Góp ý của ĐBQH Lê Thị Nguyệt – Vĩnh Phúc đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 14:25 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Tôi cơ bản nhất trí cao với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tôi đồng tình với nhiều ý kiến của đại biểu nói là trùng ý kiến, nhưng tôi nghĩ trách nhiệm của đại biểu là cần thiết phải tham gia mặc dù có nhiều ý kiến trùng cũng là cơ sở để Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét, nhiều ý kiến sẽ tạo sự đồng thuận cao. Tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội trong Điều 4 đã nói rất rõ trách nhiệm, quyền hạn, vai trò của Đảng. Đây là điều hết sức quan trọng vì Đảng lãnh đạo nhà nước là nguyên tắc hiến định. Đảng cũng chỉ là một bộ phận của hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo chứ không chỉ đạo, làm thay, bao biện công việc cụ thể của Nhà nước. Đảng lãnh đạo Quốc hội, nhưng Quốc hội do dân bầu ra vì thế Đảng tôn trọng, phát huy vai trò của Quốc hội, của nhân dân.

Mặt khác, Đảng là lực lượng tiên phong để định hướng hoạt động của Quốc hội. Tôi thấy một điều hết sức quan trọng đó là Đảng định hướng Quốc hội gồm những vấn đề gì và đến mức độ nào. Đảng lãnh đạo nhưng phải thực sự tôn trọng địa vị pháp lý của Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất được nhân dân ủy thác và nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội.

Về mặt pháp lý nhân dân không bầu ra Đảng và không ủy thác quyền lực cho Đảng. Khi Hiến pháp, luật đã được Quốc hội thông qua thì tổ chức Đảng, đảng viên hoạt động trong khuôn khổ, đại biểu Quốc hội vừa là Đảng viên, chịu sự lãnh đạo của Đảng nhưng chịu sự giám sát và đại diện cho nhân dân. Hôm qua đại biểu Khánh nói nhiều về khía cạnh này, một Đảng viên là đại biểu Quốc hội khi phát biểu ý kiến tại Quốc hội, có vấn đề gì địa phương có ý kiến khiến cho đại biểu rất băn khoăn. Tôi đề nghị trong sửa đổi Hiến pháp lần này vấn đề quan trọng là cần thể hiện cụ thể hơn vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội.

Thứ hai, về địa vị pháp lý của nguyên thủ quốc gia. Theo Hiến pháp hiện hành địa vị pháp lý của các cơ quan hành pháp Việt Nam bao gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và hệ thống hành pháp Việt Nam do Quốc hội quyết định. Theo đó Chính phủ được quy định là cơ quan chấp hành của Quốc hội, qua 4 bản Hiến pháp của Việt Nam địa vị pháp lý của Chủ tịch nước thì ngày càng mờ nhạt. Nếu như các Điều 49 và Điều 50 của Hiến pháp 1946 quy định Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia thì phải hội đủ cả 3 điều kiện đại diện cho Nhà nước về đối nội, đối ngoại, thống lĩnh các lực lượng vũ trang và đứng đầu cơ quan hành pháp là Chính phủ thì các bản Hiến pháp sau này đều giảm nhẹ vai trò của Chủ tịch nước, không quy định rõ thực quyền của một nguyên thủ quốc gia so với Hiến pháp 1946.

Theo quy định của các bản Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 không có chức danh Nhà nước nào hội đủ cả 3 quyền thực chất, tối thiểu của một nguyên thủ quốc gia. Chúng ta có thể thấy một thực tế là Tổng Bí thư, Ban chấp hành Trung ương là Bí thư quân ủy Trung ương, cơ quan lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong quân đội thể hiện sự lãnh đạo tuyệt đối và trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, quân ủy Trung ương thì đặt dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương mà thường xuyên là Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Như vậy, Tổng Bí thư thực chất là người thống lĩnh lực lượng vũ trang và thay mặt cho Nhà nước về đối nội và đối ngoại. Nhưng về pháp lý lại không được ghi nhận là người đứng đầu cơ quan hành pháp.

Thủ tướng Chính phủ đứng đầu Chính phủ, nhưng lại không đứng đầu đầy đủ cơ quan hành pháp và cũng không thống lĩnh lực lượng vũ trang, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước thay mặt cho Nhà nước về đối nội, đối ngoại, nhưng trong thực tiễn lại không thống lĩnh lực lượng vũ trang, cũng như không đứng đầu đầy đủ cơ quan hành pháp. Với các phân tích ở trên cho thấy quyền lực của một nguyên thủ quốc gia lại bị phân tán làm 3 nơi cho 3 người nắm giữ. Do vậy, tôi đề nghị Hiến pháp sửa đổi lần này cần sửa đổi để thống nhất lại sự phân tán này.

Thứ ba, về sự cần thiết thành lập cơ quan chuyên trách về bảo hiến ở Việt Nam, tôi thống nhất là quyền lực của Nhà nước có sự thống nhất, có sự phân công, phân nhiệm và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hành về luật pháp, hành pháp và tư pháp. Ở phần này đại biểu La Ngọc Thoáng sáng nay cũng phân tích rất nhiều và tôi tán thành với việc dự thảo sửa đổi xác định Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ là cơ quan hành pháp, Tòa án là cơ quan tư pháp.

Song tôi thấy, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp thì có Quốc hội giám sát, còn cơ quan lập pháp thì cơ quan nào giám sát. Vì vậy, tôi thấy khác với các nước trên thế giới thì việc giám sát và bảo vệ Hiến pháp ở Việt Nam thì hiện không giao cho một cơ quan chuyên trách nào mà giao cho nhiều cơ quan, nhà nước với mục tiêu là bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp của các văn bản qui phạm pháp luật. Tuy nhiên một bất cập rất lớn, lớn nhất là Việt Nam hiện chưa có bất kỳ cơ chế nào để giám sát chính hoạt động của Quốc hội và tính hợp Hiến của các đạo luật mà nghị quyết do Quốc hội ban hành trong khi Quốc hội là một trong những chủ thể cũng có nhiều khả năng ban hành luật và ban hành nghị quyết cũng có thể vi phạm vì có thể chúng ta là thiểu số phục tùng đa số nên cũng có văn bản, những luật khác đưa ra cũng còn có yếu tố mà chưa được đủ theo như Hiến pháp.

Tôi nhất trí với phân tích này của đại biểu Độ sáng ngày phân tích rất rõ. Mặt khác hiện nay thì nhiều quyền quan trọng như hủy bỏ, đình chỉ văn bản trái Hiến pháp hầu như không được các chủ thể giám sát có thẩm quyền áp dụng, hình thức kiến nghị thông qua hoạt động giám sát của cơ quan, của Quốc hội thì chưa thực sự có hiệu quả. Chính vì vậy, việc thành lập một cơ quan chuyên trách về bảo Hiến ở Việt Nam đang được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết và tôi thấy cần được Hiến định trong sửa đổi lần này.

Chẳng hạn Hiến pháp cần phải thay đổi với quy định về việc cho phép Quốc hội có thể kéo dài nhiệm kỳ trong trường hợp đặc biệt hay cần quy định bắt buộc phải trưng cầu dân ý trong sửa đổi Hiến pháp và kế thừa tư tưởng nhân dân phúc quyết của Hiến pháp 46. Tôi thấy phần này cần phải được kế thừa và Quốc hội, cơ quan này tôi thấy không trực thuộc cơ quan nào mà có thể chỉ tuân theo pháp luật và đại diện cho nhân dân. Cũng như vậy, tôi thấy phần phân tích của đại biểu Thúy rất rõ về làm rõ hơn cơ chế về quyền giám sát của nhân dân trong Hiến pháp và quyền giám sát của Mặt trận Tổ quốc trong việc phản biện và giám sát thì thấy việc này chúng ta đã có quy định trong Quốc hội, Hội đồng nhân và trong Luật của Mặt trận cũng có, nhưng thực tế trong những năm vừa qua chúng ta chưa có một văn bản pháp luật hướng dẫn thật cụ thể việc thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc. Tôi nhất trí có một nghị quyết về việc lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan