Góp ý của ĐBQH Nguyễn Văn Phúc – Hà Tĩnh đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 14:24 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Không phải khóa Quốc hội nào, không phải đại biểu Quốc hội nào cũng có vinh dự to lớn và trách nhiệm sứ mệnh cao cả là sửa đổi Hiến pháp để tạo nền tảng vững chắc hơn cho sự phát triển của đất nước không những vì thế hệ hôm nay mà còn tiếp nối các thế hệ mai sau. Quốc hội Khóa XIII của chúng ta đang xem xét để tiến tới quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một công việc trọng đại của nhiệm kỳ Quốc hội này. Các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu nhiều ý kiến đa chiều, không những đưa ra các đánh giá lập luận phân tích sâu sắc có cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc mà còn truyền đến cảm hứng có thể gọi là nguồn cảm hứng lập hiến, nguồn cảm hứng hiến pháp. Tôi xin tham gia một số ý kiến có tính chất trao đổi với một số vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu như sau.

Một, về sự cần thiết và phạm vi sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tôi tán thành phải sửa đổi một cách cơ bản Hiến pháp năm 1992 như nhiều vị đại biểu Quốc hội đã đề nghị. Bởi vì chúng ta cần phải sửa đổi Hiến pháp một cách cơ bản để tạo cơ sở hiến định tiến hành đột phá chiến lược về cải cách thể chế như văn kiện Đại hội Đảng đã nêu.

Các nhà kinh tế có đưa ra nhận định, ở các quốc gia có điều kiện phát triển như nhau, nhưng tại sao lại có thu nhập bình quân đầu người khác nhau, phúc lợi của nhân dân cao khác nhau. Chính đó là nguyên nhân từ thể chế, những quốc gia không chọn được những thể chế thích hợp, những thể chế yếu kém, chắc chắn sẽ tụt hậu. Chúng ta phải so sánh thu nhập trung bình bình quân của người dân Việt Nam với các nước trong khu vực. Đến năm 2011, thu nhập bình quân đầu người 1374 đô la, trong khi đó Indonesia đạt 3.509 đô la, Trung Quốc 5414 đô la, Thái Lan 5394 đô la, Mailaixia 9.700 đô la, chỉ một so sánh như thế cũng thấy mặc dù trong 20 năm qua thực hiện Hiến pháp năm 1992, chúng ta đạt được nhiều thành tựu to lớn, không thể chối cãi, được thế giới công nhận. Nhưng nếu so sánh với các nước thì chúng ta phải nói rằng đang ở mức thấp, nếu không muốn nói đang tụt hậu. Các nhà kinh tế cũng phát hiện ra một quy luật mà tôi nghĩ các nhà lập hiến cũng phải tham khảo, đó là với thu nhập trung bình.

Hiện nay Việt Nam chúng ta được gia nhập nước có thu nhập trung bình, tức là đạt trên 1000 đô la và chúng ta có thoát khỏi 7 thu nhập trung bình này không. Tôi có cảm nhận trong thời gian vừa qua chúng ta đang bị rủi ro rơi vào bẫy thu nhập trung bình, có nghĩa là chúng ta sẽ luẩn quẩn trong trên 1000 đô la mà không thể vượt qua được một trình độ phát triển khác, đó cũng là một phần tôi cho là phần chính do thể chế của chúng ta chưa phù hợp, nhất là thể chế kinh tế thị trường. Vì vậy, chúng ta phải tiến hành sửa đổi, nói đến thể chế đầu tiên là Hiến pháp, từ trên cơ sở Hiến pháp chúng ta sửa đổi một loạt các luật liên quan đến đầu tư sản xuất kinh doanh sở hữu doanh nghiệp v.v... và các luật liên quan đến tổ chức.

Qua tổng kết Hiến pháp năm 1992 tôi nhận thấy nhiều vấn đề chín muồi được tổng kết, được kiểm nghiệm không những qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992 mà còn từ các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 nhưng các vấn đề về phân công phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước, vấn đề trưng cầu ý dân, vấn đề bảo vệ Hiến pháp v.v..., nhất là vấn đề kiểm soát quyền lực và hình thành cơ chế chuyên trách bảo vệ Hiến pháp song song bổ sung thêm cho cơ chế phi tập trung như hiện nay. Có ý kiến cho rằng ở Quốc hội chủ trương sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bây giờ chúng ta chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều hay tới đây chúng ta sẽ ban hành Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi) theo như công thức hiện nay thay thế Hiến pháp năm 1992, tất nhiên là trên cơ sở kế thừa thì chúng tôi cũng xin báo cáo với Quốc hội một thông tin để mà so sánh, để tham khảo là khi chúng ta ở Quốc hội các khóa trước sửa Hiến pháp năm 1946 thì lúc đầu cũng chưa đặt vấn đề sửa một cách toàn diện mà chỉ nói là sửa một vấn đề thôi để thích hợp với điều kiện tình hình của nước nhà mà chưa thể ban hành Hiến pháp mới.

Nhưng sau đó từ năm 1957 đến năm 1959 sau 4 tháng lấy ý kiến nhân dân thì Ban sửa đổi Hiến pháp đã đi đến kết luận và trình Quốc hội và cho rằng Hiến pháp năm 1946 đã hoàn thành sứ mệnh của nó sau khi được Quốc hội thông qua bằng dự thảo này, tức là dự thảo sửa đổi Hiến pháp 46 sẽ trở thành Hiến pháp mới của nước ta và vì thế Quốc hội ban hành Hiến pháp mới 1959. Tương tự như vậy, lúc đầu chúng ta cũng định sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp năm 1980. Năm 1988 thì chúng ta ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1980 nhưng sau đấy nghiên cứu lại thì đến năm 1989 thì Quốc hội đã thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp để sửa đổi cơ bản toàn diện và kết quả là chúng ta đã có một bản Hiến pháp năm 1992 đến hôm nay. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan