự nhiên vốn có và không thể chuyển nhượng được của các cá nhân. Các quyền con người không phụ thuộc vào phong tục, tập quán, truyền thống, văn hóa hay ý chí bất cứ cá nhân, giai cấp, tầng lớp, tổ chức hay nhà nước nào và không một chủ thể nào, kể cả nhà nước có thể ban phát hay tước bỏ các quyền con người. Quyền con người khái niệm rộng hơn quyền công dân, phạm vi áp dụng do không bị giới hạn bởi chế định quốc tịch, chủ thể quyền con người là tất cả các thành viên của gia đình, nhân loại.

Về bản chất, các quyền công dân chính là những quyền con người được Nhà nước thừa nhận và áp dụng cho công dân của mình, một cá nhân, ngoại trừ những người không quốc tịch, về danh nghĩa đồng thời là chủ thể của hai loại quyền con người và quyền công dân. tuy nhiên sự phân biệt trong thụ hưởng cả hai loại quyền này chỉ được thể hiện trong một số hoàn cảnh đặc biệt. Ví dụ người nước ngoài sẽ không được hưởng một số quyền công dân đặc thù như quyền bầu cử, ứng cử v.v... tuy nhiên người đó vẫn được hưởng các quyền con người như quyền sống, quyền tự do và quyền an ninh cá nhân. Do vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để quy định cho phù hợp.

Về quy định tại Khoản 3, Điều 33, tôi thấy quy định như dự thảo chưa chính xác, cần sửa lại là "không ai bị kết tội hai lần về cùng một hành vi phạm tội". Ví dụ, một người thực hiện hành vi trộm cắp đã bị tòa án kết án và sau khi thi hành xong bản án, về nhà lại tiếp tục thực hiện hành vi trộm cắp thì trong trường hợp này tòa án hoàn toàn có quyền ra một bản án mới kết tội bị cáo về tội trộm cắp.

Vấn đề kiểm soát quyền lực Nhà nước, sự phân công một cách rành mạch các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm đảm bảo cho việc tổ chức một cách có hiệu quả cả 3 quyền này trên thực tiễn và từ đó làm cơ sở cho việc ban hành luật, sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức hệ thống các cơ quan này một cách phù hợp. Tôi đồng tình ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch, tôi xin không phân tích thêm.

Về địa vị pháp lý của Quốc hội, tôi đề nghị sửa lại ở Điều 75 khẳng định rõ địa vị pháp lý của Quốc hội phải được khẳng định một cách rõ ràng, dứt khoát. Tôi đề nghị sửa theo hướng như sau: "Quốc hội là cơ quan đại biểu của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp, Quốc hội có quyền quyết định những việc quan trọng nhất của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của bộ máy Nhà nước".

Về chế định bảo hiến, tôi đề nghị Quốc hội nghiên cứu nên đưa chế định này vào dự thảo Hiến pháp. Bởi lẽ thực tiễn qua rất nhiều năm vừa qua ở nước ta những vi phạm Hiến pháp xảy ra rất nhiều, nhất là việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật vi hiến nhưng không một cơ quan nào xem xét, xử lý, dẫn đến nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa bị vi phạm. Vì vậy, việc đặt ra chế định này là cần thiết, nhằm khắc phục, xử lý những hành vi vi phạm Hiến pháp.

Về hệ thống tổ chức của tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu Lương Văn Thành, xin không phân tích gì thêm. Tôi xin đề cập đến quyền cơ bản của Quốc hội đó là quyền giám sát tối cao việc tuân theo pháp luật. Các bản Hiến pháp năm 1959, 1980 Quốc hội đều giao cho Viện kiểm sát thực hiện quyền này, thực hiện kiểm sát về tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và công dân. Sau đó Hiến pháp năm 1992 không quy định và quyền giám sát tối cao hiện nay được giao cho rất nhiều cơ quan, kể cả các cơ quan thuộc bộ máy hành pháp dẫn đến tình trạng chồng chéo, phân tán và nhất là không ai chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước nhân dân về tình trạng vi phạm pháp luật.

Tôi đồng tình với quan điểm của đại biểu Trần Đình Nhã, đại biểu Trần Văn Độ, đại biểu Hùng đã phân tích, tôi đề nghị nên giao cho Viện kiểm sát nhân dân thực hiện việc kiểm soát tuân theo pháp luật bởi lẽ Viện kiểm sát nhân dân do Quốc hội lập ra và thực hiện nhiệm vụ do Quốc hội giao. Trong tác phẩm bàn về chế độ song trùng trực thuộc và pháp chế Lê-Nin có viết trước tình trạng pháp luật do nhà nước đặt ra nhưng không được chấp hành nghiêm túc nơi này thế này, nơi khác thế khác, nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa không được tôn trọng và Lê - Nin đề nghị nên đặt ra và trao cho cơ quan này quyền giám sát tối cao việc tuân theo pháp luật của tất cả các cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương và mọi công dân trong việc chấp hành pháp luật, không có người khẳng định là không có cơ quan nào khác ngoài Viện kiểm sát. Thực tiễn ở Việt Nam đã chứng minh điều đó qua mấy chục năm qua, nguyên lý này của Lê - Nin là hoàn toàn đúng, xin đề nghị Quốc hội xem xét. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan